Chuyện người dân viết đơn xin đi... nhặt rác

Gần 1 năm nay, kể từ khi khu liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt TP.Thanh Hóa và các vùng phụ cận chuyển về xã Đông Nam (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) hoạt động thì hàng chục hộ dân nghèo của xã này bỗng có thêm một nghề kiếm cơm mới: Nghề nhặt rác.

Bãi rác hôi thối là nơi làm việc của hàng chục chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Muốn nhặt rác phải viết đơn

Tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới bắt đầu, chúng tôi theo đoàn người, chủ yếu là phụ nữ, đạp xe lọc xọc tới bãi rác đóng tại xã Đông Nam. Để vào được bãi rác, ai cũng phải có thẻ ra vào, riêng chúng tôi thì được phía công ty ưu ái cho vào tác nghiệp. Hỏi ra mới biết, để được vào đây nhặt rác, người dân phải làm đơn, phải là người có hoàn cảnh khó khăn, có bảo hiểm y tế… Sau khi được thôn duyệt, công ty mới cấp thẻ cho vào nhặt rác. Chị Nguyễn Thị Ngân (32 tuổi, thôn Phúc Đoàn) cho biết: “Để có cái thẻ vào bãi rác này cũng không phải là dễ. Muốn có được thẻ vào bãi, mọi người phải làm đơn. Sau khi gửi đơn, những người quản lý bãi rác, chính quyền địa phương xác nhận (hoàn cảnh, thu nhập, sức khỏe…) xem có đúng với những gì trong đơn đã trình bày, rồi mới kiểm duyệt. Ngoài ra, mọi người còn phải cạnh tranh với nhau rất ác liệt, bởi người muốn được vào bãi nhặt rác rất nhiều, đây có thể coi như một cuộc thi về hoàn cảnh vậy, ai thắng thì được vào nhặt rác, được cấp thẻ”.

Theo ông Phùng Sỹ Hùng - Phó Giám đốc xí nghiệp xử lý môi trường - Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, người nhặt rác ở đây chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn, được phía công ty tạo điều kiện cho vào nhặt phế liệu kiếm thêm thu nhập, công ty không thu bất kỳ một khoản nào. Tuy nhiên, người vào nhặt phế liệu cũng phải có bảo hiểm y tế, vì việc nhặt phế liệu rác có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Cụ thể, ngoài những yêu cầu bắt buộc về bảo hiểm y tế, có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định, người dân còn phải cam kết thực hiện các quy định của công ty như: Không thu nhặt phế liệu khi các phương tiện máy móc của công ty đang hoạt động, không đi lại lộn xộn, chấp hành sự điều hành của công ty trong quá trình thu nhặt phế liệu, không trộm cắp, không tranh giành, cãi lộn gây mất trật tự… Nếu tai nạn rủi ro trong khu vực bãi chứa và xử lý rác thải của đơn vị (bị điện giật, bị ôtô chở rác, máy ủi, xe máy đâm, va, đè, trận, ốm đau, bệnh tật)…, người dân phải chịu mọi hậu quả. Công ty không có trách nhiệm bồi thường, thanh toán bất kỳ tổn thất nào…

Theo ông Hùng, sau khi người dân gửi đơn, công ty sẽ gửi lại cho thôn trưởng sắp xếp và phân tổ. Trung bình, mỗi ngày tại bãi rác có khoảng trên dưới 15 người tham gia thu nhặt phế liệu, tương đương với 1 tổ. Ở đây có 4 tổ, khoảng trên dưới 60 người, hoạt động luân phiên. Thành phần chủ yếu là phụ nữ, một vài trường hợp là đàn ông vào hỗ trợ việc bê, vác, mua bán cân hàng... Về thời gian hoạt động, mùa hè nắng nóng, công ty sẽ ưu tiên cho bà con vào thu nhặt phế liệu từ 5h sáng, làm đến khoảng 10h - 10h30 thì nghỉ ngơi, ai về thì về không thì người nhà mang cơm đến tận nơi; buổi chiều, từ 14h chiều đến 19h tối. Mùa đông thì muộn hơn, khoảng 7h sáng mới bắt đầu và kết thúc sớm hơn. Trung bình, mỗi ngày có từ 40 - 45 chuyến xe chở rác vào bãi, với lượng rác trung bình khoảng 250 tấn/ngày đêm.

Trong những túp lều lụp xụp, các chị em đang phân loại phế liệu.

Phận người… trên rác

Trời còn chưa sáng rõ nhưng bãi rác nơi đây đã rất tấp nập, rộn lên tiếng gọi nhau í ới… Một chiếc xe chuyên dụng chở rác vào bãi, hơn chục người phụ nữ dáng mảnh khảnh, chân ủng, tay găng, mặt bịt kín chạy thật nhanh đến chỗ xe rác chực chờ. Và rồi, như một cuộc cạnh tranh, không ai nói chuyện với ai, mỗi người một góc, lầm lũi, cần mẫn cào cào, bới bới, nhặt thật nhanh những thứ có thể dùng hoặc bán được từ đống rác mới đổ. Sau giờ phút cật lực với đống rác mới, mọi người tỏ ra thấm mệt, uể oải, họ lê những bao tải đựng những gì đã thu nhặt được về các lán nhỏ, phân loại phế liệu rồi cân bán. Một chị mặt kín mít thấy chúng tôi chăm chú quan sát, lên tiếng: “Các chú người thành phố không quen, đi ra đi không về lại ốm bệnh bây giờ! Chúng tôi làm ở đây quen rồi, có ốm đau thì cũng 3 ngày sau mới đến phiên mình”.

Mặt trời dần lên cao, cái nắng gay gắt đổ xuống bãi rác bốc lên một thứ mùi hôi thối nồng nặng. Một số người sau những giờ phút cật lực vật lộn với đống rác đã trở về dưới những lùm cây để nghỉ. Trong khi đó, một số người khác vẫn cặm cụi “bán mặt cho rác, bán lưng cho trời”, rệu rã, lê những bước chân mệt mỏi cố tìm cho mình những gì còn sót lại. Một vài chị em may mắn có chồng, con đến phụ trợ phân loại phế liệu, cân bán, còn những người không có ai đến phụ giúp thì phải tự mình làm tất cả. Cật lực mưu sinh đến trưa, nhiều chị em về nhà nghỉ ngơi, lấy sức chiều làm tiếp, song không ít người khác vẫn ở lại, cố chờ đợi những chuyến xe rác mới…

Trong các chị em, chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Phúc Đoài) là một trong những thành viên có hoàn cảnh éo le. Chồng mất vì bị ung thư gan cách đây gần 1 năm. Một mình chị đang gánh trên vai 2 đứa con nhỏ, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ học mẫu giáo. Suốt 3 năm chồng ốm đau, mọi của cải, đồ đạc trong gia đình lũ lượt đội gánh ra đi, trong khi nhà chỉ có vài sào ruộng không đủ chi tiêu cũng như trả những khoản nợ khổng lồ do vay mượn điều trị bệnh tật cho chồng. Mỗi khi đến ngày được vào nhặt rác, chị phải dậy từ sáng sớm, lo đồ ăn cho các cháu đâu ra đấy rồi mới theo các chị em khác đi làm. Luân phiên theo tổ vào bãi nhặt rác, chị có 7 lượt (7 ngày)/tháng. Trung bình mỗi ngày, chị nỗ lực cũng cho thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng. Những ngày không phải phiên mình, hễ ai thuê gì thì chị làm nấy, từ cấy hái, cho đến cày bừa vất vả, miễn là có thêm thu nhập lo cho con cho cái.

Ngồi kế bên chị Ngân, gia đình chị Ngô Thị Sang (48 tuổi, thôn Hạnh Phúc) cũng có hoàn cảnh vô cùng éo le. Một mình chị đang phải chăm lo cho mẹ già đã 80 tuổi, 2 đứa trẻ nhỏ (1 đứa là con chị, 1 đứa là con của em gái) và người chồng bệnh tật không còn khả năng lao động. “Nó (em gái) do lầm lỡ tình duyên mà chửa đẻ rồi tự nuôi con, thương nó nhưng bản thân mình cũng không có nên đành chịu. Vừa rồi, do ruộng ít, thu nhập không đủ ăn nên nó đành bỏ xứ, bỏ con lại cho tôi nuôi để đi làm ăn xa”, chị Sang xót xa kể.

Cuộc trò chuyện bỗng ngắt quãng như một đoạn phim bị cắt hình. Một chiếc xe chuyên dụng chở rác mới đang tiến vào bãi, không kịp chào hỏi, các chị lại lao mình như những con thiêu thân đến chực chờ xe đổ rác. Trong những ánh mắt hăm hở ấy, chúng tôi có thể cảm nhận được các chị đang hy vọng, mong mỏi nhặt được nhiều những thứ có thể dùng được trong những đống rác thải kia.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/chuyen-nguoi-dan-viet-don-xin-di-nhat-rac-369214.bld