Chủ động nắm bắt thị trường công nghệ

(VEN) - Là một trong số ít các viện của Bộ Công Thương sau khi chuyển đổi sang mô hình tự chủ đã đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Viện Nghiên cứu cơ khí đang là “điểm sáng” trong hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào thực tiễn cuộc sống.

Đã và đang có rất nhiều công trình lớn của đất nước mang “dấu ấn” của viện như thiết kế chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án thủy điện với giá trị hợp đồng hàng ngàn tỷ đồng như Dự án thủy điện A Vương, Buôn Kuốp, Sesan 3, Sesan 4, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4; Sơn La, Lai Châu...; thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinke/ngày, thay thế nhập ngoại cho dự án xi măng Sông Thao với tỷ lệ nội địa hóa đạt 38%; thiết kế, chế tạo hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, tổng giá trị trên chục triệu USD. Đáng chú ý Viện đã thiết kế, chế tạo thành công hệ thống băng tải cấp liệu dài 5km cho Dự án nhà máy tuyển bô xít Tân Rai (Lâm Đồng) với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều những thành quả khoa học khác được ứng dụng thành công vào thực tiễn cuộc sống như nghiên cứu thiết kế chi tiết công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng độ sâu 90m nước; thiết kế, chế tạo thành công máy hàn cốt thép giúp tiết kiệm vật tư khi xây dựng công trình cao tầng, công trình giao thông; chế tạo thành công thiết bị hút bùn ao, hồ, sông, ngòi và đã chuyển giao thiết bị cho Công ty Cấp thoát nước TP. Hà Nội để đưa vào sử dụng...

Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết, có được những thành quả như vậy là do trong thời gian qua từ phân tích tình hình thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp, viện đã chủ động điều chỉnh hướng hoạt động để có thể tham gia và làm chủ thị trường công nghệ phục vụ cho các chương trình này như đầu tư thêm phòng thí nghiệm, đào tạo nhân lực đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa để có thể tiến tới làm chủ từ khâu thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao các dây chuyền thiết bị cho các ngành công nghiệp giấy, xi măng, thủy điện, nhiệt điện, bô xít… mà từ trước đến nay phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị nhập ngoại.

Đặc biệt, từ khi có quyền tự chủ về mặt tài chính, bên cạnh việc đầu tư cơ sở, trả lương cán bộ theo năng lực, viện còn thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện các hợp đồng kinh tế. Có những dự án viện đã thuê các chuyên gia của Australia và Canada với mức lương lên đến 20.000 USD/tháng. Mặc dù thuê chuyên gia nước ngoài với giá như vậy nhưng giá chào thầu của viện cũng chưa bằng 1/3 giá chào thầu của công ty nước ngoài…

Theo ông Sáng, các cơ chế, chính sách về đổi mới hoạt động KHCN của Chính phủ trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các tổ chức KHCN phát huy tiềm lực, tuy nhiên để hoạt động KHCN “sôi động” hơn trong thời gian tới, Chính phủ cần lồng ghép chiến lược phát triển các ngành kinh tế với các nhiệm vụ KHCN khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành. Chẳng hạn trong chiến lược phát triển nguồn điện, cần xác định nhiệm vụ KHCN về thiết kế, chế tạo thiết bị, về nghiên cứu năng lượng tái tạo… đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện. Hay để chống úng lụt cho thành phố cần có các đề tài nghiên cứu về hệ thống kênh mương, cống rãnh, về các thiết bị nạo vét cống rãnh... “Có như vậy nhiệm vụ KHCN mới không bị manh mún, xếp xó, đồng thời tạo được thị trường và bảo vệ được thị trường cho các tổ chức KHCN”, ông Sáng khẳng định./.

Quỳnh Nga

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/chu-dong-nam-bat-thi-truong-cong-nghe_t77c427n28398tn.aspx