Chống tiêu cực, mới chỉ có văn bản nhắc nhở

SGTT.VN - Ngay sau khi kết thúc EURO được một tuần, VFF đã đánh công văn sang VPF để yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sáu vòng đấu cuối cùng ở giải quốc nội. Không phải đơn giản mà VFF nhắc nhở bởi hơn bao giờ hết, bóng ma tiêu cực đang ám ảnh khi đã có những trọng tài, những trận đấu được coi là bất thường.

Rất nhiều tình huống thoải mái sút bóng nhưng các cầu thủ Khánh Hòa vẫn không thể ghi bàn ở hiệp 2.

Trong cuộc gặp mặt giới truyền thông tại TP.HCM, bầu Kiên đại diện cho VPF, đã không che giấu sự thật khi cho rằng, có những trận đấu đáng bị coi là bất thường, đã có những trọng tài sai sót nặng. Ông cũng khẳng định đã phối hợp với cơ quan công an làm rốt ráo và khi kết thúc mùa giải cũng sẽ là thời điểm để nói thẳng, nói thật với nhau.

Đó có thể là lời cảnh báo thật, cũng có thể coi là chiêu “rung cây nhát khỉ”. Ai cũng biết, sáu vòng đấu cuối cùng của V-League sẽ là sáu vòng đấu rất nóng khi Hải Phòng đã chính thức rớt hạng, chỉ cần các cầu thủ Hải Phòng nương chân thì các đội bóng gặp họ sẽ hoàn toàn hưởng lợi. Ngoài Hải Phòng đã “xong phim”, hiện còn ba đội bóng đang đùn đẩy nhau chiếc vé rớt hạng còn lại là Khánh Hòa 22 điểm, Kiên Giang 23 điểm và Đồng Tháp 24 điểm.

Lời cảnh báo của đại diện VPF hiệu nghiệm đến đâu thì sau vòng đấu 21 vừa diễn ra xong vào tối qua 15.7, chắc ai cũng có thể hiểu. Trên sân Thống Nhất, khán giả lèo tèo đến vì chẳng còn mấy ai tin đội Sài Gòn Xuân Thành đá tử tế. Và người hâm mộ đã có lý khi chứng kiến cảnh sau hai bàn thắng dễ trước Khánh Hòa, các cầu thủ Sài Gòn chơi như cho. Chỉ tính riêng ở hiệp 2, các cầu thủ Sài Gòn đã việt vị đến 17 lần cứ như thể họ chủ động làm chuyện đó. Khi các cầu thủ Khánh Hòa tấn công, các tiền vệ chẳng buồn về hỗ trợ cho đội nhà bởi nhìn cách sắp đội hình và yêu cầu chiến thuật đề ra, họ dường như đã “hiểu chuyện”. Số ít khán giả còn lại trên khán đài la ó, phản ứng với ông Trần Tiến Đại, người đang làm công tác huấn luyện kiêm điều hành ở đội bóng Sài Gòn. Khánh Hòa thua

1 – 2, một trận thua mà chính cầu thủ Khánh Hòa cũng cho rằng nên tự trách mình bởi “đá dễ vậy mà không ăn được thì trách ai bây giờ”. Chả hiểu VPF có thấy trận đấu này, có nghe người hâm mộ phản ứng?
Với nhóm đội cuối bảng đấu này, chuyện trụ lại ở giải chuyên nghiệp bằng mọi giá là có thật bởi ai cũng biết cái giá để tái đầu tư sau một mùa bóng xuống hạng tính bằng chục tỉ đồng. Ấy là chưa kể uy tín của lãnh đạo ngành thể thao trước sức ép của người hâm mộ. Ngoài chuyện tăng tiền thưởng ở từng trận thắng vượt khung mà VPF đành phải ngó lơ với tuyên bố “năm sau mới tính”, chuyện “tình thương mến thương” mới được các đội coi là phương thuốc cải tử hoàn sinh hiệu quả ở lúc này. Không phải vô cớ mà Khánh Hòa có biệt danh “vua trụ hạng”. Không phải huấn luyện viên đội Kiên Giang, ông Lại Hồng Vân vô cớ cho rằng sợ nhất khi chơi ở V-League là không có bạn.

Chống tiêu cực, năm nào cũng nghe, ở đâu cũng thấy hô hào. Nhưng chống bằng cách nào?

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/the-thao/166136/chong-tieu-cuc-moi-chi-co-van-ban-nhac-nho.html