Chuyện kể về người anh hùng

Làm nghề báo, tôi có may mắn được nhiều lần tiếp xúc và viết bài về Đại tá Mai Văn Dậu, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, nguyên Chỉ huy trưởng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, nay là Bộ đội biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng. Đầu tháng 11-2015, biết tin ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, tôi tìm đến để chúc mừng, may mắn lại được gặp 2 người con của ông cũng vừa đến thăm ông. Kể về người cha của mình, ông Mai Linh Quý, người con trai thứ 2 của ông không giấu được niềm tự hào: Cha mẹ tôi sinh được 8 người con thì có 3 người tham gia trong lực lượng quân đội, công an.

Anh trai đầu là liệt sỹ, hy sinh năm 1968 tại Mặt trận khu 5 khi chưa kịp có vợ con, tôi là con thứ 2 tham gia trong lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) đã nghỉ hưu và một người em nữa hiện công tác tại CATP Đà Nẵng. Tiếp nối truyền thống gia đình, hiện 2 người cháu nội của Đại tá Mai Văn Dậu cũng tham gia trong lực lượng CATP và BĐBP TP Đà Nẵng, những người con, người cháu khác đều làm việc trong các cơ quan Nhà nước và là những công dân gương mẫu ở địa phương. Mấy năm trước, khi đến thăm ông, tôi từng ngưỡng mộ trước mối tình có chiều dài hơn 70 năm của vợ chồng ông, khi ấy, mặc dù cả ông và bà đều đã ngoài 80 tuổi nhưng bà vẫn tự tay nấu ăn và ân cần chăm sóc ông hàng ngày, không làm phiền đến con cháu.

Kể từ khi người bạn đời của ông ra đi cách đây 4 năm, ông sống với người con trai thứ 7, mặc dù hàng ngày con cháu quây quần, các đoàn thể, bà con lối xóm thỉnh thoảng thăm hỏi nhưng tôi vẫn thấy ở ông một cảm giác trống trải, thiếu vắng không gì có thể bù đắp được. Bà Mai Thị Cần, người con gái thứ 6 của ông, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng (hiện đã nghỉ hưu) chia sẻ: "Mừng là ông cụ năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn mạnh khỏe và rất minh mẫn, đó là cái phúc lớn của gia đình chúng tôi, là điểm tựa vững vàng cho con cháu.

Sáng sớm nào cụ cũng đi bộ ra tuyến đường Như Nguyệt ven sông để rèn luyện sức khỏe. Giờ thì tuổi cao, cụ đã nghỉ hẳn các nhiệm vụ ở địa phương chứ từ khi về hưu, cụ tham gia rất nhiều công tác, nào là Hội thẩm nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu quân nhân BĐBP, Bí thư chi bộ… Nhiều năm qua, phòng ở của cụ cũng là nơi họp tổ dân phố, họp chi bộ, họp cựu chiến binh, giờ thì không tham gia công tác nữa nhưng khi trong tổ có việc cần hòa giải, các anh em ở địa phương lại tham khảo ý kiến cụ và cụ lại nhiệt tình…lên đường".

Đại tá Mai Văn Dậu sum vầy bên con cháu.

Đại tá Mai Văn Dậu sum vầy bên con cháu.

Hỏi về đại gia đình của ông, Đại tá Mai Văn Dậu cười và lắc đầu vì không tài nào nhớ hết, ông Quý và bà Cần cũng chỉ nhớ vào năm 2011, trong điếu văn đọc trong đám tang của mẹ mình nói rằng có tổng cộng 73 con, cháu, chắt, chút, từ bấy đến nay còn tăng thêm vài đứa nữa. Tuy vậy, khi nhắc về những chuyện trong quá khứ, Đại tá Mai Văn Dậu rất tỉnh táo và nhớ rõ từng sự kiện ở nhiều thời điểm khác nhau…Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, nên từ nhỏ ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động giao liên như: bí mật tiếp tế cơm nước, chuyển tài liệu, thuốc men cho cán bộ cách mạng.

Năm 1945, ông thoát ly gia đình tham gia vào lực lượng CANDVT tỉnh Thanh Hóa và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948. Năm 1966, ông là 1 trong 200 cán bộ được Bộ Tư lệnh CANDVT (nay là BĐBP) điều động chi viện cho chiến trường miền Nam. Được phân công hoạt động ở Khu 5, ông tham gia lực lượng an ninh vũ trang của hai huyện Tiên Phước, Trà My cùng với bộ đội địa phương đánh vào quận lỵ Trà My, diệt 13 tên tề ngụy và bắt sống 7 tên, giải phóng 2 xã Phương Đông và Dương Yên. Trận chiến đấu này đã gây tiếng vang lớn, làm tăng thêm khí thế tiến công cách mạng. Năm 1967, ông được Ban An ninh Khu V phân công làm Trưởng ban 8 (B8), đóng quân tại vùng núi xã Lộc Sơn (Đại Lộc, Quảng Nam), bằng nhiều kinh nghiệm, sáng kiến trong quá trình chiến đấu, ông đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc B8 tham gia đánh 21 trận tại các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang, thị xã Hội An, tiêu diệt 334 tên ác ôn, tình báo, gián điệp, trong đó có 65 tên thám báo Mỹ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tại mặt trận Quảng Đà ông đã trực tiếp chỉ huy 42 CBCS dẫn dắt an toàn lực lượng bộ đội chủ lực tiến vào đánh chiếm 3 cứ điểm Mỹ Ngụy tại núi Phước Tường, phá tan khu ra-đa, khu thông tin, làm rối loạn hệ thống phòng ngự của địch ở phía tây thành phố Đà Nẵng. Chuẩn bị cho chiến dịch Mùa Xuân 1975, ngày 28-3-1975, ông cùng với đồng chí Hoàng Văn Lai (nguyên Giám đốc Công an tỉnh QN-ĐN) chỉ huy 250 CBCS tham gia vào giải phóng thành phố Đà Nẵng, đến 11giờ trưa ngày 29-3-1975, phân đội an ninh do ông dẫn đầu đã chiếm lĩnh và cắm cờ giải phóng lên nóc trụ sở Ty Cảnh sát Gia Long, Đài phát thanh, nhà máy điện, nhà máy nước thành phố...

Sau ngày giải phóng, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an kiêm Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Trên cương vị mới, ông đã có nhiều sáng kiến khảo sát và triển khai xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng canh giữ bảo vệ biên giới, bờ biển và các mục tiêu nội địa, đặt những "viên gạch" vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Đầu năm 1985, ông nghỉ hưu, song với nhiệt huyết cách mạng, ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho công tác tại địa phương, ông đã có "thâm niên" 20 năm (1993-2013) làm Chủ tịch Cựu quân nhân BĐBP (nay là Ban liên lạc truyền thống BĐBP TP Đà Nẵng), ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn được đồng đội và nhân dân tin yêu, quý mến. Ông đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, nhì, ba; 3 Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba. 1 Huân chương Quân công hạng ba; 1 Huân chương bảo vệ Tổ Quốc hạng ba; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, cùng nhiều bằng, giấy khen.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tá Mai Văn Dậu gắn liền với chiều dài lịch sử hình thành phát triển và trưởng thành của lực lượng CANDVT (BĐBP) Quảng Nam - Đà Nẵng. Hình ảnh người thủ trưởng Mai Văn Dậu tận tâm, tận lực với công việc, hết lòng thương yêu, chăm sóc, chỉ bảo, giúp đỡ đồng chí, đồng đội vẫn in đậm trong ký ức nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Nam - Đà Nẵng. Chia sẻ cảm xúc khi biết tin được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Đại tá Mai Văn Dậu cho biết ông rất xúc động, tự hào, xem đây là vinh dự lớn lao của cá nhân, gia đình và của lực lượng BĐBP TP Đà Nẵng. Ông nói, trong suốt chặng đường 70 năm theo cách mạng, ông luôn vững tin ở sự lãnh đạo của Đảng, luôn biết ơn sự giúp đỡ, che chở của nhân dân, ông mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống, xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng BĐBP nói riêng ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp.

Kim Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_139928_chuye-n-ke-ve-nguo-i-anh-hu-ng.aspx