Chuyện của người 170 lần ra trường bắn cùng các tử tù (Kỳ 6)

Đối mặt với người quen tại trường bắn Mỗi lần nhắc lại vụ chỉ huy bắn Nguyễn Tùng Dương và Lê Duy Anh, Thượng tá Hồ Như Vọng lại thấy nhói đau. Đau vì họ là những người quen biết, Tùng Dương nguyên là chiến sĩ công an phạm tội, còn Duy Anh vốn là bạn thân của con trai ông. Vậy mà, con tạo khéo xoay vần khiến ông phải đối mặt với họ trong hoàn cảnh trớ trêu - tại trường bắn. Và chính ông là người chỉ huy thi hành nhiệm vụ buộc họ phải đền tội đã gây ra cho xã hội…

Loạt đạn dội ngược Lật lại hồ sơ, tôi được biết vụ án Nguyễn Tùng Dương bắn chết Nguyễn Việt Phương xảy ra vào chạng vạng tối ngày 29/2/1993. Một ngày định mệnh, Nguyễn Việt Phương chở bọc tiền sang Gia Lâm, khi đi qua cầu Chương Dương, thì bị một cảnh sát giao thông gác ở đầu cầu chặn lại. Sau đó có tiếng súng nổ, Phương bị bắn chết. Đây là vụ án có nhiều chiều dư luận khác nhau: Công an Hà Nội đã kết luận đây là vụ chẳng may gây chết người trong khi thi hành công vụ nên Tùng Dương chỉ áp vào “Tội vô ý giết người". Nhưng dư luận lại cho rằng đó là vụ giết người cướp của, bởi theo gia đình của nạn nhân Phương bị bắn chết nhưng bọc tiền 50 triệu đồng chưa kịp bị lấy đi vì khi đó có một số nhân chứng chạy đến. Một phiên tòa đã diễn ra nhưng hồ sơ bị trả để điều tra lại. Sau đó, tử thi nạn nhân được khai quật giám định lại và bộ phận pháp y khẳng định không có chuyện súng cướp cò, VKSND truy tố Nguyễn Tùng Dương “Tội cố ý giết người". Trước sức ép của dư luận, tháng 10/1994, phiên tòa sơ thẩm được mở lại để xét xử bị cáo Nguyễn Tùng Dương. Và lần này thì bản án là tử hình về Tội giết người đã được tuyên. Về tội cướp thì tòa cho rằng không đủ chứng cứ để kết luận. Đến bây giờ, bằng cái thiện tâm của người đã nhiều năm làm trong ngành công an, ông Vọng vẫn cho rằng: Bản án tử hình với Tùng Dương là do dư luận gây sức ép nhiều quá. Đáng lẽ ra, Dương không đáng bị áp khung hình phạt cao nhất. Song bản án cuối cùng tòa đã tuyên, và cũng đến ngày Dương phải thi hành bản án. Kể lại với phóng viên ĐS &PL, ông Vọng còn nhớ như in vẻ mặt điềm tĩnh của Dương trong trại giam và lúc được đưa đến pháp trường. Trong trại giam, Dương vẫn bình tĩnh, tôn trọng quản giáo - những người mà trước đây coi Dương là đồng nghiệp. Trong buồng biệt giam, Dương lặng lẽ như một cái bóng. Ngày lại ngày, Dương ngồi nhìn trân trân lên trần nhà. Dương ngủ rất ít, trời chưa sáng hẳn Dương đã ngồi nhìn bầu trời lọt qua lỗ khóa để đếm ngược thời gian mình còn trên cõi đời này. Vào đêm Dương "xuất buồng", sau khi làm các thủ tục nghe đọc bác đơn xin ân xá của Chủ tịch nước Dương vẫn bình tĩnh. Có lẽ, Dương biết cái kết của mình trước "búa rìu" của dư luận là không thể cứu vãn. Dương lặng lẽ ăn bát phở, bình tĩnh hút điếu thuốc, đôi mắt buồn buồn nhìn những người thi thành nhiệm vụ. Không chỉ ông Vọng, mà những quản giáo khác đã đối diện với Dương trong trại giam đều thấy se lòng khi nhìn vào đôi mắt ấy. Dương chấp nhận bản án tử hình với mình mà trong suốt những ngày ngồi buồng biệt giam không một lần la hét, kêu oan. Dương được cho là một trong những tử tù bĩnh tĩnh, biết mình và biết người. Có lẽ Dương là một tử tù duy nhất mà trước khi bị áp giải ra pháp trường có xin với cán bộ THA: "Xin cán bộ đừng bịt mắt, bịt mồm tôi. Tôi muốn thấy mọi người đưa tiễn, muốn nhìn cuộc sống này bên ngoài buồng giam trước lúc giã từ". Ai cũng biết Dương sẽ không có một phản kháng bi quan nào nhưng nguyên tắc... không thể bỏ qua. ông Vọng kể lại, giọng xót thương: Không giống như những tử tù khác, ngày ra pháp trường vẫn một mực kêu oan. Có những tên không giữ được bình tĩnh gang mồm chửi đổng, dù biết thứ âm thanh phát ra cũng chỉ vô nghĩa. Ngày cuối cùng giã từ cuộc sống, Dương khép hờ mắt chờ đợi loạt đạn dành cho mình. Dương ra đi, trong tư thế của người biết trước việc gì đến sẽ phải đến. Loạt đạn súng trường khô khốc vang lên. Sau cùng là phát súng lục cất lên đanh gọn, kết thúc cuộc đời của một tử tù. ông Vọng, người chỉ huy xử bắn Nguyễn Tùng Dương bỗng nghe thấy tim mình nhói đau. Con người ấy, trước đây là đồng nghiệp của ông, không đau sao được. Loạt đạn xử bắn Nguyễn Tùng Dương, ông cảm thấy sức ép của nó dội ngược lại làm đau nhói trái tim mình. Dẫu bao năm rồi, ông vẫn thấy đau khi nhớ lại một ngày rạng sáng đối mặt với "đồng nghiệp một thời" nơi pháp trường. Lạnh người khi nghe gọi tên mình giữa pháp trường Trường bắn Yên Sở (thuộc Quân khu Thủ đô) là nơi THA tử hình đối với Lê Duy Anh, kẻ giết người cướp của tại chợ Lương Sử. Chân đê Yên Sở ngày ấy còn hoang vu lắm, ông Vọng nhớ: "Năm ấy, cũng cách đây lâu lắm rồi cũng phải từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi chỉ huy bắn Lê Duy Anh, một tên tội phạm giết người cướp của". Theo như tôi được biết, vụ án này cũng đình đám bởi sự giết người dã man của kẻ thủ ác. Hắn dùng dao chém nhiều nhát đến khi người đàn bà gục hẳn để cướp tiền vàng. Tội ác của Duy Anh không thể dung thứ, trước tòa y bị tuyên án tử hình. Và ngày đền tội cũng đã đến... Trường bắn Yên Sở lúc rạng sáng hoang vắng đến rợn người. Tiếng rúc của loài chim lợn luôn báo trước sắp có người chết kêu liên hồi. Vài ba thanh âm lạc lõng xa xa vọng lại nghe như tiếng gọi hồn từ cõi âm. Nhưng sự hoang vắng ấy, hôm ấy bị phá vỡ bởi một số "vị khách không mời" đến "xem" bắn tử tù. Số người kéo đến trường bắn Yên Sở hôm ấy khá đông. Một số ít đến trường bắn vì tò mò, nhưng đa phần còn lại là người nhà của tử tù Lê Duy Anh. Họ đến để chứng kiến giờ phút súng nổ, để nhìn người nhà lần cuối. Dù hình ảnh kẻ giết người cướp của nay thành tử tù dựa cột chẳng có gì đẹp đẽ. Nhưng máu chảy ruột mềm, trong phút chứng kiến áp giải Lê Duy Anh ra trường bắn với khăn, băng kín mắt, kín miệng, quan tài đỏ đã chuẩn bị ngay dưới chân cột, thì những người thân ấy không còn giữ nổi sự bình tĩnh. Họ gào lên, gọi tên con, tên anh em, xưng tên mình ra với đủ các loại "quan hệ anh em" để người sắp ra đi nghe và biết có ai đưa tiễn. Một đám đông kêu khóc, í ới gọi tên, nói tên làm huyên náo nơi trường bắn nghe thật não lòng. Ánh sáng nhạt nhòa, gần nhìn rõ mặt người mà đám đông cản trở khiến việc THA gặp khó khăn. Đột nhiên, ông Vọng khựng người lại, thoáng lạnh người khi nghe có tiếng gọi đích danh tên mình: "ông Vọng ơi, ông đừng bịt mồm cháu để cho cháu nói với gia đình một lời". Giữa không gian sầu thảm ấy, chợt nghe có người gọi tên mình ra yêu cầu khiến ông Vọng giật mình tự hỏi: "Không hiểu sao họ biết tên mình"? Giữa pháp trường nghe người ta gọi đích danh tên mình, khiến ông bị ám ảnh như họ đang gọi tên "đao phủ" xưa kia. Một chút bối rối, ông tiếp tục thi hành nhiệm vụ. "Mục tiêu"! Đối tượng! Bắn!"- Tiếng ông Vọng dõng dạc hô vang. Loạt súng nổ, và một lát sau phát súng "bồi" kết thúc. Nhưng không phải là thanh âm khô khốc như mọi khi mà nó đan xen trong tiếng la hét, chửi bới. Đến bây giờ, ông Vọng vẫn còn nhớ rõ từng câu từng chữ người nhà tử tù trách móc, ai oán, bi thương: "ông Vọng ơi, sao ông ác thế. Con tôi chơi với con ông. Nó có xa lạ gì với ông đâu, mà không cho nó nói lời cuối với gia đình. ông ác quá, ông Vọng ơi..."! Câu chuyện nơi pháp trường thường được ông chôn chặt sau khi về nhà. Nhưng bữa cơm hôm ấy, ngồi vào mâm ông nghe con trai nói: "Hôm nay thằng Duy Anh, ngày trước là bạn thân của con, nó đã đến chơi nhà mình bị tử hình đấy". ông nghẹn lại, nuốt miếng cơm không qua nổi cổ họng. Rồi ông nói với con trai hay nói với chính bản thân mình không rõ: "Ngày chơi với con nó tử tế là thế, không ngờ sau này vì tham tiền mà nó thành kẻ giết người". Nói vậy thôi, nhưng trong lòng ông vẫn thấy gờn gợn. Điều này, khiến tâm lý của ông nặng nề, căng thẳng lắm. Phải chăng vì những điều áp lực như thế mà khi tôi ngồi trò chuyện cùng ông tại nhà riêng luôn thấy mùi hương trầm dìu dịu. Dẫu biết, công việc ông làm là thực thi nhiệm vụ, vì dân vì nước và đối với các tử tù sau khi THA đều được ông khâm liệm chu đáo. Dẫu biết, với một con người có tâm là vậy, nhưng thoang thoảng trầm hương vẫn làm ông thư thái hơn... Vương Hà (còn nữa) Kỳ 5: Thi hành án trùm giang hồ Khánh “trắng”

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=4120&lang=vn&zone=2&zoneparent=0