Chuyện “một thầy hai lớp” ở Cô Ba

QĐND- Ở xã Cô Ba - xã biên giới khó khăn nhất nhì của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hiện đang tồn tại hàng chục trường học với rất nhiều lớp học kỳ lạ: Một thầy, cô giáo phải dạy tới hai lớp, thuộc hai đối tượng học trò khác nhau trong cùng một phòng học.

Vì quá ít học trò và chỉ có một thầy giáo, những em học sinh thuộc hai lớp phải ngồi xoay lưng lại với nhau trong một phòng học.

Đã quen với những lớp học miền xuôi, thầy nào lớp ấy nên khi tận mắt chứng kiến cảnh một thầy dạy hai lớp cùng trong một phòng học làm chúng tôi không khỏi tò mò. Trước băn khoăn của chúng tôi về chất lượng giáo dục ở những lớp học như thế này, thầy giáo Lương Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Cô Ba lý giải: “Bao năm nay, ở Cô Ba, những lớp học như thế này vẫn diễn ra. Biết là thật khó để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhưng khi thầy thiếu, trò thiếu thì phải “lồng ghép” như vậy chứ biết làm sao được…”.

Không chỉ ở Cô Ba, tại điểm trường Phiêng Mòn, ngôi trường nhỏ nằm lọt thỏm giữa khoảng đồng bậc thang hun hút gió, chúng tôi leo đồi để tiếp cận bên cửa sổ một lớp học “hai trong một” khác mà không khỏi nao lòng. Nhìn lớp học như một “nồi lẩu thiếu lửa”, lòng tôi nặng trĩu. Khi thầy giáo chạy sang bên này dạy một lớp, lúc thì thầy lại chạy sang một góc khác, dạy lớp còn lại. Học sinh cứ ngoái theo như nửa tò mò, nửa tiếc nuối.

"Nghỉ giải lao đi!". Tiếng cô giáo Hoàng Thị Hương thay cho tiếng trống. Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi gặp cô giáo Thớ Thị Giồ. Cô giáo Giồ cho biết: Từ Ban giám hiệu đến mọi giáo viên đều trăn trở để nâng cao chất lượng dạy học nhưng thiếu nhiều thứ quá. Thiếu bàn, thiếu ghế, thiếu cơ sở vật chất, thiếu cả thầy cô giáo. Nhưng chưa hết, đến học sinh cũng…thiếu!

Xuống tất cả 10 điểm trường ở xã Cô Ba như: Khuổi Giào, Ngàm Lồm, Lũng Vầy… đều thấy chung một hiện tượng không khác so với ở Phiêng Mòn. Đem câu chuyện trao đổi với ông Lang Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Cô Ba, ông tâm sự: “Cái nghèo, cái khó nó kéo cái chữ đi. Xã cũng đã rất cố gắng tạo điều kiện về mọi mặt và vận động bà con cho con em đến trường, nhưng…”.

Còn nhiều việc phải làm nhưng rõ ràng sự tồn tại “mô hình” “một thầy hai lớp” như ở Cô Ba là điều đáng trăn trở, cần phải khắc phục. Có như vậy chất lượng dạy và học ở địa bàn miền núi khó khăn này mới có thể được cải thiện…

Bài và ảnh: NGÔ TIẾN MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/228084/Default.aspx