Chuyến đi cân bằng chính trị

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad sẽ có chuyến thăm lịch sử tới Ai Cập vào ngày 6 và 7-2 tới nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Thủ đô Cairo, trở thành vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo này đến đất nước Kim tự tháp kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979.

Tổng thống Ahmadinejad (bên trái) và Tổng thống Mursi

trong cuộc gặp hồi tháng 9-2012 tại Tehran

Ảnh: presstv.ir

Chuyến thăm này được thực hiện sau chuyến công du của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đến Iran tham dự Hội nghị Phong trào không liên kết hồi tháng 8-2012, thời điểm hai nhà lãnh đạo đồng ý mở lại đại sứ quán ở hai nước.

Quan hệ giữa Cairo và Tehran sứt mẻ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran, nhất là sau khi Ai Cập cáo buộc Iran ủng hộ các tay súng nổi dậy tại quốc gia Kim Tự Tháp. Dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, Ai Cập, với chủ yếu là người Hồi giáo theo dòng Sunni, luôn sát cánh với các quốc gia Arab khác đã cố cô lập một Iran do người Hồi giáo theo dòng Shiite chiếm đa số.

Sau khi chế độ Hosni Mubarak sụp đổ và tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền tại Ai Cập, hai quốc gia đông dân nhất ở khu vực Trung Đông đã thúc đẩy nối lại mối quan hệ với nhau. Đội ngũ ngoại giao mới của Ai Cập cho rằng, kẻ thù hàng đầu của các nước Arab tại Trung Đông là Israel chứ không phải Iran, quan điểm này đã gạt mọi trở ngại trong việc hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao.

Theo các nhà phân tích ở Trung Đông, trên thực tế, việc Ai Cập và Iran liên kết kiềm chế Israel là kết quả từ ý chí của cả hai bên. Với liên kết này, Iran có thể tăng cường sự chuẩn bị và cơ sở trong đàm phán và quan hệ với phương Tây; Ai Cập cũng có thể thông qua quân bài Iran để nâng cao vị thế của mình trong khu vực, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.

Chính vì vậy, dư luận khu vực đặc biệt chú ý tới chuyến công du Cairo của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad. Thực tế, hai cường quốc Trung Đông này có đầy đủ lý do để xích lại gần nhau. Với Iran, trước hết là thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với Ai Cập sẽ giúp Tehran mở rộng cánh cửa hòa nhập với thế giới Arab và cho phép Iran linh hoạt hơn trong việc xử lý các mối quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh. Thứ hai, mối quan hệ ấm hơn giữa Tehran và Cairo sẽ làm dịu bớt căng thẳng giữa hai khối Hồi giáo dòng Sunni và Shiite. Quan hệ tốt với Ai Cập cũng mở ra cho Iran một kênh khác để tham gia các sáng kiến của khu vực về vấn đề Syria, đặc biệt khi ảnh hưởng của Iran trong vấn đề này bị suy giảm tương đối. Thiết lập quan hệ với Cairo cũng có thể giúp Tehran chứng minh rằng mọi nỗ lực bao vây và trừng phạt của các nước khu vực và phương Tây chống lại nước này đã thất bại. Điều này cũng nhằm chứng minh rằng Iran đang tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Đối với Cairo, quan hệ song phương Ai Cập-Iran có khả năng làm lệch cán cân quyền lực trong khu vực. Việc Ai Cập quay lại đóng vai trò trong khu vực có vẻ như là một nhiệm vụ đầy khó khăn và phức tạp trong bối cảnh sự hiện diện của nước này trong khu vực đã sụt giảm rất nhiều trong ba thập kỷ qua. Chìa khóa để Ai Cập cải thiện vị thế của mình là đa dạng hóa các mối quan hệ trong khu vực. Ai Cập sẽ không thể khẳng định vị thế cường quốc khu vực của mình nếu không duy trì quan hệ với tất cả các nước lớn trong khu vực. Việc phối hợp và hợp tác với Tehran mở đường cho Ai Cập trở thành một phần của thế cân bằng chính trị trong khu vực địa lý kéo dài từ Iraq đến Lebanon.

Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Ahmadinejad được xem là dấu hiệu tích cực không chỉ với thế giới Arab mà còn với cả cộng đồng quốc tế, nhất là khi khu vực này đã và đang chịu nhiều tác động do một loạt cuộc khủng hoảng leo thang và lan rộng./.

Châu Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61111&menu=1440&style=1