Chủ tịch nước chủ trì phiên họp chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

(VOV) - Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngành TAND và Viện Kiểm sát nhân dân tương xứng với vai trò, vị trí, chức năng của mỗi ngành, bảo đảm hoạt động đạt hiệu quả cao hơn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Hôm nay (10/8), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 6 thảo luận và cho ý kiến về hai đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành TAND và Viện Kiểm sát nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu cải các tư pháp trong tình hình mới”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban chỉ đạo cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề nghị, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về những nội dung quan trọng của 2 đề án, nhất là những vấn đề mới như: Chế độ chính sách, thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, tổng biên chế cho chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2020; quy mô xây dựng cơ sở vật chất...

Đây là những vấn đề quan trọng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị để có cơ sở chỉ đạo việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện đề án.

Đánh giá về 2 đề án, Thường trực ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng các đề án đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, tập hợp trí tuệ và ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Đề án đã thể hiện được tính mục đích và định hướng của việc nghiên cứu là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn.

Thường trực ban chỉ đạo nhấn mạnh tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành tòa án và kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp là những đề án lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng như: Tài chính, đất đai, kế hoạch đầu tư, công nghệ thông tin, tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ… có nhiều đề xuất về chính sách mới đối với ngành tòa án, kiểm sát nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, thận trọng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, mục tiêu, nhiệm vụ chung.

Thảo luận về nội dung hai đề án, các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, việc xây dựng đề án là cần thiết, tuy nhiên vấn đề tăng cường cơ sở vật chất, cho TAND, Viện Kiểm sát nhân dân cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, trong đó việc đề xuất tổng kinh phí đầu tư cũng như kinh phí cho các nhiệm vụ cụ thể phải bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta và có tính khả thi cao; Đồng thời bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và nhiệm vụ đặc thù mỗi ngành.

Về tăng cường đội ngũ cán bộ, ngành yòa án đưa ra mục tiêu, số lượng biên chế cán bộ, công chức đến năm 2020 khoảng hơn 22.000 người. Ngành kiểm sát dự báo nhu cầu về quy mô nhân lực ngành kiểm sát đến năm 2020 tăng thêm khoảng 18.750 người.

Các đại biểu cho rằng, tăng biên chế của hai ngành cần đảm bảo hợp lý, khả thi và phù hợp với chủ trương chung về tinh giản biên chế của Nhà nước cho những năm sau 2015. Đồng thời, cần có giải pháp thực thi cụ thể như đào tạo, phương pháp và tiêu chí phân bổ biên chế sát với từng đặc thù từng địa phương, vùng miền; rà soát lại định mức công việc đối với từng loại chức danh như thẩm phán, kiểm sát viên sao cho không lãng phí nguồn nhân lực, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về mọi mặt trong đó tăng cường trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Những đề xuất như cơ chế chính sách tiền lương, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm, độ tuổi nghỉ hưu của thẩm phán, kiểm sát viên cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng 2 đề án quan trọng này. Việc xây dựng đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.

Trên cơ sở lý luận, thực tiễn cụ thể để xác định mục tiêu nhiệm vụ và đề ra giải pháp thực hiện, đáp ứng yêu cầu tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của 2 ngành TAND và Viện Kiểm sát nhân dân tương xứng với vai trò, vị trí, chức năng của mỗi ngành, bảo đảm hoạt động đạt hiệu quả cao hơn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Tuy nhiên để hoàn thiện 2 đề án này, trước hết cần phải xây dựng xong đề án tổ chức tòa án và viện kiểm sát khu vực trình Bộ Chính trị, trên cơ sở đó các đơn vị chủ trì đề án sẽ căn cứ vào quy mô, tổ chức hoạt động để chỉnh lý đề án, đồng thời cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới đảm bảo tính khả thi cao trên thực tế./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/chu-tich-nuoc-chu-tri-phien-hop-chi-dao-cai-cach-tu-phap-trung-uong/20128/220609.vov