Chương trình phổ thông quốc tế Cambridge - Bên trọng bên khinh?

LTS: Việc đưa chương trình Cambridge vào giảng dạy thí điểm tại một số trường trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trang Bạn đọc Báo SGGP vừa nhận được bài viết của một phụ huynh học sinh (xin giấu tên) gởi đến. Xét thấy bài viết này có nhiều nhận xét đáng quan tâm, chúng tôi xin đăng để rộng đường dư luận.

...Chúng tôi là phụ huynh có con đang học tại trường Lê Ngọc Hân (quận 1, TPHCM). Về việc giảng dạy chương trình Cambridge tại trường, chúng tôi có vài suy nghĩ như sau. Thứ nhất, chủ trương dạy tiếng Anh trong trường tiểu học là một định hướng đúng đắn, nhưng việc kết hợp cả 3 chương trình tiếng Anh (chương trình tiếng Anh bắt buộc kể từ lớp 3 sắp được triển khai, chương trình tăng cường tiếng Anh hiện nay và chương trình Cambridge) trong cùng một trường là một việc làm có nhiều bất cập. Người ta sẽ nghĩ sao khi trong một trường mà việc dạy tiếng Anh, có lớp thì học giáo trình Let’s go, lớp khác lại học giáo trình Family và nay thì thêm giáo trình Cambridge? Nếu các cháu còn lại không được học chương trình Cambridge thì xem ra các cháu rất thiệt thòi. Thứ hai, về cơ sở vật chất. Đầu năm nay, trường Lê Ngọc Hân đã dành hẳn cho học sinh các lớp học chương trình Cambridge vào cơ sở chính ở đường Sương Nguyệt Ánh, tức ưu tiên những gì tốt đẹp nhất cho học sinh học chương trình này với sĩ số lớp đạt chuẩn (24 – 25 em/lớp). Trong khi tại các cơ sở khác không học chương trình Cambridge, sĩ số học sinh mỗi lớp từ 40-50 cháu, cơ sở vật chất không được đầu tư, sửa chữa và năm nào cũng bắt phụ huynh đóng góp. Thứ ba, về đội ngũ giảng dạy. Râm ran từ cuối năm trước các cô giáo đã đua nhau tìm cách tự nâng cao trình độ để được dạy chương trình Cambridge vì thu nhập cao hơn, ngoài lương ra còn có các chế độ, bồi dưỡng hậu hĩ. Điều này sẽ dẫn đến một hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Về hình thức liên kết giảng dạy, theo nhận xét của chúng tôi, phải chăng chương trình Cambridge thực ra là một dạng đầu tư liên kết mà trong đó phía liên kết dựa vào nhà trường là nơi có sẵn cơ sở vật chất, đội ngũ học sinh, thương hiệu của trường? Phía đầu tư chương trình này nếu đủ năng lực sao không lập hẳn một trường như các trường quốc tế khác: Việt – Úc, Á Châu, Trường Tiểu học Bắc Mỹ, Tiểu học Singapore... hẳn hoi? Ai sẽ được lợi trong mối liên kết này? Cuối cùng, chúng tôi xin kiến nghị: Các cháu trong một trường phải được bình đẳng trong giáo dục, không có sự phân chia Cambridge và không Cambridge như hiện nay. Nếu ngành giáo dục xét thấy cần thiết có sự đa dạng trong giáo dục, phía liên kết của chương trình này nên tách hẳn ra một trường, như thế sẽ danh chính ngôn thuận hơn trong việc giảng dạy và nhà nước sẽ dễ dàng quản lý hơn về mặt đóng góp cho xã hội của trường này, phù hợp với tính chất xã hội hóa trong giáo dục mà nhà nước đang kêu gọi. Một phụ huynh học sinh Cái lợi của chương trình liên kết Hiện tại, con tôi đang học lớp 2 chương trình Cambridge của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Tại trường, không có sự phân biệt giữa các lớp, chỉ có giờ học Cambridge thì mới chia theo nhóm 25 - 26 em/ phòng theo đúng chuẩn do bên Cambridge quy định. Như năm ngoái, 2 lớp 1 mỗi lớp 52 - 53 học sinh, đến giờ học Cambrige thì chia thành 4 lớp Cambridge học 4 phòng còn giờ học bình thường thì cũng như các lớp 1 không học Cambridge, thậm chí lớp 1 thường còn ít học sinh hơn, chừng 40 em /lớp. Đến năm nay do các cháu lớn hẳn, chen chúc nhau hơn 50 em/lớp nên nhà trường tách 2 lớp 1 Cambridge thành 3 lớp để giảm sĩ số. Tôi cho cháu học chương trình này bởi đây là chương trình liên kết, chứ nếu học theo kiểu trường quốc tế thì chắc tôi sẽ không cho học. Bởi vì, học cấp 1 bắt buộc các cháu phải học chương trình tiếng Anh, nếu không học Cambridge thì cũng phải học chương trình khác. Học như thế này được lợi là học như học sinh trường quốc tế và được dạy trong trường công lập hẳn hoi. Nếu như không còn khả năng tài chính để theo học chương trình Cambridge thì con tôi vẫn học kịp các bạn cùng tuổi, chỉ chuyển lớp là ổn. Còn nếu như cho học trường quốc tế, không còn khả năng tài chính mà xin chuyển lại trường công lập là cả vấn đề. Đăng Châu (quận 1)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2011/9/267631/