Chương trình Cambridge: sân chơi cho con nhà giàu?

PN - Một trường học chính quy lại tồn tại song song ba mô hình: chương trình thường, chương trình tăng cường tiếng Anh và chương trình quốc tế Cambridge với sĩ số chênh lệch nhau rất rõ.

Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: “Với những “đặc quyền” sĩ số lớp học ít, ưu tiên học bán trú, chương trình Cambridge phải chăng là sân chơi cho con nhà giàu?”. “Hy sinh” lớp thường, tăng cường tiếng Anh Đầu năm học 2010 - 2011, chị V. quyết định cho con đang theo học chương trình tăng cường tiếng Anh (CT TCTA) ở trường tiểu học (TH) Lê Ngọc Hân (Q.1) - chuyển sang học CT Cambridge. Đầu tư cho Cambridge rất “hao tài”, phải đóng một lèo 450 USD cho ba tháng, chưa kể tiền sách phải đóng nguyên năm (150 USD/tháng) nhưng chị vẫn thấy quyết định của mình là sáng suốt. Đặc biệt, hầu như các lớp TCTA của trường TH Lê Ngọc Hân đều tăng sĩ số 40 em/lớp, vượt quá quy định của Sở GD-ĐT ở lớp TCTA, chỉ được 35 em/lớp. Ngoại trừ khối 5 không có lớp Cambridge, ở các khối 1, 2, 3, 4, cứ bốn lớp dồn lại thành ba, đáp ứng cho 15 lớp theo mô hình mới. Sĩ số ở các lớp Cambridge quá lý tưởng, từ 27 - 29, nếu so với lớp TCTA bình quân 40 em mỗi lớp. Đặc biệt, nếu so với lớp thường (HS chỉ học CT của Bộ GD-ĐT), từ 47 đến 49 em/lớp, thì sĩ số của CT Cambridge là “con số trong mơ”. Tháng 3/2010, Sở GD-ĐT đưa CT TH quốc tế Cambridge vào thí điểm tại trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm và DL Trí Đức. Năm học 2010 - 2011, CT này được mở rộng thí điểm tại trường TH Lê Ngọc Hân. Song song đó, CT cũng được mở tại trường THCS Nguyễn Du (Q.1), THCS Lê Quý Đôn (Q.3). Học phí của Cambridge khá cao nên ngành GD-ĐT phải chọn những trường có phụ huynh (PH) đủ khả năng tài chính. Tuy nhiên, những trường này luôn quá tải HS nên vấn đề đặt ra khi mở các lớp Cambridge là lấy đâu ra phòng học cho HS khi mỗi lớp Cambridge chỉ có 25 em? Một số trường đã “linh động” bằng cách… “hy sinh” lớp thường, lớp TCTA để nhường phòng cho mô hình mới. Chỉ một bộ phận HS trường THCS Nguyễn Du học chương trình quốc tế Cambridge Tại trường THCS Nguyễn Du có 10 lớp Cambridge, trong đó, khối lớp 6 tham dự hùng hậu nhất, chiếm đến bảy lớp. Do vậy, học bán trú là “đặc quyền” của HS CT Cambridge, các lớp thường dù cho PH có nhu cầu, HS vẫn phải học một buổi. “Công dân hạng hai” trong trường học? CT TCTA được thí điểm tại TP.HCM 10 năm qua, với hàng trăm trường từ TH đến THPT tham gia. Các lớp TCTA có sĩ số ít, được học hai buổi/ngày. Hiệu quả của CT sau ngần ấy năm thí điểm ra sao chưa được tổng kết thì ngành GD-ĐT lại tiếp tục đưa mô hình Cambridge vào thí điểm. Mô hình này được một bộ phận PH hưởng ứng nhiệt tình vì HS được học ba môn chính bằng tiếng Anh là: Toán, tiếng Anh, khoa học, có thể thêm môn bổ trợ là Công nghệ thông tin tại trường, do GV bản ngữ giảng dạy. Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, CT Cambridge giúp ngành có thêm một “chuẩn” để so sánh vì hiện các trường quốc tế, tư thục dạy CT quốc tế toán, khoa học bằng tiếng Anh không theo một CT chính quy nào. Bản thân ngành GD-ĐT cũng chưa thẩm định được chất lượng của những CT ngoại khóa này. Về phía các trường thí điểm, sẽ được trích 15% từ tiền học phí để đầu tư cho cơ sở vật chất, sách tham khảo cho HS. CT Cambridge hoàn toàn mang tính tự nguyện, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận PH có kế hoạch cho con đi du học trong tương lai. Tuy nhiên, số đông PH đã đặt câu hỏi: “Với những “đặc quyền” sĩ số lớp học ít, ưu tiên học bán trú, CT Cambridge có phải là sân chơi chỉ dành cho con nhà giàu?”. Chúng ta không thể vì áp dụng mô hình mới mà gây bất công, ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của số đông. Cho dù các trường thí điểm khẳng định không có sự phân biệt đối xử giữa HS của các mô hình, HS vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất nhưng PH lớp thường vẫn thấy có sự ưu tiên cho mô hình Cambridge về phòng học và giáo viên giỏi. Khi trong một trường học có đến ba “giai cấp”, tất yếu sẽ phát sinh sự phân chia, so bì, mặc cảm. Một cán bộ của Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: Thực tế có những em giỏi nhưng không có tiền theo học lớp Cambridge, như vậy mục đích của nhà trường là dạy Anh văn cho những em có tiền hay cho những em giỏi Anh văn? Khi CT học thêm ở ngoài đặt vào trong nhà trường, hiểu nôm na trường làm trung tâm ngoại ngữ, PH dễ hiểu con em mình chỉ là “công dân hạng hai”. Theo vị cán bộ này, các trường DL, TT, QT áp dụng mô hình Cambridge sẽ hợp lý hơn hệ thống trường công, vốn có nghĩa vụ phải đảm bảo công bằng cho tất cả HS. Dù biết rằng giáo dục không thể cào bằng, nhưng đòi hỏi của xã hội là không tạo bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ cập là chính đáng. Hồng Liên

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/chuong-trinh-cambridge-san-choi-cho-con-nha-giau.aspx