Chuyện xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Kiểm kể chuyện xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên nhân dịp NNVN ra số báo đặc biệt. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh Ngày 2/9 năm nay, kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, cũng là kỷ niệm 41 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 35 ngày khánh thành Lăng của Người. Ngày ngày dòng người từ khắp các miền quê trong thương nhớ, vẫn thành kính vào Lăng viếng Bác. Theo Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ước tính mỗi tuần có hơn 15.000 người, những ngày nghỉ, ngày lễ - vào dịp kỷ niệm đặc biệt như 19/5 và 2/9 - mỗi ngày có tới hàng vạn người về thăm Lăng Bác. Thế nhưng chuyện của những người xây dựng Lăng Bác như thế nào thì ít người biết và không không nhiều người biết, Trưởng Ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đồng chí Đỗ Mười, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng (1973 - 1977), nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1991 -1997). Một ngày đầu thu, chúng tôi có dịp đến thăm đồng chí Đỗ Mười tại nhà riêng và được nghe ông kể lại những tháng năm đảm nhiệm chức trách Trưởng ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhiệm vụ lớn lao và vinh dự trong cuộc đời của ông. Đồng chí Đỗ Mười kể rằng, ngày Bác mất, với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, thể theo ý nguyện rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, khi Người qua đời, Đảng và Nhà nước đã ra quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người. Ngày 19/10/1970, bản dự thảo "Nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh" do các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô đã soạn thảo được thông qua. Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ chủ quản công trình khi xây dựng xong và phụ trách lắp ráp toàn bộ thiết bị bên trong công trình. Lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam, với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 5/2/1972, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho cán bộ, các ngành, các địa phương tham gia xây dựng công trình, lực lượng nòng cốt là Bộ Kiến trúc (sau này là Bộ Xây dựng) và Bộ Quốc phòng. Giữa lúc hàng ngàn người đang sẵn sàng bắt tay vào việc xây Lăng thì Mỹ ném bom trở lại miền Bắc (16/4/1972). Công việc xây dựng theo kế hoạch phải tạm dừng. Ngày 28/1/1973, tin ký kết Hiệp định Pa-ri được công bố trên Đài tiếng nói Việt Nam, công việc xây dựng Lăng được tái khởi động. Đồng chí Đỗ Mười kể: Tôi còn nhớ ngày 18/6/1973, tám giờ sáng, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp… tiến hành tháo dỡ lễ đài Ba Đình cũ, chính tại nơi đây, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trước quốc dân đồng bào, để ngày 2/9 năm ấy, lễ khởi công xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch đã diễn ra giữa một rừng cờ, khẩu hiệu và hàng ngàn công nhân công trường. Ngày ấy đất nước vẫn chiến tranh, kinh tế còn khó khăn nhưng với tấm lòng kính yêu Bác, cả nước dồn công của cho công việc dựng xây. Cát được lấy từ suối Kim Bôi ở Hòa Bình, đá cuội lấy từ suối Sơn Dương - Chiêm Hóa, đá nhồi, đá hồng ngọc từ Thanh Hóa, đá hoa, cẩm thạch từ Chùa Thầy và đá đỏ, đá hoa cương từ Ngũ Hành Sơn, đá ngọc từ Cao Bằng, cùng 16 loại gỗ quý ở dọc đường Trường Sơn Đồng chí Đỗ Mười kể tiếp: Trong suốt thời gian xây dựng Lăng từ năm 1973 đến năm 1975 cũng là giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ. Chính tôi là người chỉ đạo xây dựng công trình, cũng không thể ngờ năm 1975 nước nhà thống nhất, cũng là năm khánh thành Lăng, kịp đón đồng bào miền Nam ra viếng Người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình xây dựng không thể tính bằng tiền mà tính bằng những tấm lòng của nhân dân; những gỗ, đá của cả non sông, trang trọng dành cho một con người đã hy sinh, dành trọn đời cho nền độc lập của Tổ quốc. Từ điển Bách khoa thế giới của Anh giới thiệu lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như là một mẫu kiến trúc độc đáo nhất thế giới. Vì không nơi nào có một công trình xây lăng tẩm, lại được xây dựng bằng cát, đá, gỗ nói chung là vật liệu, được chính lòng dân tuyển chọn khắp non sông đem đến cho công trình. Với quyết tâm xây dựng Lăng trong 3 năm, cần hàng vạn tấn xi măng mác cao, ngày đó nước ta chưa sản xuất được loại xi măng này, nếu nhập từ Liên Xô đi tàu biển về Việt Nam, thì không thể hoàn thành việc xây Lăng vào năm 1975. Đồng chí Đỗ Mười nói với cán bộ công nhân trên công trường rằng: Đây là nhiệm vụ nhưng cũng rất vinh dự cho chúng ta được xây nhà cho Bác, phải làm thật chất lượng, thật khẩn trương để khi đất nước thống nhất đón đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về viếng thăm Bác. Có thể thay thế xi măng Liên Xô bằng xi măng sản xuất trong nước không? Đồng chí Đỗ Mười hỏi ông Nguyễn Mạnh Kiểm, ngày ấy là Viện phó Viện Vật liệu xây dựng, được giao phụ trách phòng nghiên cứu chất lượng xây Lăng Bác. Ông Kiểm suy nghĩ rồi mạnh dạn trả lời: - Báo cáo Phó Thủ tướng, có khả năng làm được. Nhưng mình phải điều chỉnh kỹ thuật sản xuất để đạt tiêu chuẩn xi măng mác cao như của Liên Xô. Nghe vậy đồng chí Đỗ Mười rất mừng, ông nói với ông Kiểm: - Nếu thế thì tốt quá, cậu về bàn ngay với Viện, Tổng cục Hóa chất và Nhà máy xi măng Hải Phòng, ta làm thí nghiệm để có kết luận sớm cho tôi để trả lời với Ban có phải nhập xi măng không? Công trình xây khẩn trương 3 năm phải xong nên chất lượng xi măng là quan trọng lắm. Ông Kiểm nhớ lại: - Thấy đồng chí Đỗ Mười tâm huyết như vậy, tôi bỗng can đảm lên, bước ngay vào việc chỉ đạo sản xuất thử xi măng mác cao. Chúng tôi điều chỉnh chế độ nung đốt, điều chỉnh các thông số kỹ thuật và đã cho ra đời thành công mẻ xi măng mắc 600. Sau thí nghiệm thành công tôi đến báo cáo với đồng chí Đỗ Mười: Sản xuất thử thành công rồi, báo cáo Phó Thủ tướng, mình tự làm xi măng mác cao được. Đồng chí Đỗ Mười khen: Các cậu giỏi thật, sản xuất thành công xi măng mác cao tôi rất mừng nhưng vẫn phải làm thử vài lần nữa. Tự sản xuất được xi măng thì tốt rồi, mình biết phát huy tính tự lực tự cường, không phải nhập xi măng của nước bạn nữa, chủ động được xi măng có nghĩa là chắc chắn sẽ xây dựng Lăng xong trong 3 năm. Nhớ lại chuyện này, ông Kiểm nhận xét: Nhờ có ý kiến của đồng chí Đỗ Mười, ngành xây dựng nước ta vươn lên tự sản xuất được xi măng mác cao, đó là yếu tố quyết định góp phần chỉ trong 2 năm, việc xây Lăng Bác đã hoàn thành và mở ra con đường Việt Nam sản xuất được xi măng chất lượng cao, phục vụ việc xây dựng những công trình lớn sau thống nhất nước nhà . Sau câu chuyện Việt Nam tự sản xuất xi măng mác cao xây dựng Lăng Bác, với trách nhiệm Trưởng ban xây dựng Lăng, ông Đỗ Mười lại có băn khoăn lo lắng lượng phóng xạ của các vật liệu xây dựng lăng có ảnh hưởng đến thi hài của Bác không? Ông Đỗ Mười lại giao nhiệm vụ này cho ông Nguyễn Mạnh Kiểm tập hợp mẫu các vật liệu xây dựng sang Liên Xô nhờ thử phóng xạ. Kết quả các vật liệu xây dựng Lăng Bác qua kiểm nghiệm phóng xạ tại Liên Xô “thấp dưới mức cho phép”. Ngoài câu chuyện xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Đỗ Mười cũng có những quan điểm riêng góp ý cho kiến trúc tổng thể quanh Lăng. Theo ý kiến của kiến trúc sư Nga thì xây dựng sân quảng trường Lăng Bác hoàn toàn bằng bê tông; đồng chí Đỗ Mười xem xong thiết kế đề nghị kiến trúc sư thay toàn bộ thành những ô cỏ xanh trước Lăng Bác. Ý kiến của ông Đỗ Mười được chấp nhận. Ngày nay đến thăm Lăng, dạo quanh Lăng, chúng ta có thể ngắm nhiều hàng cây biểu trưng cho khắp vùng miền đất nước, như tre Cao Bằng, chò nâu Đền Hùng, hoa ban Điện Biên. Hai bên cửa Lăng là hai cây hoa đại tượng trưng cho sự trong sáng, thanh cao. Phía trước và phía sau Lăng trồng 79 cây vạn tuế tượng trưng cho 79 năm tuổi của Hồ Chủ tịch (1890 -1969). Hai bên phía nam và bắc của Lăng là hai khóm tre ngà, loại cây biểu tượng cho nước Việt Nam, còn phía trước Lăng là một thảm cỏ dài 380 mét chia thành 240 ô vuông xanh tươi, đó là thảm cỏ được thay thế sân bê tông theo đề nghị của đồng chí Đỗ Mười, Trưởng Ban chỉ huy xây dựng Lăng Bác.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/1/24/24/58251/default.aspx