Chuyện lạ ở Bình Hưng Hòa

(ĐSCT) Từ năm 2008, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Chỉ trong thời gian ngắn nữa vùng đất này sẽ nhường chỗ cho khu dân cư phức hợp. Thế nhưng suốt cả tháng thâm nhập nghĩa trang, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều khác thường ở nơi rộng tới 60ha có trên 70.000 mộ.

Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa ĐỦ LOẠI “CÒ” Dù đã có quy định cấm chôn cất nhưng nạn phân lô, bán nền cho người đã khuất vẫn diễn ra ở Bình Hưng Hòa. Chỉ cần bỏ ra mười triệu, thân nhân người xấu số vẫn tìm được huyệt mộ cho người quá cố. Gởi xe trong quán nước, tôi nói với chủ quán trạc 45 tuổi là cần mua một lô đất chờ ngày bà nội về miền cực lạc. Biết được yêu cầu của khách, gã lấy chiếc Wave màu đỏ, dẫn tôi vào gặp dì Út. Đó là một người đàn bà mập ú, khoảng 60 tuổi. Bà Út chỉ tay vào một chỗ đất trống giữa các ngôi mộ cao lớn, liến thoắng: - Đất này là của tui nên vô tư chôn cất, tui để lại cậu 12 triệu đồng. Nếu xây mộ theo kiểu nhẹ nhàng thì năm - sáu triệu, xây lớn thì vài chục, kiểu nào cũng có. Tui nhận trông coi theo năm luôn. - Việc mua bán ra sao? Nghe nói sắp có kế hoạch di dời mà? - tôi vờ nghi ngại. - Tui viết giấy tay cho. Nếu người thân hấp hối thì đưa nửa tiền, “đặt chỗ” thì trả đủ vì tui biết chờ đến khi nào? Cậu để bà nội nằm ở đây thì không sợ gì cả. Tui bán cả trăm nền chứ đâu riêng ai. Chúng tôi bảo cần nơi an nghỉ cho ông bà nội nên cần hai nền sát nhau, bà Út than thở: “Đất không còn đâu cậu ơi, nằm cách nhau một chút cũng “tâm sự” được mà. Có gì cậu liên lạc với tui qua điện thoại, nhanh chân kẻo hết”. Nại lý do cần về nhà bàn bạc, chúng tôi rút êm. Để tránh bị phát hiện, tuần sau chúng tôi mới quay lại. Chạy xe vào phía sau nghĩa trang văn ấp liên tộc, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ đang sửa sang mộ đón tết theo yêu cầu của người bỏ tiền ra. Tôi được giới thiệu với dì Năm. Người đàn bà chuyên sống ở nghĩa địa chừng 50 tuổi, đen nhẻm khoác lác: “Cần đất bao nhiêu qua cũng có cả. Khi nào em cần cứ đến đây tìm, qua dẫn đi mua liền”. Tiếp tục chạy xe vào phía cuối nghĩa trang, chúng tôi chú ý đến một người đàn ông bán bông và nhang cho người viếng mộ. Biết được ý định của tôi, anh Thành (tên người đàn ông) nói: “Đất bán để chôn cất người chết thì anh biết nhiều chỗ lắm. Thấy em đàng hoàng anh mới nói, TP đang có kế hoạch di dời nên em mua nền sẽ bị giải tỏa trắng đó”. Tôi ậm ừ cho qua chuyện rồi nổ máy xe. Em Thuận, sống từ nhỏ đến lớn ở nghĩa địa bằng nghề coi mả, tâm sự thật thà: “Tụi tui trong này đều biết nghĩa trang sẽ chuyển đi nhưng không ai dám làm mộ giả để kiếm tiền đền bù như nơi khác đâu. Có một số “cò” dắt mối bán nền cho người chết, lấy được tiền xong là họ “dông” thẳng”. Trên con đường lởm chởm đất đá, chúng tôi gặp nhiều người đang lùng sục mua nền để dành cho người thân sắp về cõi vĩnh hằng. Do thiếu thông tin nên họ đâu biết, mua đất ở đây nhất định sẽ tiền mất tật mang. MỊT MÙ THỜI ĐIỂM DI DỜI Theo kế hoạch do Sở Tài nguyên Môi trường và quận Bình Tân trình thì thành phố cần gần 1.500 tỷ đồng để di dời Bình Hưng Hòa đến các nghĩa trang khác. UBND thành phố đã thống nhất di dời toàn bộ mộ và khu hỏa táng ra ngoại thành. Nhằm tìm hiểu về kế hoạch này, chúng tôi tìm đến văn phòng ban quản lý nghĩa trang. Tiếp chúng tôi là ông Hồng - trưởng ban quản lý. Ông Hồng một mực nói: “Tụi tôi ở đây không biết gì cả, phóng viên cần gì thì đến xí nghiệp dịch vụ đô thị để tìm hiểu”. Không khai thác được thông tin, chúng tôi ra về thì gặp bà Trần Thị Dung, SN 1940, có chồng là ông Nguyễn Văn Túy, SN 1937 (mất tháng 1-1980) và cháu nội được chôn cất tại đây. Mấy hôm nay đọc báo, xem ti vi thấy đề cập đến chuyện di dời, bà tìm đến văn phòng ban quản lý hỏi thăm thì bị “hành” đến khổ thân. Bà Dung bức xúc: “Nhiều năm qua, tui nghe chuyện phải di dời nhưng chưa được bồi thường. Năm ngoái, tui định hốt cốt chồng tui đang nằm sau lưng lò thiêu về nghĩa trang Bình Dương nhưng bị đòi tới ba triệu đồng. Mấy hôm nay tui lên ban quản lý nhận giấy xin bốc mộ về khai, phải có địa phương chứng, còn phải nộp bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân...”. Bình Hưng Hòa là nghĩa trang lớn nhất của thành phố, thuộc hai phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, được bao bọc bởi hai đường chính là Tân Kỳ Tân Quý và Bình Long. Trước đây nghĩa trang này thuộc huyện Bình Chánh nhưng do quá trình đô thị hóa nhanh, nghĩa trang hiện nằm trong nội thành. Bên cạnh nghĩa trang có khu đất hoang gần đây được xây làm trụ sở UBND, trụ sở công an và trạm y tế của phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Tới trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa A, Bí thư Đảng ủy Lê Văn Bảy nói với chúng tôi: “Em cứ lên gặp anh Trần Minh Khiêm, phó chủ tịch quận Bình Tân kiêm trưởng ban chỉ đạo giải tỏa thì sẽ biết!”. Tiếp tục tới trụ sở UBND quận Bình Tân, Khanh - cán bộ văn phòng nói với chúng tôi là lãnh đạo bận họp, cứ viết câu hỏi ra giấy, sẽ hẹn làm việc sau. Ngày 29-12, Khanh gọi điện thoại cho chúng tôi và nói: “Không thể trả lời vì chưa có kế hoạch”. NGHĨA CỬ CỦA TÌNH NGƯỜI Nhắc đến Bình Hưng Hòa gồm cụm nghĩa trang: Thanh Hóa, công giáo, văn ấp liên tộc..., người ta nghĩ ngay đến đủ các tệ nạn như mại dâm, ma túy, cướp giật. Thế nhưng, từ sau giải phóng cũng có những quản trang, người bán nhang đèn... sống nhờ vào các nấm mộ. Nghĩa trang bị giải tỏa, họ trĩu nặng âu lo về cuộc sống ngày mai. Hằng ngày bà Huỳnh Thị Dung – quản trang nghĩa địa Thanh Hóa “canh gác” giấc ngủ cho người quá cố và lặng lẽ chôn cất những thi hài còn đỏ hỏn, kết quả của những mối tình vụng trộm. “Đừng đưa tui lên báo làm gì, đăng xong là tui bị đuổi đi nơi khác liền. Hôm trước, có cô phóng viên tới viết báo, chiều hôm đó tui phải khăn gói ra đi” - bà Dung xua tay từ chối ý định đi sâu tìm hiểu của chúng tôi. Phải kiên trì thuyết phục bà mới đồng ý tiếp xúc. Ngồi trong nhà quàn linh cữu, bà Dung miên man trong dòng kí ức: “Ba tui mất từ khi tui còn nhỏ. Năm 1980, mẹ dắt tui lên nghĩa trang để tìm nơi tá túc, ban ngày thì lấy phụ hồ, dọn mả làm kế sinh nhai”. Lần đầu tiên, hai mẹ con bà Dung ra tay nghĩa hiệp là một đêm mưa bão mịt mùng. Từ phía gốc cây phát ra tiếng khóc của trẻ. Khi đốt đuốc tìm được thì em đã tắt thở. Hai mẹ con bà Dung đã lập mộ cho sinh linh xấu số và đặt tên mộ là bé Cây (bị vứt dưới một gốc cây). Sau đó, hai mẹ con còn chôn cất nhiều đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời nhưng bị cha mẹ ruồng bỏ. Có đứa bị kiến cắn khắp người. Đến khi bà Hai (tên thường gọi của mẹ bà Dung) qua đời vì bạo bệnh, bà Dung lại tiếp tục “nối nghiệp”. Trong những ngày ở nghĩa trang, bà tìm được hạnh phúc và sinh thành được hai con là Trần Hoàng Anh 26 tuổi và Trần Hoàng Quân 22 tuổi. “Thời bao cấp, tui nuôi hai đứa rất cực khổ, thậm chí có lúc túng quẫn quá, tui phải mượn tiền của... giang hồ để đóng tiền học cho con. Đến lớp 7 thì hai đứa nghỉ ngang để đi làm, giúp đỡ gia đình” – bà Dung trải lòng. Dẫn chúng tôi ra thăm nơi an nghỉ của các đứa bé, chỉ là những nấm đất, bà Dung kể rành rọt từng trường hợp nhặt được ở đâu, khi nào. Vừa kể bà vừa rưng rưng nước mắt. Chúng tôi hỏi bà: - Những năm cuối đời, bà có mong muốn tìm một chỗ sinh sống ổn định không? - Tui không dám nghĩ tới đâu. Mới đây, vì tui không biết chữ nên cháu ngoại của tui học lớp bốn về nói, người dân miền Trung vừa bị thiệt hại rất nặng nề do bão lũ liên miên. Tui là “lá rách”, còn sướng hơn “lá nát”. Đồng loại của chúng ta hiện rất khó khăn. Họ đang cần giúp đỡ và sẻ chia. - Có khi nào, cha mẹ của các thai nhi quay lại tìm mộ phần của con và muốn trả ơn bà không? - Tui chưa thấy ai cả, nhưng mình chỉ nghĩ đơn giản “làm phước là được phước”, đi chùa cầu an không bằng làm một việc nhỏ từ tấm lòng - bà Dung thật thà. So với các nghĩa trang khác thì khu vực bà Dung “cai quản” rất bình yên. Nhiều lần bị truy quét, đám gái mại dâm chạy vào xin lẩn trốn nhưng bà cương quyết: “Mấy cô thông cảm, tui không thể chứa chấp được, làm vậy là sai pháp luật, bị trục xuất khỏi đây thì biết sống ở đâu?”. Nhờ có đàn chó của bà mà kẻ gian không dám bén mảng đến các nấm mộ đại gia để trộm cắp các thanh sắt. Để chống lại nạn giựt điện thoại, khách đến viếng nghĩa trang đều được bà nhắc nhở cần cẩn thận trước lũ nghiện ma túy luôn rình rập để kiếm tiền thỏa mãn cơn nghiện. Những ngày gần tết, bà bận rộn bởi phải nhổ cỏ, sơn phết lại các phần mộ cho khang trang. Người thân, con cháu của người quá cố thường thương tình cho bà vài chục nghìn tiền chăm sóc mộ nhưng nếu không cho thì bà cũng vui vì đã làm được một việc có ích. Ngoài làm hồ, nhổ cỏ, chăm sóc mồ mả, bà Dung còn chăm sóc mồ... chó mèo của các đại gia, kiếm được vài chục nghìn mỗi tháng cũng đủ cho bà mua gạo sống qua ngày. Chiều muộn, đêm tối bao trùm, không gian ở nghĩa trang có gì đó rờn rợn. Bà Dung ăn vội tô cơm với canh rau muống trước khi đi thắp nhang cho từng mộ phần. Bà chia sẻ, nước phải mua từng can để tiết kiệm dùng dần, điện thì xài bình ắc quy. Tiễn tôi ra về, bà Dung nắm tay tôi thật chặt để gửi gắm nguyện vọng: “Tui muốn sống thanh tịnh trên mảnh đất này được ngày nào hay ngày đó. Cậu viết sao thì viết, đừng để tui bị đuổi đi như một số phóng viên khác đã viết nhé”. Tôi như thấy cổ họng bỗng dưng nghèn nghẹn. TỰ SỰ CỦA CƯ DÂN VÙNG ĐẤT CHẾT Một ngày cuối năm, chạy xe máy sâu vào trong nghĩa trang, chúng tôi tới đường số 11, khu phố 5, phường Bình Hưng Hòa A, nơi có những ngôi nhà cấp bốn lụp xụp cạnh các nấm mộ. Anh Tư, SN 1960, sống bằng nghề bán nhang tâm sự: “Tui được mẹ sinh ra ngay tại nghĩa địa, rồi tui lập gia đình, có ba người con cũng chào đời ở đây. Đứa con trai lớn thì sống nhờ phía vợ nó, cô con gái thì chồng chết, phụ vợ tui bán đồ nhậu ở bờ kè...”. Hỏi anh chuẩn bị gì chưa cho ngày di dời, anh Tư nói rành rẽ: “Chủ trương nhà nước thì mọi người dân phải chấp hành. Chỉ có điều nhiều người đang quan tâm giá đền bù ra sao?”. Đối diện quầy của anh Tư là nơi bán nhang đèn của một cụ già bị lãng tai vì tuổi tác. Ông tên là Huỳnh Văn Hiến, mọi người thường gọi là ông Tám. Ngày trước, ông bán nhang đèn từ sáng sớm đến tối mịt nhưng vừa rồi cành cây bị gãy, đổ xuống, rách luôn cái bạt che chỗ ở nên ngó thấy mây đen kéo tới là ông lại vội vã dọn đồ về nhà. Hai cha con ông sống nhờ cái nghề này từ nhiều năm qua. “Nghĩa trang di dời, qua không biết làm nghề gì sống nữa. Dù gì thì cái nghề này cũng giúp qua sống được qua ngày đoạn tháng, ngày thường kiếm được vài chục, ngày gần tết thì cả trăm nghìn đồng chứ ít gì?” - ông Tám luyến tiếc. Không chỉ người bán nhang ngổn ngang hoài niệm mà những người thuê trọ tại đây cũng rầu. Chị Trần Thị Ngọc Lan, SN 1978, thuê nhà số 24A, nói: “Trước đây, tụi tui sống ở khu cầu trắng, phường Bình Hưng Hòa nhưng do giá tiền thuê nhà đắt quá nên đến năm 2008 mới dắt díu nhau về đây, mỗi tháng chỉ mất nửa tiền, lại rộng rãi”. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Thành, SN 1982, làm thợ hồ cật lực nhưng không đủ tiền để gởi hai đứa nhỏ đi nhà trẻ nên chị Lan đành ở nhà giữ con. Trước thông tin sẽ giải tỏa di dời, chị Lan tâm sự: “Tuy sống ở nghĩa trang nhưng tụi tôi quen rồi, giờ chỉ còn cách dọn đi thuê chỗ khác chứ biết làm sao?”. Những ngày này, phố phường đang tấp nập trong không khí tết sắp đến nhưng với thị dân Bình Hưng Hòa thì có lẽ đây là lần cuối đón xuân trên đất nghĩa trang.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=220536&mod=detnews&p=