Chuyện kể lúc Giao thừa của người lính già trước ngày… “gác súng”

Chỉ còn một năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu, song Thượng tá Nguyễn Duy Cường, Đội trưởng đội Trọng án, phòng Cảnh sát Hình sự Công an Vĩnh Phúc vẫn rất hăng say với công việc.

Ông vẫn cùng đồng đội xuống hiện trường điều tra nhiều vụ trọng án trên địa bàn. Trong gần 40 năm công tác trong ngành công an, ông có nhiều tâm tư và những câu chuyện nghề thú vị.

Phá án ngày đầu năm mới

Gần 40 năm công tác trong ngành, chủ yếu tại phòng Cảnh sát Hình sự, Thượng tá Cường đã cùng đồng đội tham gia triệt phá làm rõ hàng nghìn vụ án đem lại sự bình yên cho nhân dân. Ông còn nhớ trong vài năm trở lại đây, cứ sau Tết, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra các vụ phạm pháp hình sự ở các lễ hội khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp. Những ngày đầu xuân năm mới, ông và các đồng đội “khai xuân” bằng vụ án giết người tại hội đền Bắc Cung, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc.

Nhớ lại vụ án đó, Thượng tá Cường nói, xuất phát từ việc tranh giành địa bàn hoạt động trông xe, các đối tượng manh động, trú tại nhiều địa phương trực tiếp tham gia gây án. Cơ quan điều tra đã bóc gỡ, vận động thuyết phục và lần lượt bắt giữ những đối tượng gây án.

Thượng tá Nguyễn Duy Cường có gần 40 năm công tác trong ngành.

Theo Thượng tá Cường, vào mùng Hai Tết, Lê Minh Toàn (SN 1968), Nguyễn Văn Ngọc (SN 1977) cùng trú ở thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) và một người bạn tên Bảo quê Hải Phòng đứng ra tổ chức dịch vụ ca nhạc giải trí, trông giữ xe tại khu vực tổ chức lễ hội đền Bắc Cung. Làm được đến mùng Sáu Tết thì có một nhóm khác là Đặng Thành Sinh (SN 1980) trú tại xã Hợp Châu (Tam Đảo), Nguyễn Văn Ngọc, Nghiêm Xuân Tuệ, Dương Văn Tám cùng trú tại thị trấn Yên Lạc hẹn Toàn ra quán nước phía ngoài cổng khu đền nói chuyện. Nội dung xoay quanh việc nhóm Sinh muốn “làm chung” với nhóm Toàn. Mâu thuẫn lên cao khi Sinh cầm cốc ném Toàn. Ngay sau đó, Toàn đã gọi điện cho người thân thông báo tình hình. Lập tức, hai anh trai tên Tuấn, Hiền cùng các cháu tên Đức, Tân và con rể tên Giang đã chuẩn bị hung khí đến giúp Toàn “nói chuyện” với nhóm của Sinh. Khi hai bên gặp nhau, nhóm Sinh lao vào hành hung xô xát Tuấn và Toàn. Đứng từ xa, thấy người thân bị đánh, nhóm “con cháu” đã cầm dao kiếm xông vào truy sát các đối tượng đánh người nhà mình. Vụ việc náo động cả khu vực cổng đền Bắc Cung, nhưng do hai nhóm manh động, lại có hung khí nguy hiểm nên không ai dám can ngăn.

Vụ hỗn chiến chỉ dừng lại khi 3 trong 4 người của nhóm Sinh nằm gục trên vũng máu. Đúng lúc này, tổ công tác của Công an Yên Lạc có mặt, vây bắt được đối tượng Tân, còn các đối tượng khác đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Về phía các nạn nhân, được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng một người đã tử vong do bị thương quá nặng, hai người còn lại cũng bị thương nặng.

Thượng tá Cường cho rằng, cái khó trong vụ án này là sau khi xảy ra án mạng, các đối tượng đều không chịu hợp tác với cơ quan công an. Nhiều đối tượng như Ngọc, Tuyên, Sinh đã bỏ trốn ngay sau khi vụ án xảy ra. Việc lấy lời khai nhân chứng cũng gặp nhiều khó khăn do là ngày đầu xuân, lại sợ “liên lụy” đến “dân xã hội” nên nhiều người không muốn cung cấp thông tin cho cơ quan công an. Tuy nhiên, trực tiếp Thượng tá Cường đã gặp gỡ trò chuyện với những nhân chứng này, đảm bảo giữ bí mật thông tin nên sau đó, cơ quan công an cũng đã phác họa được chân dung những đối tượng liên quan đến vụ án.

Đối tượng chính của vụ án đã bị bắt giữ ngay sau đó, các đối tượng khác cũng đã lần lượt bị bắt giữ. Tuy nhiên, một số đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án vẫn bỏ trốn khiến vụ án đi vào bế tắc. Với quyết tâm tấn công tội phạm, Thượng tá Cường chỉ đạo các trinh sát tiếp cận gia đình vận động thuyết phục đưa người thân về đầu thú để hưởng sự khoan hồng. “Trong vụ này, nhiều chiến sỹ trong đội phải đi về gia đình các đối tượng khá nhiều lần. Có gia đình khi công an đến thì bù lu bù loa, nói con họ không có tội, con họ bị đâm... Tuy nhiên, dựa vào những phân tích hợp tình hợp lý cũng như kết hợp với vận động tuyên truyền, người thân hai đối tượng Ngọc và Tuyên đã đưa con em ra đầu thú sau gần 5 tháng trốn tránh”, Thượng tá Cường chia sẻ.

Các đối tượng gây án tại đền Bắc Cung.

Với vụ án này, đội Trọng án đã khá vất vả trong việc truy bắt đối tượng Sinh, kẻ kiếm cớ gây sự để dẫn đến vụ xô xát không đáng có. Vốn là đối tượng có hai tiền án, sống theo kiểu xã hội đen, thu nhận nhiều đàn em “ham ăn lười lao động” về gây dựng thanh thế của mình, sau khi gây náo loạn, y trốn mất dạng. Các trinh sát đội Trọng án đã lần mò truy tìm Sinh nhưng không có kết quả. Biết đối tượng ham mê cờ bạc, các trinh sát vẫn theo dõi sát các con bạc thường “cùng chiếu” với gã nhưng vẫn không phát hiện ra tung tích. “Chúng tôi nhận định có thể đối tượng đã “dạt” sang khu vực khác để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Địa phận huyện Tam Đảo giáp ranh với huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), rất có thể hắn đã về đây lập địa bàn mới. Ngay sau đó, đội Trọng án tung quân rà soát và bắt được đối tượng. Khi dẫn giải đối tượng về, y thắc mắc: “Em đã “lẩn” sang địa phận tỉnh khác sao các anh biết mà tới?”. Tôi nói: “Dù chú có chạy lên trời hay độn thổ thì bọn anh vẫn kéo chú về”, Thượng tá Cường chia sẻ.

Nỗi buồn động lại…

Ngồi trò chuyện với PV, Thượng tá Cường bảo Vĩnh Phúc là một địa bàn nhỏ, do được làm tốt công tác phòng ngừa nên những vụ phạm pháp hình sự giảm đáng kể. Tuy nhiên trong năm 2015, trên địa bàn ghi nhận 3 vụ án mạng thương tâm từ những người mắc bệnh tâm thần gây ra. Điều này khiến những cán bộ điều tra trực tiếp làm việc với nghi can và gia đình cảm thấy đau đớn. Thượng tá Cường vẫn nhớ như in vụ án mạng cha tâm thần sát hại con ở xã Hồng Châu (Yên Lạc).

Đó là vào một buổi chiều đầu tháng 3/2015, khi mọi người trong gia đình ông Đặng Văn Thanh (SN 1968) đều ra đồng đi làm, ở nhà chỉ còn ông Thanh và cô con gái sinh năm 1992 đang nằm xem tivi. Đến khoảng 16h30’ cùng ngày, bà vợ về nhà phát hiện cô con gái tử vong trên giường, đầu có nhiều vết chém. Dưới đất, ông Thanh cũng nằm bất động, phần cổ tay chảy máu, có dây điện cuốn nối vào ổ điện. Vụ án này đội Trọng án được giao thụ lý. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định do bệnh tâm thần tái phát, Thanh đã sát hại con gái. Căn cứ vào quy định hiện hành, Cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra vụ án, sau đó Thanh buộc phải đi chữa bệnh bắt buộc.

“Gần 20 năm trước, Thanh cũng đã chém chết cháu ruột của mình. Vì mắc bệnh tâm thần nên Thanh phải bắt buộc điều trị. Trước khi gây ra cái chết cho con gái, Thanh có biểu hiện của việc tái phát bệnh tâm thần như u buồn, ít nói, ít ngủ nhưng gia đình không để ý. Khi những người thân có dấu hiệu của bệnh tâm thần, gia đình nên đưa đến các cơ sở chuyên khoa để khám và có phác đồ điều trị thích hợp, tránh những vụ việc đáng tiếc như trên”, Thượng tá Cường cảnh báo.

Cán bộ có nhiều kinh nghiệm phá án
Đại tá Hà Văn Chí, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Vĩnh Phúc cho biết, Thượng tá Cường là cán bộ có nhiều đóng góp trong việc phá các vụ trọng án trên địa bàn. Thượng tá Cường vinh dự nhận được nhiều bằng khen giấy khen của các cấp từ tỉnh tới Trung ương.

QUANG SƠN

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/chuyen-ke-cua-nguoi-linh-gia-truoc-ngay-gac-sung-a132247.html