Chuyện về Anh hùng La Văn Cầu

Gần 80 tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

La Văn Cầu người dân tộc Tày, sinh ra tại bản Nà Thoa, xã Đình Phong và lớn lên tại bản Lũng Liêng, xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tháng 10-1948, ở tuổi 16, ông Cầu đã tham gia bộ đội vì căm thù bọn thổ phỉ, bọn tay sai đế quốc thường cướp phá bản làng. Ông được biên chế vào Đại đội 671 (Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng) Sư đoàn 316. Trong câu chuyện, ông tiếc rằng mình bị thương quá sớm, không được tiếp tục chiến đấu nhiều hơn ở những chiến dịch lớn, mới chỉ được tham gia 25 trận đánh. Trong chiến dịch Biên giới - Thu Đông năm 1950, ông được tham gia đánh trận Đông Khê. Trận Đông Khê bắt đầu diễn ra vào khoảng 6 giờ sáng ngày 16-9-1950, ta dùng quả bộc phá 12 kg tiêu diệt được một lô cốt địch trên cao điểm, với sự yểm trợ của pháo binh nhưng hỏa lực của địch quá mạnh nên đến đêm ta vẫn chỉ chiếm được một phần ba trận địa. Ngày 17-9 đánh tiếp, ta và địch từ các giao thông hào, các vị trí ném lựu đạn, bắn súng giành giật nhau từng đoạn. Khoảng 10 giờ đêm 17-9, La Văn Cầu được lệnh dùng bộc phá đánh vào lô cốt lớn, trong lúc đang chuẩn bị bộc phá bên hào giao thông, ông nghe tiếng của đạn bom vang lên chát chúa rồi bị thương, ngã xuống. Khi tỉnh dậy, ông nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt, nhưng cả người ê ẩm, chỉ còn tay trái có thể cử động, tay phải đã giập nát. Ông quờ tìm quả bộc phá ôm chặt và trườn lên phía trước. Nhưng khó quá, cánh tay lủng lẳng vướng víu, La Văn Cầu nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu chặt giúp cánh tay bị thương. Ông La Văn Cầu. Người Tiểu đội trưởng ngần ngại, muốn thay Cầu lao lên, nhưng Cầu khẩn khoản: Tôi đã sẵn sàng, anh khẩn trương chặt đứt cánh tay này giúp tôi. Người Tiểu đội trưởng cầm lưỡi lê hô Cầu chuẩn bị chịu đựng, sau đó chặt phăng cánh tay bị gãy của Cầu rồi băng bó lại. Lúc này, La Văn Cầu càng quyết tâm hơn. Ông ôm quả bộc phá 12 kg bằng tay trái, leo dốc, áp vào lô cốt giặc, dùng hết sức giật cả hai kíp và quay người lăn xuống dốc, chỉ thấy tiếng nổ vang lên và ngất đi. Tỉnh lại, nghe tiếng hô xung phong của đồng đội, biết mình còn sống, muốn xông lên, nhưng sức đã kiệt. Người đồng đội trẻ Lý Văn Mưu thay ông ôm bộc phá giật kíp và lao vào lô cốt thứ hai, tiếng nổ vang lên. Lý Văn Mưu hi sinh anh dũng. Lúc này, liệt sĩ và những thương binh nặng được đồng đội và dân công hỏa tuyến cáng đi, còn ông tự về trạm quân y tiền phương. Trận đánh Đông Khê đến 8 giờ sáng ngày 19-9 mới thắng lợi, có khá nhiều đồng đội của La Văn Cầu hi sinh, bị thương, trong đó có Đại đội trưởng Trần Cừ. Sau này, tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ Nhất tháng 5-1952, Trần Cừ và Lý Văn Mưu được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và La Văn Cầu, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Tổng kết chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu là một trong những "lá cờ đầu trong phong trào giết giặc lập công". Sau đó, La Văn Cầu cùng một số chiến sĩ thi đua được mời lên gặp Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc. Kết thúc câu chuyện, ông nói trong xúc động: "Hồ Chủ tịch và các vị tiền bối cách mạng ta thật giản dị nhưng anh minh, đã dẫn dắt Đảng và Nhân dân ta giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Còn chúng tôi, những người chiến sĩ, những Bộ đội Cụ Hồ chiến đấu cũng vì độc lập, tự do của dân tộc, có hi sinh xương máu cũng là những đóng góp nhỏ cho cách mạng, các anh đừng viết phóng đại về thành tích của chúng tôi. Chỉ mong thế hệ trẻ ngày hôm nay ghi nhận và phát huy thành quả cha ông đã giành lại để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn" Duy Tường

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=6446&lang=vn&zone=4&zoneparent=0