Có danh chưa hẳn là trí thức

(Phỏng vấn Nhà nghiên cứu triết học Ngô Hương Giang)

Nhà lý luận phê bình Ngô Hương Giang

Anh từng cho rằng, “để có cái nhìn thuyết phục về nguồn sống của sáng tạo văn học, cần thiết phải gạt bỏ cái nhìn phiến diện về khả năng mà tri giác có thể làm được”. Tôi lại nghĩ, không riêng văn học mà bất cứ vấn đề nào của đời sống cũng vậy, để có cái nhìn thuyết phục cần thiết phải gạt bỏ cái nhìn phiến diện. Song thực tế hiện nay có điều đáng buồn là, những người có góc nhìn phiến diện lại hay lên tiếng và đám đông xã hội ùa theo...

Vâng, tôi không phủ nhận thực tế, một số cá nhân có cái nhìn phiến diện lại thường hay phát ngôn về các vấn đề hệ trọng trên hệ thống thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thực tế ấy không phải là đại diện của số đông trí thức.

Chúng ta đang nói về “những phát ngôn”, song giữa anh và tôi cần thống nhất ở điểm, “những phát ngôn phiến diện ấy”, nó nhân danh cái gì, đại diện cho ai và mục đích nhắm đến lợi ích nào? Và hiển nhiên, “đám đông” mà anh nhắc đến “hùa theo ấy”, họ cũng phải thấy “lợi ích của mình trong đó”.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, sự thật cuộc sống vốn đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của đa phần mọi người trong xã hội, nếu những phát ngôn dù nhân danh cái gì mà đi ra khỏi “lằn ranh sự thật”, thì trước sau nó cũng tự “đào thải”, và “đám đông” đi sau cũng sẽ trở thành “những đám đông cô đơn” trong một xã hội sự thật.

Điều tôi e ngại là sự khủng hoảng tri thức. Người xưa đã răn dạy “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Vậy mà, không ít những sự kiện trong năm qua, đứng trước vấn đề xã hội xảy ra, nhiều người có danh trong xã hội khi lên tiếng đã cho người nghe một tràng cười dài, có cả hài và cả bi. Như vậy, chẳng phải như anh đã viết rằng, tri thức tưởng gần trước mắt nhưng lại quá xa vời về chân lý?

“Đối diện với thế giới khủng hoảng thông tin, khi mà mọi chân lý đều dễ đổ vỡ thì việc chọn lối thông diễn đa điểm nhìn, liên phương pháp và phức hợp tri thức là cách phản ứng, chống lại sự tha hóa về nhân tính, đặt con người lên bệ phóng khai sáng mình và khai sáng mọi người.” - Ngô Hương Giang.

Có lẽ chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm “trí thức” và “tri thức”. “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Người có danh chưa hẳn là “trí thức”, vì họ chỉ nhân danh cái họ biết (“tri thức”) để thực hiện các hành động đạt đến “lợi ích” cá nhân, chứ không phải là mang cái biết để nhằm thức tỉnh xã hội, giúp những người khác phản tư về cái sai của mình, cái sai của thể chế xã hội, và rộng hơn là những sai lầm của cả quốc gia.

Vì vậy, việc “những thầy tu giả” lên tiếng nấp phía sau “chiếc áo cà sa” không phải là hành động của những “trí thức”, mà chỉ là hành động của những người “biết việc” mà thôi. Cái hài cái bi xảy ra trong hành động ở trường hợp này là tất yếu. Điều ấy có nghĩa, giữa cái biết và sự thật luôn cần một trung gian nhận thức đó là: Sự phản tỉnh. Không có phản tỉnh thì tri thức không thể đến được với sự thật.

Phải chăng, quyền năng dẫn dụ trong mụ mẫm đã làm biến đổi nhận thức của con người hiện nay?

Điều anh đưa ra chỉ đúng với một nhóm người, mà rộng ra là chỉ đúng với một số “nhóm lợi ích” trong xã hội. Tôi tin rằng, trong xã hội của chúng ta vẫn còn rất nhiều trí thức không dễ bị “thao túng” vào vòng xoáy của “quyền năng”, họ vẫn lên tiếng những lúc cần lên tiếng. Và nhận thức của họ vẫn đại diện cho lợi ích rộng lớn của dân tộc.

Duy chỉ có điều, theo cá nhân tôi nghĩ, đa phần người dân ở xứ mình vẫn “chưa quen” sử dụng “các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền”, hoặc cũng có thể “luật pháp” ở nước mình còn nhiều vấn đề dẫn đến việc “thượng tôn pháp luật” từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên chưa thực sự trở thành truyền thống. Điều này dẫn đến hệ quả, người dân lại phải quay về với cách hành xử xã hội quen thuộc “cha chung không ai khóc”, mạnh ai nấy làm. Phải chăng điều này đã làm anh hình dung đến sự “biến đổi trong nhận thức con người hiện nay”?!

Anh từng băn khoăn “cần làm gì để thoát khỏi sự nô lệ về thông tin, cần làm gì để khai phóng ý nghĩa tính người ra khỏi đời sống kỹ thuật vô cảm đến rùng rợn?”. Song tôi lại thấy, trong đời sống thực tại này, thông tin vẫn xa rời con người đấy thôi. Và nhiều người gần như làm chủ thông tin. Vậy mà, họ không thể vượt thoát khỏi mình, mà vẫn lệ thuộc vào tư duy của người khác.

Vấn đề anh đưa ra rất thú vị và thời sự. “Gần nhà xa ngõ”. Chúng ta vẫn có thói quen đi vòng để tìm sự thật. Ở đây tôi muốn nói rằng, nắm thông tin không đồng nhất với nắm trong tay sự thật, muốn “đãi cát” để tìm được vàng, thì người sử dụng thông tin phải có tinh thần phê phán đối với thông tin mà mình nắm giữ.

Chỉ khi anh biết phê phán bằng một thái độ tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử, thì khi ấy, anh mới biết tri thức của người khác giới hạn tới đâu và đâu là lối ra để cái tôi tư duy hướng tới? Có như vậy thì mới có sáng tạo và là chính mình, còn không, thì chặng đường dài ta đi vẫn có bóng của “kẻ khác” dẫn đường.

Ở trên tôi dẫn lời người xưa răn dạy “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Tuy nhiên, việc thấu triệt tận cùng bản chất văn hóa của quá khứ có vẻ vẫn chưa có vị trí xứng đáng. Làm sao chúng ta xây dựng được công trình vững chắc nếu như nền móng yếu?

Vâng. Vấn đề anh đưa ra lại dẫn chúng ta trở lại với câu chuyện “giáo dục” muôn thuở. Đúng là, ở thời điểm hiện tại, tôi với anh trao đổi đây, theo phán xét chủ quan của tôi, ý thức nguồn cội về văn hóa của con người đương đại dường như chỉ còn là câu chuyện “chữ nghĩa”.

Nghĩa là, chúng ta hàng ngày có vẻ vẫn thường hay nhắc đến cụm từ “văn hóa dân tộc”, và làm đủ mọi sự kiện để nhằm làm “biến đổi” cụm từ ấy; song thực tế, việc nhắc đến cũng chỉ là nhắc đến, mọi hoạt động của các cơ quan chức năng quản lý văn hóa xét đến cùng cũng chỉ là những động tác nhỏ cho một vở kịch lớn về văn hóa mà thôi.

Trong khi đó, việc khơi lại sức mạnh của nguồn cội nằm ở quá trình phát huy “sức mạnh tinh thần dân tộc” trong thực tiễn (chứ không phải lời nói), nằm ở kinh nghiệm bảo vệ quốc gia, thống nhất bờ cõi, nằm ở ý thức giữ gìn truyền thống ứng xử nhân văn xuyên suốt lịch sử, tóm lại là vấn đề phát triển CON NGƯỜI DÂN TỘC thì chúng ta lại chẳng đoái hoài hay chịu đầu tư.

Con người Việt Nam giờ đây đang rơi vào sự khủng hoảng trong ý thức về vận mệnh dân tộc. Điều này cho thấy, cách giáo dục của chúng ta sau 30 năm đổi mới (từ năm 1986) là có vấn đề. Chúng ta thấy đấy, trước 1975 trở về trước chúng ta từng chứng kiến một nền giáo dục văn hóa cho con người rất hiện đại, mà chẳng ai phê phán được nền giáo dục đó không truyền thống và nhân văn cả.

Chúng ta được đọc rất nhiều những công trình văn hóa xứng tầm như của Kim Định, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyền Đình Đầu, Lê Văn Hảo…, còn hiện thời thì sao? Chắc anh và tôi cũng hình dung được câu trả lời thế nào rồi.

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, muốn xây dựng được “những công trình lớn” như anh nói thì trước tiên phải xây cho được cái móng “văn hóa dân tộc” kiên cố đã. Mà, muốn có cái móng văn hóa vững chắc, thì phải có một nền giáo dục tôn trọng sự thật và tôn trong lịch sử, thiếu đi điều này, thì sẽ còn rất xa nữa, chúng ta mới trở lại được những thành tựu giáo dục văn hóa trong quá khứ.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/co-danh-chua-han-la-tri-thuc-post154969.html