Chống ùn tắc giao thông: Ưu tiên đầu tư bốn dự án hạ tầng

Cân đối các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư các dự án giao thông cấp bách, có tính khả thi cao tiếp tục là một trong những giải pháp trọng tâm của TP Hà Nội nhằm giảm ùn tắc giao thông (UTGT) trong giai đoạn 2016-2020.

Trong đó, thành phố (TP) sẽ tập trung cho các dự án trọng điểm: Hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ; mở rộng đường Nguyễn Khoái; xây dựng đoạn tuyến nối từ cầu Nhật Tân đến đường Thanh Niên; thông tuyến Lê Trọng Tấn đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến Sông Lừ…

Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu giảm UTGT trên địa bàn giai đoạn 2012-2015, toàn TP tồn tại 89 "điểm đen" UTGT. Bằng hàng loạt các giải pháp đồng bộ như cải tạo hạ tầng; lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu, biển báo và điều chỉnh giao thông; giải tỏa hành lang an toàn giao thông (ATGT), lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; rà soát, sắp xếp các điểm đỗ xe… TP đã giải quyết được 27 "điểm đen".

Tuy nhiên, lại có thêm 26 điểm UTGT mới phát sinh. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian qua, trên địa bàn đồng loạt triển khai các dự án quy mô lớn như: Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2… Để bảo đảm ATGT, an toàn thi công các công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu phải rào chắn dẫn đến thu hẹp lòng đường. Trong khi đó, lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh khiến cho năng lực hạ tầng Thủ đô trở nên quá tải. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2015, TP có khoảng 183.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô gần 40.000 chiếc, xe máy hơn 140.000 chiếc. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh chưa được giải quyết triệt để…

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, nhằm thực hiện chương trình mục tiêu giảm UTGT giai đoạn 2016-2020, Sở đã đề xuất TP huy động mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tập trung nguồn vốn để xây dựng và hoàn thành dứt điểm các công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2012-2015 để bảo đảm hiệu quả đầu tư; lựa chọn một số dự án cấp bách, có tính khả thi cao để triển khai trước năm 2016. Trong đó, đáng chú ý có 4 dự án trọng điểm.

Cụ thể, dự án hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ hiện Sở GT-VT đã lập và hoàn thiện chỉ giới đường đỏ tuyến đường Chương Dương Độ (từ điểm giao cắt đường Trần Quang Khải đến phố Bạch Đằng) theo phương án mặt cắt ngang 17,5m. Dự án mở rộng đường Nguyễn Khoái (đoạn từ đường Vành đai 1 đến cầu Vĩnh Tuy) dài khoảng 350m sẽ xây tường chắn bằng bê tông cốt thép để mở rộng mặt đường hiện có thêm 3-5m. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến đường Thanh Niên (đi ngoài đê Sông Hồng và nút giao An Dương) có chiều dài khoảng 5,6km, mặt cắt ngang 60m. Vừa qua, trong khi chờ bố trí vốn, Sở và đơn vị tư vấn thiết kế đã lập các phương án hướng tuyến, đồng thời làm việc với Bộ NN&PTNT nhằm khẩn trương xác định phương án hướng tuyến làm cơ sở lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Thành phố cần có nhiều biện pháp hơn nữa để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: Nhật Nam

Thành phố cần có nhiều biện pháp hơn nữa để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông. Ảnh: Nhật Nam

Một dự án khác cũng rất cấp bách là xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến Sông Lừ (quận Thanh Xuân), quy mô dài khoảng 1,5km, mặt cắt ngang 27-30m. Trên tuyến có 1 cầu dài 25,2m, rộng 14m. Dự án này không phải giải phóng mặt bằng thu hồi đất của dân, mà chỉ phải thu hồi đất quốc phòng và đền bù các tài sản trên đất thuộc khu vực Sân bay Bạch Mai.

Khẳng định đầu tư hạ tầng vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu tập trung triển khai sớm các dự án nói trên. Với dự án hầm đường bộ qua phố Chương Dương Độ, Sở GT-VT phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm khẩn trương phê duyệt chỉ giới đường đỏ ngay trong tháng 10-2015 để công bố công khai cho dân biết. Với dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Khoái, TP yêu cầu khẩn trương triển khai để sớm khớp nối với dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái đang được tập trung thi công. Sở GT-VT phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lại giao thông từ Trần Khát Chân.

Với dự án đầu tư đường nối từ cầu Nhật Tân đến đường Thanh Niên, UBND TP giao Sở GT-VT phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế GT-VT và UBND quận Tây Hồ khẩn trương hoàn chỉnh phương án hướng tuyến cụ thể để làm việc với các cơ quan chức năng tính toán phương án tài chính và phương thức đầu tư… Sau khi có phương án hướng tuyến cụ thể cũng phải công bố công khai để lấy ý kiến cộng đồng. Để triển khai nhanh được tuyến đường Lê Trọng Tấn, UBND TP đã ủy quyền cho Sở GT-VT phê duyệt dự án; các sở: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư… cân đối nguồn vốn để bố trí phù hợp. Riêng hai dự án đường Lê Trọng Tấn và mở rộng đường Nguyễn Khoái phải tập trung thi công và hoàn thành ngay trong năm 2016. Hai dự án còn lại tập trung thực hiện xong trong giai đoạn 2016-2020.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/809922/chong-un-tac-giao-thong-uu-tien-dau-tu-bon-du-an-ha-tang