Chuyện thật như đùa tại trường mầm non không biên chế

Mới nghe thì thấy vô lý, nhưng đó lại là sự thật đang hiện hữu ở ngôi trường mầm non xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Cả trường có 24 giáo viên thì tất cả các cô không có lấy 1 ai được biên chế. Thậm chí những người làm công tác quản lý như Hiệu trưởng, Hiệu phó, vẫn đang hưởng mức lương bèo bọt không đến 1 triệu đồng/tháng.

-

Trường mầm non Thượng Ninh, nơi không giáo viên nào được biên chế

Ai khổ bằng giáo viên mầm non?

Từ TP. Thanh Hóa, chúng tôi vượt một quảng đường dài gần 70km để tìm về ngôi trường duy nhất ở Thanh Hóa không có lấy 1 ai được biên chế. Ngôi trường khang trang, sạch đẹp được xây dựng từ dự án 135 của Chính phủ nằm nắp mình bên những nương mía xanh tốt ngay cạnh đường Hồ Chí Minh thật yên bình.

Cô Lê Thị Huyền, Hiệu trưởng trường mầm non Thượng Ninh cho biết: “Trước đây trường cũng có 1 người được biên chế, nhưng cô ấy đã nghỉ dạy gần 4 năm rồi, kể từ đó trường không có lấy 1 ai được biên chế. Thành thử các cô ở đây thiệt thòi đủ đường, cũng dạy như chúng tôi nhưng nếu ở Như Xuân cô nào được vào biên chế thì lương cao gấp 5, 6 lần, thậm chí còn có cô còn cao gấp 10 lần lương của chúng tôi”.

Đi dạy được 4 năm rồi, thế nhưng tháng nào cô Vũ Thị Thùy (quê ở Triệu Sơn) cũng phải về nhà để đèo gạo, mắm, muối lên trường để nấu ăn. Ngoài ra mỗi tháng gia đình còn phụ cấp thêm tiền để cô có thể chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Cô Thùy mếu máo: “Bố mẹ nuôi cho ăn học, tưởng ra trường có thể đỡ đần thêm cho bố mẹ được chút nào. Nhiều lúc thấy chán muốn kiếm quách nghề gì thu nhập kha khá mà làm, nhưng thấy tiếc bao công sức, tiền của bố mẹ nuôi cho ăn học, nên em vẫn cố gắng theo nghề”.

Theo chân cô Huyền, chúng tôi tìm đến nhà cô Quách Thị Chính ở thôn Đông Xuân, xã Thượng Ninh, cô là một trong những người có thâm niên lâu nhất tại trường. Cô Chính công tác ở đây từ năm 1986, đến nay đã gần 26 năm, thế nhưng cho đến tận năm 2006 cô mới được hưởng mức lương hơn 1 triệu đồng. Còn trước đấy, cô được nhận mức lương bèo bọt đến nỗi nghe qua chúng tôi cứ tưởng đấy là chuyện đùa: 50.000 đồng/tháng. Một số tiền nếu chia đều ra cho tất cả các ngày trong tháng, thì công lao động của cô Chính được nhận không đến 2.000 đồng/ngày. Với số tiền đó, mua 1 cái bút bi còn không được chứ nói gì đến mọi chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

Ngày nào cũng vậy, cứ một buổi đến trường, một buổi cô Chính lại đi làm thuê đủ nghề, từ việc đi cấy thuê, cắt thuê, chặt mía thuê, nuôi tằm… cho đến việc vào rừng sâu đi hái măng, đốn củi về bán cô đều làm hết. Nhìn căn nhà nhỏ xiêu vẹo, nằm nép mình bên con suối nhỏ, cứ một trận lụt là nước lên đến nửa nhà, mà chúng tôi thấy thật khâm phục cho những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như các cô.

Lương không đủ sống, cô Quách Thị Chính phải làm thêm đủ nghề, trong đó có nghề nuôi tằm

Không chỉ có cô Chính mà ở trường mầm non Thượng Ninh, có rất nhiều cô công tác không dưới 10 năm như cô Bùi Thị Nguyên, Lê Thị Ngoãn, Bùi Thị Hà… Ngần ấy năm công tác là ngần ấy năm các cô phải gắng gượng để sống. Thế nhưng cũng đã không ít lần cuộc sống của gia đình các cô không được “cơm lành, canh ngọt”, hay xảy ra xung đột vì đi làm suốt ngày mà không mang về được đồng nào cho chồng, con. Nhưng các cô cũng phải ngậm ngùi chịu đựng cho cuộc sống được yên ấm.

Cũng đi dạy đã 11 năm vẫn chưa được biên chế, cô Bùi Thị Hà lại có một nỗi khổ riêng. Năm nay đã bước sang tuổi 32, cái tuổi “trai quá xá, mạ quá thì” nhưng cô cũng không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, do lương bổng ít ỏi, lại phải nuôi bố mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Thành thử đã có nhiều người đến muốn rước cô về “góp gạo thổi cơm chung”, nhưng vì thương bố mẹ không có ai chăm sóc nên cô Hà đều từ chối.

Cô Hà buồn rầu: “Nhiều lúc nhìn thấy gia đình nhà người ta đông vui, ấm cúng mà thấy buồn tủi cho cuộc đời của mình quá. Cũng muốn kiếm 1 tấm chồng cho an phận, nhưng còn bố mẹ già ai nuôi? các anh chị thì ở xa, lương lậu thì bèo bọt…” Nói đến đó, cô Hà bổng nghẹn lại, cô không nói gì liền quay mặt đi như muốn dấu những giọt nước mắt đang rơi lả chả trên khóe mắt.

Có về đây được tận mắt chứng kiến cuộc sống hàng ngày của các cô, mới thấy hết được bao vất vả mà họ đang phải đối mặt hàng ngày. Lương thì ít ỏi, trường lại đông học sinh, nhiều khu lẽ… Để có thể bám trường, bám lớp, nhiều cô phải lặn lội xuống tận các thôn bản xa trung tâm đến hàng chục cây số để dạy. Đường xá đi lại khó khăn, hôm nắng còn đỡ, hôm nào mưa to, đường trơn trượt, nhầy nhụa, nhiều cô đến lớp người lấm lem bùn đất do ngã xe. Thế nhưng tất cả các cô, chưa một ai có ý định bỏ trường, bỏ lớp.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Được biết, tại huyện Như Xuân những giáo viên được vào biên chế lương rất cao khoảng 4 - 5 triệu/tháng, giáo viên làm quản lý thu nhập trên 7 triệu đồng, thậm chí có cô lương tháng trên 10 triệu đồng, do được hưởng thêm chế độ 30a. Trong khi tất cả các cô ở trường mầm non Thượng Ninh chỉ được hưởng mức lương phụ cấp 2480 của tỉnh, khi trừ hết các khoản bảo hiểm mỗi tháng chỉ được nhận vỏn vẹn không đến 700.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó chỉ đủ để xăng xe hàng tháng, còn mọi chi tiêu hàng ngày của bản thân, gia đình các cô đành phải bươn chải những nghề khác để sống.

Cô Hiệu trưởng Lê Thị Huyền (áo sẫm mầu) không cầm được nước mắt
khi trao đổi với PV.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những cô giáo được biên chế, có mức thu nhập cao lại thường được dạy ở những nơi đường xá đi lại thuận tiện, gần nhà. Trong khi đấy những cô không được biên chế, lương bổng thấp kém lại phải dạy ở những nơi xa xôi, cách trở. Đúng là “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra!”.

Cô Huyền tâm sự: “Cũng làm quản lý giống tôi, ấy vậy mà lương của nhiều cô cao gấp 5 - 7 lần tôi, thậm chí cô Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Quân lương mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, cô ấy nhận 1 tháng lương, bằng tôi lao động quần quật cả năm, mà công việc cũng có khác gì nhau đâu”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chương, Trưởng phòng Giáo dục huyện Như Xuân cho biết: “Hiện Như Xuân có 439 cán bộ, giáo viên mầm non, trong đó biên chế mới có 95 giáo viên, hợp đồng 2480 có 297 giáo viên, hợp đồng huyện có 36 cô, xã có 3 cô. Vẫn biết đời sống của giáo viên mầm non ở đây rất khó khăn, vất vả, nhưng Như Xuân là một huyện nghèo, ngân sách thì hạn hẹp nên cũng đành bó tay”.

“Còn lý do giáo viên mầm non ở Như Xuân ít biên chế là do trước đây các cô toàn học sơ cấp, trình độ quá thấp nên không thể xét biên chế được. Những năm gần đây, các cô có cố gắng học tập để nâng cao trình độ nhưng lại không có đợt để xét biên chế, do tỉnh có quyết định không biên chế giáo viên bậc mầm non từ năm 2007, chính vì thế ở Thượng Ninh không có giáo viên nào được biên chế là vậy”.

Trước những khó khăn trên, Phòng cũng đã phối hợp với các cấp học kêu gọi những thầy cô có thu nhập cao, trích 1 ít tiền lương để ủng hộ giáo viên mầm non chưa được biên chế. Số tiền tuy không nhiều nhưng nó cũng phần nào hỗ trợ cho các cô 1 ít để mua phấn, sách bút ” – ông Chương cho biết thêm.

Chuyện về cuộc sống khó khăn, nghèo khó của giáo viên ngoài biên chế đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Thế nhưng vì tình yêu nghề, những cô giáo ngoài biên chế tại trường mầm non Thượng Ninh nói riêng và hàng nghìn giáo viên mầm non khác trên cả nước nói chung vẫn đang phải gồng mình để chống chọi với cuộc sống.

Như Thanh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=36&newsid=254114