Cô gái 'săn' bom mìn

Lần đầu tiên tại mảnh đất có mật độ ô nhiễm bom mìn cao bậc nhất cả nước là Quảng Trị xuất hiện một nữ quản lý về hoạt động kỹ thuật rà phá bom mìn. Đó là cô gái 32 tuổi Nguyễn Thị Diệu Linh.

Lần đầu gặp Linh, trước mặt tôi là một cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với nụ cười thường trực trên môi và cách nói chuyện ngắn gọn, không một chút màu mè. Thật khó có thể hình dung cô gái này hiện đang đảm nhận một công việc vốn chỉ dành cho những người đàn ông có thần kinh thép.

Không biết sợ...

Linh thấy mình rất may mắn khi luôn có các đồng nghiệp, các đội trưởng cùng những người cố vấn giàu kinh nghiệm và tâm huyết hỗ trợ. Với lĩnh vực bom mìn, nếu có nhận định sai hoặc hành động sai, chúng ta
có thể sẽ không có cơ hội rút kinh nghiệm

Kể về cơ duyên đến với nghiệp này, Linh cho biết trước đó cô hầu như mù tịt về bom mìn. Cho đến tháng 2.2009, cô trúng tuyển vào vị trí phiên dịch tại dự án RENEW do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, thông qua Tổ chức Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA).

“Lúc bắt đầu Linh như một tờ giấy trắng. Đến những từ ngữ chuyên môn đơn giản như “đạn pháo”, “đạn cối” cũng phải tra từ điển. Nhưng ngay từ đầu Linh đã không hề có cảm giác sợ khi tiếp xúc với bom mìn tại hiện trường như một số đồng nghiệp mới vào”, cô nhớ lại.

Vì đặc thù công việc, phải phiên dịch cho những chuyên gia nước ngoài nên cô có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia về hoạt động này trong một thời gian dài. Dần dần, kiến thức về công việc xử lý bom mìn thời hậu chiến ngày càng dày lên và tình yêu nghề của cô cũng ngày một lớn dần. Sau này, cô được tham gia các khóa đào tạo chính quy. Đến nay, Linh đã có chứng chỉ cấp độ 2 về xử lý bom mìn theo tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế do NPA cấp và chứng chỉ từ khóa tập huấn dành cho các nhà quản lý hành động bom mìn cao cấp được tổ chức tại Jordan, do Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Jordan, Đại học James Madison (Mỹ) cùng nhiều tổ chức hoạt động bom mìn nổi tiếng thế giới đào tạo. Đó là 2 chứng chỉ đặc biệt quan trọng về nghề.

Ghi nhận sự nỗ lực của cô gái nhỏ nhắn này, từ năm 2014, dự án RENEW/NPA đã giao cô trực tiếp điều phối các hoạt động hằng ngày về kỹ thuật hiện trường. Đến tháng 2.2015, cô được bố trí lên vị trí quản lý. Hiện tại cô đang phụ trách hơn 160 nhân viên rà phá bom mìn chuyên nghiệp và các cán bộ hỗ trợ. “Dưới trướng” trực tiếp của cô là 21 đội khảo sát dấu vết bom chùm (5 người/đội), 4 đội xử lý bom mìn lưu động (5 người/đội), 1 đội khảo sát phi kỹ thuật (25 người/đội) và các bộ phận quản lý thông tin, quản lý chất lượng, có cả chuyên gia nước ngoài.

Bữa trưa của Linh và đồng nghiệp nơi hiện trường là chiếc bánh chưng nguội ngắt - Ảnh: Nguyễn Phúc

“Không thấy mình khác biệt”

Khi một đội khảo sát bom chùm, bom bi phát hiện mìn, theo quy trình an toàn, đội đó phải dừng ngay hoạt động để rà bãi mìn. Lúc này, cán bộ kỹ thuật được cử đến đánh giá và các nhân viên khảo sát phi kỹ thuật phải đi thu thập thông tin để phân tích xem liệu đó có phải là bãi mìn hay chỉ là một quả mìn ngẫu nhiên. Cuối cùng, “nữ tướng” Linh là người đưa ra quyết định có để đội tiếp tục hoạt động tại khu vực đó hay không, sau khi đội ngũ kỹ thuật cung cấp thông tin và đưa ra các ý kiến tư vấn...

Nghe những câu chuyện về “quy trình” ấy, tôi hỏi Linh có thấy mình khác biệt không, cô cười đáp: “Linh thấy mỗi thành viên trong dự án đều là những người đặc biệt và đều có vai trò riêng của họ. Linh không thấy mình khác biệt và không muốn mình khác biệt”. Tuy nhiên, sau nhiều lần đi cùng cô và đoàn công tác dự án RENEW thực hiện các nhiệm vụ xử lý vật liệu nổ, chúng tôi đã chứng kiến nhiều “khác biệt” của “nữ tướng” này. Dưới trời nắng chang chang hay trên những trảng cát nóng bỏng, cô vẫn bước đi thoăn thoắt, dặn dò anh em cẩn trọng trong từng chi tiết. Cũng ít khi thấy cô “ngồi” ở văn phòng mà luôn “đeo bám” anh em ở hiện trường. “Linh thấy mình rất may mắn khi luôn có các đồng nghiệp, các đội trưởng và những người cố vấn giàu kinh nghiệm và tâm huyết hỗ trợ. Với lĩnh vực bom mìn, nếu có nhận định sai hoặc hành động sai, chúng ta có thể sẽ không có cơ hội rút kinh nghiệm”, cô chia sẻ.

Linh quá bé nhỏ so với quả bom MK82 nặng khoảng 230 kg - Ảnh: Nguyễn Phúc

Dù làm việc chủ yếu với đàn ông và đa số họ đều lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm, cô vẫn tự tin rằng chỉ cần mình hiểu rõ vấn đề, nói điều đúng và vì lợi ích chung, chắc chắn mọi người đều hợp tác và tôn trọng. Ngay cả chồng cô là anh Đặng Thái Sơn, từ một kỹ sư điện nước nay đã trở thành một nhân viên kỹ thuật tâm huyết của dự án MAG (một tổ chức phi chính phủ khác cũng hoạt động trong lĩnh vực rà phá bom mìn tại Quảng Trị) nhờ “lửa nghề” của vợ.

Với công việc thầm lặng nhưng đầy nguy hiểm để những tiếng nổ không còn xảy ra giữa thời bình, cô tâm sự: “Linh tự hào về công việc của mình. Tự hào được là một phần trong nỗ lực chung xoa dịu nỗi đau chiến tranh”.

Nguyễn Phúc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/co-gai-san-bom-min-663540.html