“Chúng tôi đấu tranh không phải để học sử như hiện nay”

(Toquoc)-Năm 2015, giáo dục dậy sóng với tranh luận tích hợp hay không tích hợp môn Lịch sử. GS.Phan Huy Lê trò chuyện về nội dung này.

(Toquoc)-Năm 2015, giáo dục dậy sóng với tranh luận tích hợp hay không tích hợp môn Lịch sử. GS.Phan Huy Lê trò chuyện về nội dung này.

Năm 2015, giáo dục một lần nữa dậy sóng với tranh luận tích hợp hay không tích hợp môn Lịch sử vào môn giáo dục công dân với Tổ quốc. Ngay sau đó, cuộc họp giữa Bộ GD-ĐT và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam tại Ban Tuyên giáo Trung ương đã thống nhất không tích hợp Lịch sử ở tiểu học, để môn học này độc lập và bắt buộc ở cấp THCS và THPT. Tuy nhiên, thiết kế môn học như thế nào là vấn đề mà hai bên sẽ phải bàn thêm. Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê cho biết:

“Chúng tôi đấu tranh để Lịch sử có vị trí xứng đáng trong chương trình giáo dục phổ thông không phải để duy trì môn Sử như hiện nay. Tôi từng nói 'duy trì môn Sử như hiện nay là rất vô nghĩa'. Trong hội thảo có người nói thẳng rằng 'duy trì môn Sử như thế này thì bỏ luôn đi chứ còn giữ làm gì nữa". Nguyên nhân là vì môn Sử hiện nay sa sút đến mức vô bổ, bắt trẻ em gần như làm lao dịch cực kỳ nặng nề để lấy điểm, để đi thi, không có bất kỳ hiệu quả nào. Có thể nói sự sa sút về dạy và học Lịch sử đang ở mức đáng báo động.Vì vậy, Hội khoa học Lịch sử thống nhất, trong cải cách giáo dục, khi đặt lại vai trò của môn Sử thì kèm theo đó phải cải cách một cách toàn diện và có hệ thống việc dạy và học môn Sử. Bộ Giáo dục phải làm thế nào để vực lại môn Sử, biến Sử thành môn học sinh không thích học thành môn đầy hứng thú”.

GS Phan Huy Lê (Nguồn ảnh: Tuổi trẻ)

PV: Giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Muốn làm được điều đó, đầu tiên cần làm là phải coi Lịch sử là môn khoa học. Cho đến nay, chương trình và sách giáo khoa chưa coi môn Sử là một môn khoa học cho nên chủ yếu vẫn là áp đặt. Những phần giáo dục về chính trị, tư tưởng càng áp đặt hơn nữa. SGK, giáo viên chỉ phân tích chung chung nguyên nhân thắng lợi, ta thắng địch thua, lặp lại như vậy trẻ em chán là phải. Lịch sử phổ thông hiện nay thực chất lấy giáo trình đại học của sinh viên khoa Lịch sử tóm tắt lại, bắt các em học. Có thể nói đó là gông cùm đối với lớp trẻ, các em không tiếp thu được là điều dĩ nhiên. Vì vậy, cùng với việc yêu cầu trả lại vị trí xứng đáng cho môn Sử, Hội cũng đề nghị Bộ Giáo dục phải cải cách một cách có hệ thống toàn bộ môn Sử, xuất phát từ nhận thức về vị trí, yêu cầu của Lịch sử là để làm gì, kiến thức đến đâu, nhất là giáo dục về năng lực, trên cơ sở đó viết lại chương trình, SGK. SGK hiện nay phải xóa bỏ hoàn toàn và viết lại trên tinh thần mới. Điều này liên quan đến hệ thống trường sư phạm đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông nên các trường này cũng cần cải cách. Từ những phân tích trên, Hội khoa học Lịch sử đề nghị Bộ Giáo dục phải thay đổi cách làm, cách xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Hiện nay, Bộ đang thu nhỏ lại trong Ban cải cách, chỉ có một nhóm nhỏ chuyên gia, như vậy là quá hẹp. Hội khoa học Lịch sử đề nghị khi ban soạn thảo nghiên cứu đến đâu cần tranh thủ sự phản biện của các chuyên gia đến đó. Vì trong khoa học phải có sự phản biện, phản biện thường xuyên, liên tục, đến khi cóbản chính thức thì phải công bố cho cả xã hội góp ý. Chỉ khi mở rộng quá trình, phương thức làm việc, nâng cao tính dân chủ, công khai và minh bạch thì mới có hiệu quả.

PV: Vậy thời gian tới, khi đi vào chương trình tổng thể và viết SGK, Hội khoa học Lịch sử sẽ có đóng góp như thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi đã đặt vấn đề thẳng thắn với Bộ Giáo dục là các chuyên gia của Hội Khoa học Lịch sử sẵn sàng đóng góp ý kiến, phản biện, hỗ trợ Bộ trong quá trình xây dựng chương trình và viết SGK môn Lịch sử. Khi môn Sử phổ thông sa sút, Hội đã ký với Bộ Giáo dục bản ghi nhớ hai bên cùng hợp tác để đánh giá đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên sứ mạng của các hội chuyên ngành trong đó có Hội Sử không phải chỉ có hợp tác, chúng tôi luôn luôn vừa hợp tác vừa phản biện. Những gì chúng tôi cho là sai, chưa đúng thì chúng tôi sẽ phản biện gay gắt để đi đến những điều tốt đẹp hơn. Hội sử học tập hợp tất cả các nhà sử học trong đó có cả giáo viên của trường đại học sư phạm, những người đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông, có cả giáo viên phổ thông. Trong Hội lại có hội chuyên ngành là Hội Giáo dục Lịch sử, tập hợp tất cả giáo viên của khoa Sử các trường đại học, cao đẳng và một số giáo viên cấp 3. Như vậy đội ngũ tập hợp đầy đủ những người ở đủ các lĩnh vực nên Hội có thể tham gia hỗ trợ Bộ xây dựng chương trình và sách giáo khoa từ đầu đến cuối. Vấn đề là tổ chức như thế nào. Chúng tôi sẵn sàng nhưng Bộ phải đứng ra tổ chức, tức là vai trò chủ động thuộc về Bộ. Vấn đề mấu chốt là cần coi trọng tính khoa học của môn Lịch sử, tất cả nội dung đưa vào sách giáo khoa, vào bài giảng phải được chọn lọc kỹ, đảm bảo độ tin cậy cao với những cứ liệu chặt chẽ. Giáo dục năng lực và phẩm chất phải gắn liền với kiến thức tôn trọng nhân cách và phát huy tư duy sáng tạo của học sinh, không được áp đặt từ những yêu cầu chính trị tư tưởng chung chung.

Xin cảm ơn ông!

Châu Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/38/thoi-su-giao-duc/139991/chung-toi-dau-tranh-khong-phai-de-hoc-su-nhu-hien-nay.aspx