Cổ Nhơn - một người trốn, vạn người tìm

TP - Một trò chơi dân gian: một người thả thơ, hàng vạn dân chúng kiếm tìm, ai giải đúng được nhận lộc thưởng đầu xuân hoan hỉ. Trò chơi có từ thời vua ban và tại Bình Định duy nhất có huyện Hoài Nhơn duy trì hằng năm qua mỗi dịp Tết cổ truyền. Dân chúng gọi là trò chơi Cổ Nhơn.

Tương truyền từ xưa, nhà vua nhả thơ để quần thần đoán ý vui chơi có thưởng, được quần chúng lưu truyền và gìn giữ đến ngày nay. Người cầm trịch Ban tổ chức ra bốn câu Thai (4 câu thể lục bát hoặc thất ngôn tứ tuyệt) vịnh về một trong 36 con trong bảng tịch. Câu Thai được treo trên cây nêu dựng ở trung tâm văn hóa huyện, công khai trước công chúng, trên có lá cờ hội. Người chơi dựa trên câu Thai để luận ra con gì. Nội dung những câu thai rất rộng, bàn từ cổ chí kim, người ra Thai phải thông sử sách, giỏi về chữ nghĩa. Anh Nguyễn Văn Trí, một người chơi Cổ Nhơn hằng năm nhận xét: “Nếu Tết không có Cổ Nhơn thì không ra ngày Tết. Ở đây quen rồi, hằng năm phải chơi Cổ Nhơn, là món khai vị đầu xuân mà ai cũng tự nguyện tìm đến tham gia”. Mỗi ngày xổ hai lần và kết thúc vào những giờ cuối buổi để công bố kết quả câu Thai. Ai trúng thưởng thì cầm phiếu đã mua đến lãnh thưởng từ 1 tăng lên 25 lần/giải. Ông Nguyễn Văn Khiêm, trú tại thị trấn Bồng Sơn kể lại: “Câu Thai Cổ Nhơn là muốn ám chỉ sự thai nghén của trò chơi, có nghĩa là trò chơi bắt đầu được diễn ra”. Từ 4 câu Thai vịnh về 36 con trong bảng tịch thành 9 bộ. Bao gồm: Bộ Tứ Trạng nguyên (Cá trắng, ốc, ngỗng, công), Bộ Ngũ Hổ tướng (Con trùn, cọp, heo, thỏ, trâu), Bộ Thất sinh lí (Con rồng bay, chó, ngựa, voi, mèo, chuột, ong), Bộ Nhị Đạo sĩ (Con hạc, kì lân), Bộ Tứ mỹ nữ (Con bướm, én, con cu, hòn đá), Bộ Tứ hảo mạng (Con khỉ, ếch, quạ, rồng nằm), Bộ tứ Hòa thượng(Con rùa, gà, lươn, cá đỏ), Bộ Ngũ khất thực (Con tôm, rắn, nhện, nai, dê), Bộ nhất ni cô (Con yêu). Mỗi con có 2 cái tên: tên dân gian cùng tên chữ, và một con số tượng trưng cho mình. Khi Ban tổ chức ra câu Thai thì người chơi dựa trên bộ, tên trò chơi, tên con vật, số thứ tự để bàn, luận, đoán ra con gì. Nội dung những câu Thai rất rộng nhưng ai cũng có thể chơi. Nhưng để bàn được, phải là người giỏi chữ nghĩa; để đánh được là người phải hiểu về thời cuộc, tâm lý… Trên bảng tịch 36 con, mỗi con có hai tên, tên thường gọi và tên tộc, người xổ thường dựa theo tên tộc để xổ. Người đánh tự chia ra bốn bộ hoặc vùng như: sơn, thủy...Trong 36 con thì con Chí cao (con trùn) được coi là ông tổ Cổ Nhơn. Hiện ở Hoài Nhơn có trên một trăm người tham gia bán xổ Cổ Nhơn trên khắp phố. Từ những quán cà phê, bàn nhậu, từ những đám trẻ, những chị đi chợ xuân… đâu đâu cũng nghe luận bàn về Cổ Nhơn, không khí càng vui vẻ hơn khi có người nào đó bàn hay, chí lý, “gãy” nghĩa.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-hoa/527279/co-nhon---mot-nguoi-tron-van-nguoi-tim.html