Chưa biết gỗ huê dùng để làm gì

Ươm giống cây gỗ huê tại Quảng Bình Trao đổi với NNVN chiều ngày 9/5, ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết khó có thể có câu trả lời chính xác vì sao gỗ huê (sưa) được đẩy lên với giá cao đến như thế và trên thực tế cũng rất khó tìm ra câu trả lời.

Ươm giống cây gỗ huê tại Quảng Bình

Tại Quảng Bình, vào những năm 1993, gỗ huê được khai thác khá nhỏ lẻ và cũng chỉ bán được với giá thông thường, thậm chí người dân sử dụng còn chưa để ý tới. Lúc này các loại gỗ thuộc nhóm đứng đầu vẫn là mun, lim, gõ... Cho đến những năm 2000 thì giá gỗ huê mới nhích lên một chút và sau đó có giá cứ tăng theo giá các loại gỗ khác.

Sau đó vài năm, giá gỗ huê lên ngang hàng với gỗ lim và bắt đầu có những cú nhảy giá với tốc độ khủng khiếp. Đầu năm 2005, giá gỗ huê bán theo khối lượng đã gấp vài chục lần giá gỗ lim. Tất cả các đầu nậu gỗ cũng chỉ giao dịch với thương lái Trung Quốc và cũng chỉ xuất sang đó. Người dân ồ ạt vào rừng khai thác gỗ huê theo kiểu tận diệt, có nghĩa là cứ gặp cây gỗ huê là đốn hạ, đào lấy luôn cả gốc.

Vì sao gỗ huê được mua với giá cao khủng khiếp? Ông Võ Hải (quê ở Hải Thành, TP Đồng Hới), người đã có thâm niên hơn chục năm theo tàu vận chuyển đưa hàng hóa (trong đó có gỗ huê) sang tận Trung Quốc cho thương lái, cho biết: “Tôi có tìm hiều nhưng không thể. Chỉ biết rằng họ (Trung Quốc, Singapo, Đài Loan...) có quan niệm dùng gỗ huê làm vật trang sức hay chế thành các loại trang sức đeo bên mình, để trong nhà, xe cộ là gặp nhiều may mắn. Rồi cũng có thông tin họ dùng mạt cưa gỗ huê để ướp xác... Nhưng cũng không vì thế mà nó đắt đến vậy”.

Vào tháng 11/2011, Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh (Quảng Bình) đã phát hiện và thu giữ một khúc gỗ huê tại xã miền núi Trường Sơn. Khúc gỗ này có khối lượng 0,061m 3 . Hôm 4/5 vừa rồi, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Bình đã thông báo bán đấu giá công khai khúc gỗ này với giá khởi điểm 750 triệu đồng. Ông Từ Minh Liên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Bình, cho hay: "Giá khởi điểm này được Hội đồng định giá do Sở Tài chính tỉnh chủ trì đưa ra và dựa trên cơ sở giá bán trên thị trường tại thời điểm để đề xuất UBND tỉnh quyết định".

Như vậy, với giá khởi điểm được đưa ra thì thấp nhất mỗi kg gỗ huê được xác định giá 13 triệu đồng. Hỏi một đầu nậu chuyên mua bán gỗ huê, ông này nhận định: "Khúc gỗ này chưa phải tốt lắm nên giá như vậy là ổn. Có thể cao hơn một chút khi đấu giá. Gỗ đẹp phải có kích cỡ mặt trên 0,4 m, dài trên 2m và có độ dày trên 0,1m. Nếu là gỗ huê đỏ, có vân đẹp thì giá sẽ gấp đôi, gấp ba so với giá khúc gỗ huê sắp đưa ra bán đấu giá này”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, cho biết các nhà khoa học cũng như đồng nghiệp bên Trung Quốc cũng không hiểu vì sao gỗ huê lại được mua với giá cao quá mức so với giá trị thực như vậy.

Điều đáng quan tâm là gỗ huê chỉ bán cho thương lái Trung Quốc. Chính vì vậy, giá cả do phía các thương gia bên đó quyết định. Cách đây khoảng một năm, giá huê đang lên cao ngất bỗng đột ngột đứng hẳn và không bán được nữa. Hàng trăm thương lái lớn bé ở Quảng Bình cũng như các tỉnh miền Trung lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều người khuynh gia bại sản. Lúc đó, gỗ huê được đưa ra tặng cho nhau như thứ gỗ bình thường khác. Hơn năm sau, đột nhiên gỗ huê ăn hàng như bão. Thị trường giá cả hỗn loạn như có trận gió lốc. Kẻ găm hàng ngồi chờ chết bỗng phất lên tận trời, kẻ đã bán tống bán tháo thì ngẩn ngơ tiếc và lắm kẻ nhập viện tâm thần.

Sẽ khởi tố vụ án phá rừng ở Phong Nha

UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp bàn việc xử lý vụ phá rừng ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vụ việc đốn hạ ba cây gỗ sưa ở Phong Nha đã gây nhiều hệ lụy cho trật tự an ninh ở địa phương, làm người dân đổ xô vào rừng trong nhiều ngày qua ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Tại cuộc họp này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn tất các thủ tục nhằm xử lý nghiêm minh những kẻ đã tham gia vào vụ phá rừng. Để khởi tố vụ án phá rừng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ cùng các cơ quan chức năng thành lập đoàn công tác liên ngành để trưng cầu, giám định mức độ thiệt hại về rừng, xác định đối tượng đã gây ra thiệt hại cho rừng, từ đó hoàn tất thủ tục để sớm ra quyết định khởi tố vụ án.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/94480/chua-biet-go-hue-dung-de-lam-gi.aspx