Chứng khoán châu Á tụt dốc theo giá dầu

Bán cổ phiếu, nhà đầu tư đổ tiền vào những tài sản an toàn, khiến giá trái phiếu và vàng tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng...

Nỗi lo tăng trưởng giảm tốc đang là vấn đề ám ảnh giới đầu tư toàn cầu - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/2 khi giá dầu giảm ngày thứ 3 liên tiếp. Bán cổ phiếu, các nhà đầu tư đổ tiền vào những tài sản an toàn, khiến giá trái phiếu và vàng tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng.

Theo tin từ Reuters, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản giảm 2,1%. Dẫn đầu sự giảm điểm này là thị trường Hồng Kông với mức giảm 2,7% của chỉ số Hang Seng.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật mất 3,2%, xóa gần như sạch thành quả tăng đạt được sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (BoJ) công bố lãi suất âm vào hôm thứ Sáu tuần trước.

Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc giảm 0,4% trong phiên này, trong khi chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 0,8%.

Tâm lý của các nhà đầu tư châu Á trong phiên này còn chịu ảnh hưởng bất lợi bởi phiên giảm điểm đêm 2/2 ở thị trường Phố Wall, khi chỉ số S&P 500 mất 1,9% điểm số.

Xu hướng giảm điểm đã lan sang cả thị trường châu Âu, khi các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực này như Anh và Đức cùng mở cửa với sự đi xuống nhẹ của các chỉ số.

“Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự khởi sắc trên thị trường dầu. Nhu cầu đang giảm tốc ở nhiều thị trường đang phát triển. Trong khi ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, mức tồn kho dầu đang quá cao”, ông Shuji Shirota, trưởng bộ phận chiến lược kinh tế vĩ mô của ngân hàng HSBC ở Tokyo, nhận định.

Lúc hơn 16h theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent tại thị trường London tăng gần 0,4% so với đóng cửa phiên ngày 2/2, giao dịch ở mức 32,84 USD/thùng. Trước đó, trong thời gian diễn ra phiên giao dịch ở châu Á, giá dầu Brent giảm dưới mức 32,5 USD/thùng.

Từ đầu tuần tới nay, giá dầu Brent đã giảm hơn 6%.

Những hy vọng về việc cắt giảm sản lượng dầu đã tắt trong tuần này, khi không có thỏa thuận nào giữa Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được công bố. Ngoài ra, cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga và người đồng cấp Venezuela vào hôm thứ Hai cũng không đi đến một kế hoạch cắt giảm sản lượng nào.

Trong vòng 18 tháng qua, giá dầu đã giảm 70%, chủ yếu do tình trạng dư thừa nguồn cung gia tăng. Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác.

Trong số các tài sản an toàn mà giới đầu tư ưa chuộng hiện nay có trái phiếu kho bạc Mỹ. Do giá tăng, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất 10 tháng là 1,828%.

Trái phiếu chính phủ Nhật cũng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để làm hầm trú ẩn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm vì vậy đã xuống mức thấp chưa từng có là 0,045%.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư còn mua vàng, giúp kim loại quý này phát huy vai trò “vịnh tránh bão”. Giá vàng giao ngay trong phiên châu Á hôm nay có thời điểm vượt mức 1.130 USD/oz, cao nhất trong 3 tháng.

Một tài sản an toàn khác được các nhà đầu tư mua vào nhiều ở thời điểm này là đồng Yên Nhật. Tỷ giá đồng Yên so với USD hôm nay tăng 0,3%, đạt mức 119,56 Yên đổi 1 USD.

Trái lại, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần tại thị trường Hồng Kông, với 6,6451 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Nhiều nhà đầu tư đang gia tăng mức đặt cược vào sự giảm giá sâu hơn của đồng nội tệ Trung Quốc.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, nơi tỷ giá Nhân dân tệ được kiểm soát, tỷ giá đồng tiền này khá ổn định.

Reuters cho biết, những lo ngại xung quanh triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu đang khiến các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Theo chỉ số lãi suất tương lai, giới đầu tư đang đặt cược FED chỉ tăng lãi suất một lần trong năm nay, và cơ hội chỉ là 50%.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/the-gioi/chung-khoan-chau-a-tut-doc-theo-gia-dau-201602030449368.htm