Có phải Tết ngày càng nhạt và chán?

Tết Bính Thân đang dần qua. Nhiều người than phiền ngày nay Tết không còn không khí xôm tụ như xưa và ngày càng trở nên nhạt nhẽo, chán ngắt.

Ông đồ già, một thời là biểu hiện của Tết, cũng sắp đi vào dĩ vãng. Ảnh: Dương Cầm

Có thể bạn quan tâm

Tết chỉ hiện diện mờ nhạt trong sự háo hức trước giao thừa

Có người bảo chỉ còn nhận ra sự hiện diện của Tết qua sự háo hức của mọi người, trong những ngày cuối cùng của năm cũ, trước giờ giao thừa. Bước qua giao thừa, hết ngày mùng 1, coi như mọi không khí háo hức trở nên…buông xuôi, mùng nào cũng như mùng nấy.

Nói như vậy, có thể là quá…tàn nhẫn với Tết. Phải nhìn nhận thực tế rất khôi hài: Nếu những ngày trước tết các công nhân viên chức không háo hức dò hỏi mức thưởng tết, người tha hương không nhắc nhở vợ con chi tiêu tằn tiện để có tiền về quê, người thành phố không rục rịch chuẩn bị cho một kỳ nghỉ dài ngày…thì có lẽ ngày Tết rất mờ nhạt.

Tết hiện diện là những chậu hoa người ta bày bán trên vỉa hè, là đường vắng xe, là chương trình Táo quân trên truyền hình, hàng khuyến mãi rao bán inh ỏi ở các cửa hàng…

Người dân TP.HCM đi lễ chùa cầu an trong ngày đầu năm. Ảnh: Dương Cầm

Ngày nay, nhiều người xem Tết chỉ là những ngày nghỉ bình thường, là cơ hội sum họp gia đình, được gặp mặt bạn bè, người thân nhiều hơn. Ngày nghỉ tết cũng na ná như ngày nghỉ lễ 30.4, 2.9…

Chị Ngọc Anh, một đồng nghiệp của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới than: “Tết ngày càng nhạt nhẽo, càng chán. Bây giờ tôi thấy những ngày tết giống như ngày bình thường, người ta không còn quan tâm như ngày xưa”.

Còn chị Yến Thanh, nhân viên hành chính một tờ báo tâm sự: “Quanh năm làm mệt, ngày tết tôi chỉ tranh thủ ngủ. Tết chán!”.

Nguyên nhân của cái “nhạt”, cái "chán" ở đây một phần là do đà phát triển kinh tế, công nghệ tiên tiến, đã làm mai một đi nhiều giá trị tinh thần.

Hoa bày bán trên đường phố ngày giáp Tết. Ảnh: Dương Cầm

Bây giờ rất hiếm thấy cảnh sáng mùng 1 con cháu mặc đồ mới tươm tất, đứng xếp hàng mừng tuổi cha mẹ ông bà, chờ nhận lì xì. Mà lì xì tết ngày nay không còn đơn thuần mang ý nghĩa mừng tuổi, nó bị biến tướng thành dịp cấp dưới đưa hối lộ cấp trên một cách hợp lệ.

Ngày chưa xa, muốn chúc tết bạn bè, người quen phải đi đến tận nhà. Ngày nay, chỉ cần một cuộc điện thoại cước vài nghìn đồng, đã làm xong “lễ nghĩa”. Không ai cần đến nhà ai, trừ trường hợp đối tượng là người "quan trọng".

Cuộc sống hối hả, các bà nội trợ cũng hiếm khi còn phải tự tay làm dưa kiệu, củ hành, dưa tai heo, kho thịt... cho gia đình trong ngày tết. Siêu thị bán đầy thức ăn chế biến sẵn, hàng quán mở bán hằng ngày.

Thiếu nữ Sài Gòn du xuân. Ảnh: Dương Cầm

Việc tích trữ thức ăn đến "ra mùng" trong những ngày tết hầu như không còn tồn tại trong các gia đình Việt. Nhiều bà nội trợ chọn giải pháp ăn ngày nào xào ngày ấy, cho nên việc kiêng cữ đi chợ ngày đầu năm (vì sợ nghèo) cũng không còn. Ngày xưa, chợ búa ít nhất phải đến mùng 10 mới nhóm trở lại, bây giờ buôn bán quanh năm, lo gì việc tích trữ.

Bữa cơm đầm ấm có đầy đủ mặt mọi thành viên gia đình vào sáng mùng 1 không phải nhà nào cũng thực hiện được. Con cái bận đi chơi với bạn bè, cha mẹ bận khách khứa... Mạnh ai nấy đi, ngày tết càng khó gặp nhau hơn.

Nhớ Tết xưa

Cách đây chừng 30 năm, ngày Tết có nhiều “thủ tục” và ý nghĩa hơn. Tiền của thu được trong năm dường như người ta dồn vào tháng tết, cho nên mới có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi.

Người trẻ náo nức, người già bận bịu chuẩn bị lương thực, thực phẩm. Trong những ngày tết, người ta chọn cho mình những bộ quần áo mới, đẹp nhất để đi thăm viếng. ”Sắm đồ tết” là cụm từ khá phổ biến trong giai đoạn này. Dù có nghèo rớt mùng tơi đi nữa nhưng trong ngày tết vẫn phải ăn bận đàng hoàng, tươm tất.

Khung cảnh thanh bình ở miền Tây trong ngày tết. Ảnh: Dương Cầm

Tôi còn nhớ, sau ngày rằm tháng chạp, lặt lá những cây mai vàng ngoài sân cho kịp nở đúng ngày mùng 1 tết, bà ngoại tôi đã bắt đầu lục tục lôi hàng chục trái dừa khô đang chất dưới gầm bộ ván ngựa ra, lột vỏ. Nước cốt dừa sẽ dùng để pha với bột làm bánh tráng và trộn với nếp gói bánh tét.

Để có hai loại bánh tráng và bánh tét cúng ông bà trong ngày tết, bà tôi phải mất gần cả tuần rồi. Lá chuối gói bánh, có sẵn ngoài vườn, cũng mất công đi cắt, phơi cho héo. Gạo làm bánh tráng phải ngâm suốt đêm cho mềm, rồi cả nhà ngồi bên cái cối đá, hì hục xay ra thành bột.

Cảnh cả nhà quây quần vừa gói bánh tét, vừa trò chuyện đã rộn ràng không khí tết. Nhìn những cái bánh tráng ướt phơi trên các vỉ lá dừa, chờ khô ráo mang vào, đã đủ làm cho người ta nôn nao.

Ngày tết, các ao đầm tại miền Tây nở rộ hoa súng. Ảnh: Dương Cầm

Không khí tết chính thức bắt đầu từ ngày tiễn ông Táo về trời, ngày 23 tháng chạp. Mọi công việc trở nên gấp rút, thời gian như vội vã hơn. Lu nước nhà nào cũng đầy ắp nước, gạo đầy lu, củi chất đầy bếp... không để bất cứ thứ gì thiếu hụt trong ngày đầu năm.

Chiều 30 Tết, người ta bày mâm cúng rước ông bà, có đầy đủ lễ vật: thịt kho nước dừa, gà mái luộc chéo chân, dưa kiệu, dưa cải…Tết đã thực sự về đến mỗi nhà.

Dù ở phương trời nào, con cái phải trở về nhà trước giờ tiếng pháo giao thừa vang lên. Pháo nổ khắp nơi trong thời khắc thiêng liêng đưa tiễn năm cũ, đón chào năm mới.

Xác pháo đỏ rơi từ ngoài sân vào trong nhà, xen lẫn những cánh mai vàng vương vãi. Người ta để nhà "đầy rác" như thế trong suốt những ngày tết, không dám quét vì sợ…quét luôn tài lộc trong năm ra khỏi nhà.

Sáng mùng 1, người miền Tây Nam Bộ có thói quen kiêng cữ đến nhà người khác, dành trọn ngày quan trọng này cho gia đình.

Bánh tráng phơi ở miền Tây trong những ngày giáp tết. Ảnh: Dương Cầm

Ngày mùng 2, mọi người mặc đồ mới, bắt đầu xuất hành, đi chúc tết dòng họ, hàng xóm, bạn bè. Người lớn quây quần, nhấp ngụm trà nóng, nhai miếng chuối ngào đường, chúc nhau sức khỏe, thành đạt trong năm mới. Trẻ nhỏ tập trung ngoài sân chơi lô tô, lắc bầu cua...

Nếu gia chủ có con nhỏ, khách đến thăm có thông lệ lì xì “lấy hên”, thường là số tiền rất nhỏ. Ngày đầu năm, trong câu chuyện tuyệt đối không được nói đến bệnh tật, chết chóc, thất bại, chỉ nói những chuyện vui.

Thông thường, những năm của thập niên 80 trở về trước, ngày tết kết thúc khi qua hết mùng 10, cũng có thể kéo dài đến ngày rằm tháng giêng. Trong thời gian đó, ngày nào cũng vui, cũng đầm ấm, không “nhạt” như bây giờ.

Lê Ngọc Dương Cầm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/tieu-diem/co-phai-tet-ngay-cang-nhat-va-chan-287796.html