Chuyện của những bác sĩ đón tết trong... tiếng khóc

Với những bác sĩ, đêm giao thừa luôn là đêm dài bận rộn, không biết sang canh từ lúc nào. Nhưng niềm hạnh phúc khi đón một em bé chào đời mạnh khỏe, trong sự vui mừng của người nhà, không bút nào tả xiết.

Đón giây phút giao thừa trong tiếng khóc

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân trong đêm giao thừa.

Với bất cứ người con nước Việt nào, giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới vẫn là giây phút thiêng liêng nhất. Dù bận bịu thế nào, ai cũng mong được đón giây phút sang canh bên người thân, gia đình, tâm sự những câu chuyện đầu năm. Ở đó chỉ có hai chữ đoàn viên.

Nhưng với các bác sĩ trực đêm giao thừa thì giây phút này qua đi như vô hình, trong khi họ bận giành giật sự sống cho người bệnh. Có những năm vừa đỡ đẻ xong, bác sĩ vừa nghỉ tay thì nhận được thông báo có sản phụ băng huyết. Vậy là cả ê kíp lao vào cấp cứu cho bệnh nhân. Xong xuôi, năm mới đã sang tự lúc nào.

Ai cũng mong có những giây phút rảnh rỗi để tập trung nhau lại, để chúc mừng năm mới. Nhưng ở khoa cấp cứu thì rất hiếm có giây phút ấy. Với những nữ bác sĩ thì càng khổ hơn bởi phía sau họ là những bà nội trợ, những người phải lo sắm cơm cúng, chuẩn bị quần áo cho các con. Nhưng công việc buộc lòng họ phải gác lại hết.

Với các bác sĩ và điều dưỡng khoa Đẻ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng thế. Đã trực là làm việc thật, thậm chí còn vất vả hơn ngày thường. Ngày Tết người ta có thể hoãn đi khám bệnh, hoãn làm gì cho bản thân nhưng không thể hoãn đẻ được. Vì thế các bác sĩ ở đây hoạt động hết mình. Trong khi "người ta" đón tết trong tiếng chúc tụng thì với họ, đón tết trong tiếng khóc, nhưng là tiếng khóc của một sự sống mới, chào đời vào giây phút thiêng liêng.

Bác sĩ Đào Thúy Hằng (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Trung ương) tâm sự: "Với các bác sĩ, niềm vui, món quà đầu năm là những ca mẹ tròn, con vuông. Cái khó của những bệnh viện tuyến cuối là càng những ngày cuối năm, bệnh viện càng tiếp nhận đông bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên, trong đó có rất nhiều người là bệnh nhân nặng".

Bác sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tâm sự, với những bác sĩ sản khoa ngày cuối năm và đầu năm bao giờ cũng có những cảm xúc khác lạ. Mùa xuân là mùa đâm chồi, nẩy lộc và đón những đứa trẻ sơ sinh chào đời. Với các bác sĩ ở đây, hẳn đó là lộc đầu năm.

Bác sĩ Hà kể, nhiều người băn khoăn sợ đẻ ngày Tết. Bác sĩ cũng kiêng đầu năm va chạm với bà đẻ bị xui. Nhưng với các bác sĩ sản khoa thì không bao giờ có chuyện quan niệm ngày tốt, ngày xấu, gặp bà đẻ là đen hay may mắn.

Bận cấp cứu bệnh nhân, quên cả giờ phút giao thừa.

Đêm giao thừa, các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện sẽ có thời gian hỏi thăm, chăm sóc em bé chu đáo hơn rất nhiều. Bởi khoảnh khắc sang canh, có lẽ ai cũng mong các bé sinh ra khỏe mạnh, sản phụ an toàn.

Đêm giao thừa cô đơn

Với các bác sĩ ở khoa sản có lẽ họ còn có niềm vui đêm giao thừa là đón những sinh linh mới chào đời, còn các bác sĩ khoa cấp cứu thì khác. Hầu hết vào dịp cuối năm số bệnh nhân cấp cứu đông hơn vì nhiều bệnh viện họ nghỉ khám. Vậy là bệnh nhân từ nặng đến nhẹ chạy thẳng vào khoa cấp cứu.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chia sẻ về câu chuyện những ngày trực tết của mình cũng như những đồng nghiệp khác, đó là cái cảm giác luôn cô đơn vì họ chỉ có công việc. Họ chìm vào những ca cấp cứu, rồi quên cả khoảnh khắc giao thừa. Với bác sĩ Cấp có lẽ điều anh trăn trở nhất là những cái tết không được trọn vẹn với các con của mình.

Anh bảo đối với vợ hay bố mẹ sẽ quen dần với công việc nhưng các con của họ thì khác. Những ngày nghỉ tết, con nhà khác bố mẹ cho đi chơi còn con bác sĩ rất ít khi được bố mẹ đưa đi cho biết đây biết đó. Đây thực sự là thiệt thòi cho các cháu. Đôi khi các con cũng biết điều đó nhưng trẻ nhỏ dễ cảm nhận được sự khác biệt.

Với gia đình của bác sĩ Cấp, cả hai bố mẹ có lịch trực khác nhau nên để có dịp cả bố và mẹ cùng đưa con đi chơi là rất hiếm. Họ đành chờ niềm vui vào khoảnh khắc thở phào nhẹ nhóm khi ca cấp cứu thành công, giành giật sự sống cho bệnh nhân từ bàn tay tử thần.

Ph. Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chuyen-cua-nhung-bac-si-don-tet-trong-tieng-khoc-post190220.info