Có hay không 30% công chức “vô tích sự”?

Cho đến nay, thông tin “chạy công chức 100 triệu” và “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Mới hôm qua (5/2), ông Hoàng Quốc Long, Phó vụ trưởng công chức viên chức (Bộ Nội vụ) nói rằng, Lãnh đạo Bộ quyết trả lại sự trong sạch cho người làm tổ chức…

-

" style="TEXT-DECORATION: none" onclick="window.open('http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=446502&CatId=23','moi','toolbar=no,width=640,height=400,directories=no,status=no,scrollbars=yes,resizable=no, menubar=no')" href="http://vnmedia.vn/VN/xa-hoi/tin-tuc/23_446502/co_bang_chung_vu_100_trieu_dong_do_cong_chuc.html"> Tính toán việc cung cấp bằng chứng vụ “100 triệu đồng đỗ công chức”

30% công chức phải “cầm tay chỉ việc” cũng không làm được!

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa những nhận định của một số người có uy tín về chất lượng công chức. Theo đó, thông tin “30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về” thu hút dư luận nhiều nhất.

Về thông tin này, đang có nhiều ý kiến đa chiều.

Công khai, thẳng thắn và gây một cơn sốt dư luận chính là phát biểu của Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 12/2012. Theo ông Dực, chất lượng công chức không tốt bởi có chuyện “chạy” công chức, và cái giá để chạy là không dưới 100 triệu đồng.

Ngay khi các báo đồng loạt đưa thông tin này, độc giả “ào ào” gửi ý kiến phản hồi cho rằng, điều này là có thật và các cơ quan chức năng nếu vào cuộc quyết liệt chắc chắn sẽ tìm ra. Trong khi đó, trao đổi trên mặt báo, nhiều người có uy tín cũng cho rằng, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội chắc chắn không nói bừa và thông tin mà ông đưa ra là có cơ sở.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Hà Nội lại cho biết “chưa tìm ra dấu hiệu dùng tiền chạy thi công chức”, dù có phát hiện những sai phạm nhưng chỉ do “nhờ vả” trong quá trình thi cử.

Kết luận này lại một lần nữa nhận được nhiều phản hồi của người dân, tuy nhiên, hầu hết đó là những phản hồi không đồng tình. Theo đó, độc giả cho rằng, việc tìm ra người đưa và nhận tiền để chạy công chức là rất khó, nhưng chắc chắn là có hiện tượng đó bởi “nếu không có chuyện chạy công chức thì đã không có chuyện bị lừa?”. Chính bản thân ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng nhận định: “Đây là một vấn đề tiêu cực trong xã hội, giống như tham nhũng, ở đâu chúng ta cũng nghe thấy. Nhưng việc vạch mặt chỉ tên, chỉ ra địa chỉ, người đó, việc đó ở đâu hoàn toàn không dễ”. Ông Lợi cũng khẳng định, “có việc chạy tiền để đỗ công chức hay không thì đến giờ này chưa phát hiện ra chứ không phải là không phát hiện ra”.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên, những thông tin về chất lượng công chức được dư luận quan tâm. Tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, một đại biểu đã nhận định khoảng 30% cán bộ làm được việc, 30% cán bộ công chức phải cầm tay, chỉ việc và hơn 30% còn lại là cầm tay chỉ việc cũng... không biết việc mà làm.
Sau đó, ngày 26/3/2011, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội, thông tin này đã được đưa ra chất vấn về vấn đề tuyển dụng công chức đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tại phiên họp đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đã đặt câu hỏi rằng, có phải do khâu tuyển dụng có vấn đề?, đó là chủ yếu nghiên cứu hồ sơ, đó là dựa vào bằng cấp là chính mà chưa coi trọng năng lực thực sự và hiệu quả của công việc?
"Một đợt thi tuyển công chức hoặc thi ngạch nâng bậc cùng một đề thi cho cả trăm người trong khi đó trăm người này sẽ vào trăm vị trí công việc khác nhau. Áp lực bằng cấp vô hình chung đã làm cho cán bộ chạy điểm, mua bằng, thuê thi, thuê học. Bộ trưởng có tính đến đề án đổi mới căn bản công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm trong thời gian tới theo hướng trình bày phương án nếu được tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có số dư hợp lý và theo vị trí của công việc”?" - ông Lê Như Tiến đã nói như vậy.
Cũng tại phiên họp đó, đại biểu Bùi Thị An (TP Hà Nội) đã thẳng thắn chất vấn: “Xã hội ta nói rằng trong quá trình tuyển ở một số ngành, một số vị trí tốn rất nhiều tiền... tính từ hàng trăm triệu trở lên thì đồng chí Bộ trưởng có biết không và điều đó có không?

Với câu hỏi thẳng này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết bản thân ông từ khi về làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ có nghe thấy thông tin đó, và đây là một nội dung rất bức xúc, "nhưng trong thực tế chỉ ra thì báo cáo với đại biểu là thực khó, chúng tôi tiếp thu ý kiến này để có nghiên cứu, có cơ chế để đảm bảo công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ theo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, công tâm, khách quan để góp phần khắc phục hạn chế những khiếm khuyết, những mặt mà dư luận xã hội đang quan tâm”… - Bộ trưởng nói.

Cán bộ tổ chức rất bức xúc vì bị "mang tiếng"

Trong khi nhiều người dân vẫn còn tỏ ý nghi ngờ về kết luận "chưa tìm ra người dùng tiền chạy công chức" thì hôm 5/2 vừa qua, ông Hoàng Quốc Long, Phó vụ trưởng công chức viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, lãnh đạo Bộ Nội Vụ sẽ quyết trả lại sự trong sạch cho người làm tổ chức. "Lãnh đạo Bộ chỉ đạo chúng tôi phối hợp Hà Nội triển khai quyết liệt để tìm ra nếu có thông tin đối tượng, tổ chức làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trả lại trong sạch cho người cán bộ làm tổ chức” - ông Long nói.

Ông Long chia sẻ rằng, “làm ngày làm đêm mà bị mang tiếng chỉ vì một vài thông tin như vậy. Hiện, các đồng chí làm cán bộ tổ chức từ quận huyện, bộ ngành rất bức xúc trước thông tin này". Ông Long cũng cho rằng, trong thời gian qua, đội ngũ 3 triệu công chức, viên chức đã hoàn thành tốt sứ mạng của mình.

Nói về con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, ông Long cho rằng, con số này cần phải bàn thêm chứ không nên "võ đoán". Theo ông Long, "một cơ quan cũng như một cỗ xe, có những bộ phận các đồng chí tưởng không quan trọng nhưng nó là cấu thành của một cỗ máy. Nếu cắt 30% thì cỗ máy không hoạt động được”.

Như vậy, cho đến giờ phút này, chuyện “chạy công chức không dưới 100 triệu” hay “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn chỉ là thông tin võ đoán và cảm tính, bởi chưa có ai bị “vạch mặt chỉ tên”.

Họ, có phải chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” hay là một số đông mà có người đã ước tính lên đến 30%, điều này không thể cứ tiếp tục nói suông hay tiếp tục “võ đoán”. Cần phải có một cơ chế giám sát, một cơ quan đánh giá độc lập. Nếu không, hoặc sẽ có những người rất bức xúc vì bị oan, nhưng cũng có thể chẳng phải chỉ có 30% mà còn nhiều hơn thế, những người "ăn cơm chúa, múa tối ngày", tiêu tốn tiền của dân một cách vô ích.

Mỹ Hạnh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=426&newsid=703496