Chống tội phạm hình sự ở Bình Dương

(CATP) Năm 2009, tỉnh Bình Dương xảy ra 1.152 vụ phạm pháp hình sự, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 967 vụ. Bọn tội phạm đã giết chết 49 người, 209 người bị thương, chiếm đoạt 308 môtô, 901,4 chỉ vàng, 3,4 tỷ đồng. 17 vụ giết người cướp xe ôm, 2 vụ điều taxi đến nơi vắng khống chế cướp tài sản của tài xế; 11 vụ đối tượng vào nhà, hàng quán, khách sạn để cướp; 95 vụ cướp ở nơi vắng mà chủ yếu là khống chế các cặp tình nhân.

Súng và tang vật vụ án Ngay từ đầu năm 2009, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo lực lượng công an toàn tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, điều tra triệt phá các băng nhóm và các loại tội phạm cơ hội, đồng thời vận động nhân dân tham gia phòng chống tội phạm. Các biện pháp đồng bộ trên đã góp phần đấu tranh trấn áp tội phạm khá hiệu quả với 851 vụ được khám phá (đạt tỉ lệ 74%), bắt 1.300 đối tượng, thu giữ 3 khẩu súng, 12 viên đạn, 1 quả lựu đạn, 48 dao, 14 mã tấu, 5 ôtô, 67 môtô, 4 ĐTDĐ; thu hồi 123 xe môtô, 58 chỉ vàng, 138 triệu đồng và tài sản trị giá trên 2 tỷ đồng. Xét hỏi đối tượng vụ cướp có súng Nhiều vụ giết người cướp tài sản điển hình như vụ đột nhập vào nhà, dùng súng bắn anh Nguyễn Văn Quyết tại xã An Điền, huyện Bến Cát cướp 2 ĐTDĐ và một số tiền vào lúc nửa đêm 30-9, vụ gái mại dâm giết khách mua dâm cướp tài sản tại khách sạn ở Dĩ An, vụ Lê Hoàng Lâm giết nữ công nhân Thị Ui cướp tài sản và hãm hiếp vào tối 30-8. Đặc biệt là vụ sát thủ máu lạnh Trần Nguyễn Xuân Phương chỉ trong vòng 9 tháng đã chủ mưu và trực tiếp giết chết ba người, trong đó có mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Mai, cướp 15,6 triệu đồng, 1 dây chuyền, 7 - 8 chiếc nhẫn vàng. Sau đó Phương cùng em vợ là Phùng Minh Cường tổ chức giết chị Thủy để quỵt nợ và cướp tài sản. Đến tháng 12-2009, Phương cùng Nguyễn Thế Lâm giết bà Phạm Thị Cảnh (người giúp việc cho gia đình ông Thuận) cũng chỉ để cướp tài sản. Các vụ giết cướp đặc biệt nghiêm trọng này cơ quan điều tra đã làm tốt công tác nắm tình hình và di biến động của đối tượng, phối hợp tốt với các cơ quan đơn vị chức năng, đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của quần chúng nên đã khám phá nhanh, bắt giữ toàn bộ hung thủ. Có tên đã trả giá bằng sinh mạng của mình như Lê Hoàng Lâm bị Tòa án tỉnh Bình Dương tuyên án tử hình vào ngày 18-11. Thượng tá Nguyễn Hoàng Thao - Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương - cho rằng, quần chúng nhân dân có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Hầu hết các vụ án được khám phá đều có công sức của người dân. Nhân dân còn trực tiếp bắt 291 vụ với 409 đối tượng. Điển hình về vai trò quần chúng là việc bắt “phù thủy” gây mê Đào Thị Ngừng, kẻ đã thực hiện 8 vụ đầu độc bằng thuốc gây mê tại các chùa ở các tỉnh. Chính anh N.T.N đã tìm ra thị Ngừng lúc 22 giờ ngày 18 -10 tại một nhà trọ ở khu phố 2, phường Phú Cường, công an bắt giữ, thu 1 sợi dây chuyền, 1 đôi bông tai, 1 vòng đeo tay, 1 lắc, 2 bịch cà phê, 2 túi dựng nhiều loại tân dược, 300.000 đồng và một số giấy tờ. Hay như vụ bọn cướp dùng súng bắn trọng thương anh Nguyễn Văn Quyết lúc nửa đêm, nhân dân cùng các lực lượng địa phương lập tức bao vây khu rừng rộng trên 50 hécta ở ấp Giồng Sỏi, truy bắt được ba tên gồm Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Chỗ và Thái Văn Học, thu giữ 1 súng ngắn tự chế, 13 viên đạn và 2 ĐTDĐ. Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Thao, hoạt động đấu tranh trấn áp tội phạm ở Bình Dương trong năm qua đạt kết quả khá tốt, làm giảm 419 vụ (26,7%) so với năm 2008. Nhân dân giúp đỡ rất tích cực mới có được kết quả trên. 31 tập thể và 310 quần chúng được các cấp khen thưởng trong năm 2009 là một minh chứng cho sự khởi sắc của phong trào toàn dân phòng chống tội phạm ở Bình Dương trong năm qua.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=45162&mod=detnews&p=