Chủ tịch Hồ Chí Minh với Mặt trận và báo chí của Mặt trận

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng trăm bài viết đăng trên Cứu Quốc, động viên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, kịp thời tuyên dương những tấm gương ngời sáng trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, ân cần chỉ dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ những người cầm bút về lượng thông tin cần và đủ đối với quần chúng trong hoàn cảnh chiến tranh đang ngày một khốc liệt, chỉ ra những non yếu và bất cập mà Cứu Quốc đã vấp phải.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Với biểu trưng của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam

Trong bối cảnh Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được mở rộng, việc hòa hoãn với quân Tưởng nhằm cô lập thực dân Pháp được thực thi rồi tiếp đó là sự kiện ký Hiệp định Sơ bộ để dùng Pháp gạt quân Tưởng ra khỏi bờ cõi, ngày 29-5-1946 Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được chính thức thành lập tại Hà Nội. Ngoài Hội trưởng danh dự Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Hội trưởng, cụ Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng còn có ông Dương Đức Hiền giữ chân Tổng Thư ký.

Tại lễ ra mắt, sau khi nêu ra 4 nhiệm vụ trọng yếu, Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam chỉ rõ, trong giờ phút lịch sử tồn vong của quốc gia dân tộc, những mâu thuẫn giữa các xu thế chính trị, tôn giáo, giai cấp cũng như những sự chia rẽ vô lý giữa các dân tộc đều phải được dàn xếp, xóa bỏ và nhường bước cho sự đại đoàn kết rộng rãi, thành thực vững chãi. Đánh giá về vai trò, ý nghĩa cũng như những đặc điểm mới của Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, từ đây quốc dân Việt Nam đã liên hiệp, không chỉ liên hiệp trong Chính phủ mà còn liên hiệp ở quảng đại quần chúng nhân dân.

Căn cứ vào nhiệm vụ cũng như những yêu cầu mới của công cuộc kháng chiến kiến quốc, từ giữa năm 1947, nhiều danh họa đã được mời tham gia vào việc thiết kế biểu tượng cho Hội. Từ những phác họa ban đầu, Tổng Thư ký Dương Đức Hiền đã lựa ra được một bức hình họa ưng ý nhất, đáp ứng được những đòi hỏi bao trùm nhất về vai trò,vị thế của Hội trong tình thế cách mạng mới để trình lên Chủ tịch danh dự Hồ Chí Minh. Tháng 11/1947, Người gửi nhận xét như sau:

“Gửi ông Dương Đức Hiền, Tổng Thư ký Hội Liên Việt
Ý kiến bức vẽ: khéo nhưng có mấy khuyết điểm:
1. Đoàn kết toàn dân phải đủ sĩ, nông, công, thương, binh.
Trong bức vẽ sót mất thương
2. Nông ve [và] công đều dùng tay trái
3. Hai chị phụ nữ Việt Bắc ngồi phơi nắng đọc báo. Thanh nhàn quá không hợp với thời kỳ kháng chiến.
4. Mấy chữ “Kế hoạch sản xuất v.v...” hơi rợm quá và khó hiểu. Những người phổ thông sẽ đọc là KYNG và không hiểu KYNG là gì.
Nếu chỉ viết: sĩ, nông, công, thương, binh dưới mỗi hình vẽ thì có lẽ phổ thông dễ hiểu hơn.
Mấy dòng chữ:
Dòng thứ 2 và 2 dòng cuối không cần
Tên Hội nên tách xa hình vẽ và nên viết to rõ ràng: HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN VIỆT NAM. Có lẽ không cần 2 chữ TRUNG ƯƠNG và nếu các địa phương có thể in thêm thì nên khuyên họ in thêm, dán cho khắp, kết quả sẽ rộng hơn.
Chào thân ái và quyết thắng
Hồ Chí Minh”

2. Với Đặc san Liên Việt

Ngày 8/5/1948, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ chuyển tới ban biên tập Đặc san Liên Việt bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung như sau:

“Thư của Cụ Chủ tịch gồm hai phần:
[1] Vài ý kiến về Đặc san Liên Việt
1. Những lời kêu gọi và bài vở, xin làm vắn tắt, thống thiết, không nên dài dòng văn tự.
2. Nên có bài của Cụ Bùi Kỷ, Cụ Võ Liêm Sơn, Cụ [Phạm Bá] Trực, Cụ Vy [Văn Định] và những nhân sĩ như ông Phan Anh, ông [Nguyễn Văn] Huyên v.v... Rất cần cả bài của nhân sĩ các địa phương và những cụ sư, cha cố hăng hái.
Nói [tóm] lại: không nên viết dài và phải có một bài về Thi đua ái quốc.

[II] Gởi Đặc san Liên Việt
Do sự lãnh đạo của cụ Hội trưởng Bùi Bằng Đoàn và sự hăng hái giúp đỡ của các vị lão thành như Cụ Bùi Kỷ, Cụ Võ Liêm Sơn và nhiều vị khác - Hội Liên Việt đã phát triển rất mau, rất rộng, rất mạnh.

Nhiều nơi Hội có báo, có Ban Huấn luyện của mình.

Hội viên đều sốt sắng tham gia mọi công việc kháng chiến. Các cụ phụ lão, các vị thân hào, thân sĩ, các anh em trí thức rất hoạt động, khiến tôi cảm động, nhất là nhiều cụ già đã ngoài 60-70 tuổi, ngày nào cũng chống gậy đi tuyên truyền, giải thích, cổ động đồng bào hăng hái kháng chiến. Khi có các cuộc hội họp thì các cụ không quản mưa gió, không quản xa xôi, cố đi cho được để khuyến khích đồng bào. Tinh thần của các cụ thật đáng kính, đáng phục.
Đoàn kết chặt chẽ toàn dân - đó là kết quả tốt đẹp nhất của Hội Liên Việt. Ngoài ra, như Mùa đông binh sĩ, Bình dân học vụ, Tăng gia sản xuất, Hội Liên Việt cũng giúp một phần rất quan trọng.
Tôi chắc rằng phong trào Thi đua ái quốc ngày nay, Hội Liên Việt cũng gánh một vai lãnh đạo quan trọng và mỗi hội viên của Hội sẽ là một người kiểu mẫu, một người xung phong.
Giúp Chính phủ đưa trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công, đó là nhiệm vụ vẻ vang của Hội.
Với sự lãnh đạo của cụ Bùi và Ban Trung ương, với lòng nồng nàn yêu nước của toàn thể hội viên, tôi chắc rằng chúng ta nhất định làm trọn nhiệm vụ vẻ vang ấy.
Chào thân ái và quyết thắng
8-5-1948
Hồ Chí Minh”

3. Với báo Cứu Quốc

Cứu Quốc cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, phát hành số đầu tiên vào ngày 25/1/1942 tại làng Xuân Kỳ, tổng Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Mặc dù luôn phải di chuyển cơ quan khắp vùng Kim Anh về Thuận Thành, Tiên Du, Gia Lâm (Bắc Ninh), Vạn Phúc, Đan Phượng (Hà Đông), Quốc Oai (Sơn Tây) nhưng Cứu Quốc đã nhanh chóng trở thành tờ báo phổ biến nhất đối với dân chúng

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, báo Cứu Quốc ra công khai số đầu tiên vào ngày 24/8/1945 và trở thành nhật báo, cơ quan ngôn luận lớn nhất - kể cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mang tiếng nói hàng ngày của Trung ương Đảng, Chính phủ và Tổng bộ Việt Minh đến quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng trăm bài viết đăng trên Cứu Quốc, động viên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, kịp thời tuyên dương những tấm gương ngời sáng trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, ân cần chỉ dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ những người cầm bút về lượng thông tin cần và đủ đối với quần chúng trong hoàn cảnh chiến tranh đang ngày một khốc liệt, chỉ ra những non yếu và bất cập mà Cứu Quốc đã vấp phải. Trong tháng 3/1948, thông qua Văn phòng Chính phủ, Người đã uốn nắn việc đăng tải thư từ, luật lệ đã bộc lộ một số sai sót không đáng có như sau:

“Trong số báo Cứu Quốc số 848 ra ngày 28-2-1948, Ban phòng nhận thấy quý báo có đăng một bức thư của đồng bào thành phố Lạng Sơn gửi Hổ Chủ tịch.
Trân trọng yêu cầu quý báo cho biết quý báo lấy nguồn tin ở đâu.
Đồng thời xin trân trọng báo cho quý báo rõ là, những thư riêng của Hồ Chủ tịch như thế cần phải được Hồ Chí Minh cho phép đăng báo thì các báo mới được đăng”.
Tiếp đó, ngày 18-3-1948, tại Công văn số 631-M gửi Bộ Tài chính, Văn phòng Chủ tịch Chính phủ lại chỉ rõ một sai sót khác của báo Cứu Quốc. Công văn có nội dung như sau: “Trong một số báo Cứu Quốc xuất bản tại Chiến khu XII có đăng Sắc lệnh số 147-SL ngày 2-3-1948 cho phép Nam Bộ phát hành và lưu hành giấy bạc Việt Nam. Trân trọng yêu cầu quý Bộ cho biết rằng, quý Bộ có gửi tin này cho các cơ quan ngôn luận để đăng báo không”.

Ngay cả những tài liệu đã được Nha Thông tin soạn thảo nhưng nhận thấy quá dài dòng về thời lượng, chậm trễ về thời gian nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Văn phòng Chủ tịch Chính phủ gửi Công văn số 1651-M ngày 1/8/1948 thông báo tới Cứu Quốc ý kiến chỉ đạo của Người:

“Chúng tôi xin gửi kèm một tài liệu về 1.000 ngày kháng chiến cho Nha Thông tin trình bày.
Theo chỉ thị của Cụ Chủ tịch, quý báo sẽ lọc ra:
1. Những con số lớn và tranh ảnh,
2. Những đoạn phỏng vấn các từng lớp nhân dân,
3. Còn những ảnh của các chính khách thì Nha Thông tin đã đưa sang Nhà [in] Sự Thật.
Lẽ ra những tài liệu ấy đã phải đăng vào số 19-6 [-1948]. Nhưng vì chậm, quý báo sẽ châm chước và cho đăng vào số 19-8[-1948].
Nếu số 19-8 đã có nhiều bài rồi thì cho đăng vào bản phụ trương”.

Nhân dịp Tết Nguyên đán năm Tân Mão, Công đoàn báo Cứu Quốc cùng nhiều cá nhân và đoàn thể đã gửi tới Người nhiều tiền mừng tuổi. Người đã giao Chủ tịch phủ tiếp nhận tấm lòng của đồng bào rồi chuyển toàn bộ số tiền ấy cho Bộ Quốc phòng để làm giải thưởng cho bộ đội. Tại Công văn ngày 24/1/1951, Phủ Chủ tịch nêu rõ, thừa lệnh Người, toàn bộ số tiền 17.400 đồng của các vị hảo tâm gửi đến kính biếu đều được chuyển tới Bộ Quốc phòng để đặt giải thưởng (ông Phan Văn Hệ xã Vinh Quang, Tam Dương, Vĩnh Phúc: 200 đồng; Công đoàn báo Cứu Quốc: 5.200 đồng; bà Lê Thị Thanh, xã Vinh Quang, Bất Bạt, Sơn Tây: 10.000đ; ông Hoàng Văn Tuấn và Trần Văn Tiệp, xã Chấn Hưng, Nghĩa Hưng, Nam Định: 1.000 đồng; họ Lại, xã Phù Vân, Kim Bảng, Hà Nam: 1.000 đồng).

Viết về những tình cảm bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tổ chức Mặt trận cũng như với báo chí - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận là cả một đề tài vô cùng phong phú và bất tận. Ở đây, tác giả chỉ kể lại một vài điều nhân mùa xuân Bính Thân này, gọi là để ôn cố nhi tri tân mà thôi.

Hà Nội, xuân Bính Thân

TS Khổng Đức Thiêm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/chu-tich-ho-chi-minh-voi-mat-tran-va-bao-chi-cua-mat-tran/86655