Chuyên nghiệp hóa mạng lưới phân phối dược phẩm

Với gần 700 công ty TNHH kinh doanh và phân phối dược phẩm cùng hơn 4.000 nhà thuốc bán lẻ, TPHCM hiện đang có thị trường dược phẩm sôi động nhất cả nước. Bên cạnh việc đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phục vụ sức khỏe người dân, thị trường dược phẩm cũng tồn tại không ít hạn chế như tình trạng thuốc kém chất lượng, không nguồn gốc vẫn tràn lan… Do đó, quy hoạch mạng lưới phân phối dược phẩm theo hướng xây dựng các chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt bán lẻ thuốc) và trung tâm dược sỉ đạt chuẩn GDP (thực hành tốt bán sỉ) đang là giải pháp căn cơ cho ngành dược TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Giải tỏa áp lực lũng đoạn giá cả Với phương châm là nhà phân phối chuyên nghiệp, Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) đã triển khai phương án xây dựng hệ thống chuỗi nhà thuốc bán lẻ đạt chuẩn GPP với thương hiệu SPG Pharmacy từ 3 năm qua và đến nay đã có 9 nhà thuốc được Sở Y tế TPHCM công nhận. Trong đề án phát triển công ty đến năm 2015, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sapharco Lê Minh Trí cho biết, mỗi năm sẽ xây dựng 200 nhà thuốc GPP và từ nay đến 2015 tối thiểu xây dựng khoảng 1.000 nhà thuốc chuỗi GPP mang thương hiệu SPG Phamacy trên khắp cả nước. Qua đó cho thấy, với nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng thuốc chữa bệnh cũng như sự an toàn trong cung ứng thuốc đến tay người dân, việc xây dựng chuỗi nhà thuốc GPP đang thực sự đi đúng hướng. Nói như ông Lê Minh Trí, chuỗi nhà thuốc GPP không chỉ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đúng chuẩn của Bộ Y tế mà còn thể hiện tính chuyên nghiệp trong phân phối dược phẩm, quan trọng hơn là giúp người bệnh thụ hưởng những loại thuốc chữa bệnh hiệu quả, an toàn. Được tư vấn kỹ cách sử dụng thuốc hợp lý, nguồn gốc thuốc rõ ràng, giá cả phù hợp và đặc biệt luôn được bảo quản tốt… là cảm giác của hầu hết người bệnh khi vào các chuỗi nhà thuốc có thương hiệu hiện nay tại TPHCM như SPG Pharmacy, V-Phano. Đó là những chuỗi nhà thuốc đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, định hình một thị trường bán lẻ dược phẩm có nề nếp trước thực trạng bát nháo của thị trường này hiện nay. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, do là thị trường dược phẩm lớn nhất nước, TPHCM đang chịu áp lực khá lớn trước tình trạng nhiều hãng dược, nhà thuốc lũng đoạn giá cả, bán thuốc kém chất lượng. Do đó, việc xây dựng các chuỗi nhà thuốc được Sở Y tế TPHCM nhận định như một chiến lược lâu dài để giải tỏa áp lực trên. Đưa thuốc tốt đến người bệnh Nếu như việc phân phối lẻ đang dần được chấn chỉnh, hệ thống phân phối thuốc sỉ hiện nay tại TPHCM lại đang là điều nhức nhối. Với gần 700 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, phân phối thuốc đã tạo nên một thị trường sôi động nhưng phức tạp. “Mỗi doanh nghiệp đều xây dựng cho mình một hệ thống phân phối riêng lẻ. Do đó, tình trạng móc ngoặc mua bán để đẩy giá thuốc lên cao hoặc nhiều doanh nghiệp dược “mọc lên” để núp bóng nhằm tiêu thụ thuốc trôi nổi, kém chất lượng không phải ít”, một dược sĩ có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh dược cho biết. Theo một cán bộ xuất nhập khẩu của một hãng dược ở TPHCM, hầu hết các công ty nhập thuốc về ít nhất cũng mua bán lòng vòng 5 lần 7 lượt. Ví dụ như một lô thuốc trị viêm gan được công ty A nhập về với giá CIF nguyên lô là 1 triệu USD, sau đó bán lại cho công ty B để ăn chênh lệch, rồi công ty B bán lại cho công ty C… Cứ tiếp tục như vậy và theo “thời giá”, qua mỗi khâu, lô thuốc đã tăng giá lên 10%. Tuy nhiên, điều đáng nói là những phi vụ mua bán ấy chỉ diễn ra trên giấy, còn thực chất lô thuốc vẫn trong kho công ty A. Cũng không loại trừ việc mua bán lòng vòng chẳng qua chỉ do một công ty A đạo diễn, bởi các công ty kia chỉ là “sân sau”, nhằm lách thuế và hợp pháp hóa khi kê khai giá bán thuốc. Chính vì vậy, vừa qua Bộ Y tế đã triển khai Đề án quy hoạch hệ thống lưu thông phân phối thuốc của ngành dược Việt Nam. Theo đó, Tổng Công ty Dược Việt Nam giao cho Công ty cổ phần Dược liệu Mediplantex xây dựng một trung tâm dược phẩm phân phối sỉ tại miền Bắc và giao Công ty Dược phẩm Trung ương II (CODUPHA) xây dựng một trung tâm tại phía Nam. Cuối tháng 7-2010 vừa qua, CODUPHA đã khởi công xây dựng trung tâm phân phối dược phẩm tại 334 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TPHCM với quy mô 11.000m2, 108 gian hàng cùng kho bãi. Theo ông Lê Đình An, thành viên Ban Quản lý dự án của CODUPHA, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia phân phối tại trung tâm với những điều kiện, tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc. “Một trung tâm phân phối đạt chuẩn GDP sẽ đáp ứng được nhiệm vụ của Nhà nước, Bộ Y tế, Tổng Công ty Dược Việt Nam giao cho CODUPHA. Đó là đảm trách việc phân phối dược phẩm của các nhà sản xuất trong nước và công ty nước ngoài có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam từ khâu nhập hàng, tồn trữ, bảo quản, tiếp nhận đơn hàng, xuất hóa đơn, giao hàng, thu tiền… với chi phí hợp lý, góp phần vào việc bình ổn giá thuốc trên thị trường”, ông Trương Xuân Liên, Phó Giám đốc CODUPHA, cho biết. Theo ông Liên, Trung tâm Phân phối dược phẩm CODUPHA là giải pháp đầu tiên tiến đến sự chuyên nghiệp hóa hoạt động phân phối dược phẩm tại Việt Nam, khắc phục những tồn tại của hệ thống phân phối thuốc hiện nay với mục tiêu đưa thuốc đến tay người bệnh tốt nhất, an toàn nhất và giá cả hợp lý nhất. Tường Lâm

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thuoc/2010/8/235811/