Chốn cũ

Tôi nhận ra mình đã bắt đầu già, đã bị thời gian cuốn đi khá xa khi thấy lại ngôi miếu nép dưới gốc sấu cổ thụ. Nó vẫn thế, nhỏ bé, u sầu như một người cơ nhỡ.

Hồi trước, người ta đồn có con rắn mào sống trong miếu nhưng dân sơ tán chưa một lần nhìn thấy vì họ không quan tâm, có quan tâm cũng không đủ gan bén mảng tới cái chỗ âm u rêu phong ấy. Bọn trẻ chăn trâu, những chủ nhân thực sự của mảnh đất Linh Sơn khẳng định với đám trẻ thị thành sơ tán là chúng đã gặp rắn, thằng nào cũng phồng mồm trợn mắt tả giống hệt nhau về cái mào của nó: Đỏ, lúc lỉu như mào gà trống thiến.

Có lẽ đó là ẩn ức lớn nhất mà đám trẻ sơ tán, trong đó có tôi, mang theo khi trở về thành phố. Bao năm trôi qua, giờ có dịp trở lại tôi mới đủ tự tin bước vào trong miếu. Trên kệ thờ, bát hương mốc meo với cụm chân hương mục oải, xộc xệch và chiếc lọ màu lam rạn còn lại mấy cuống hoa hồng khô héo, teo tóp ngả sang nâu đen. Không sẵn hương để thắp, tôi tặc lưỡi nghĩ chính mình đã là một nén hương rồi nên vẫn chắp hai tay trước ngực, nhắm mắt lại dù chẳng khấn gì. Trong thanh vắng bỗng nhiên thoang thoảng chim kêu sau đó tiếng nói dội lên: “vồ đi”. Tôi bàng hoàng mở mắt nhìn quanh. Bóng nắng lổ đổ và tiếng hai đứa trẻ lẫn với tiếng lũ chim nháo nhác phía ngoài con đường chính. Cảm giác có một dòng chảy trong suốt nhưng dữ dội lao xiết qua không khí. “Của em, em nhìn thấy trước”.

Khi tôi định thần lại thì hai thằng bé đã đứng trước mặt mình. Trên tay thằng lớn hơn nắm hờ con chim non, còn thằng nhỏ thì đang lèo nhèo đòi bằng được. Thằng lớn tảng lờ như không có tai, nó giơ con chim đang vẫy vùng giữa các ngón tay co lại thành cái lồng giam, khoe với tôi: “Chào mào non bác ạ”. Tôi nhìn hai đứa trẻ, sau đó nhìn đôi chim bố mẹ kêu thảm thiết tuyệt vọng trên cành sấu.

Ngày bé, tôi bắt được con cò non thì phản ứng của cò mẹ bình tĩnh hơn, nó đứng từ xa quan sát, rồi bay từng quãng theo sau kẻ bắt con mình, không kêu, không hốt hoảng nhịp cánh mà nhẫn nại tới mức làm tôi phát hoảng, phải rẽ vào nhà cô Nguyệt để lánh, khi mò ra, vẫn thấy cò mẹ đứng trước cái rãnh nước, cổ vươn lên như một mầm giá đỗ trắng toát. Con cò con được thả ngay tắp lự. Sự nhẫn nại của cò mẹ đã thắng nỗi ham mê tàn độc của một đứa trẻ.

“Đứa nào thấy trước là của đứa ấy, phải không hả bác?” - thằng nhỏ níu áo tôi tìm kiếm đồng minh. Tôi nhìn con chim đang cố gắng nhoài ra khỏi tay thằng lớn rồi nhẹ nhàng khuyên hai đứa trẻ nên thả nó. Hai thằng bé sững lại sau đó cùng ré lên thắc mắc tại sao phải thả. “Nếu có ai bắt các cháu thì bố mẹ các cháu có buồn không?” - tôi hỏi lại bằng cái giọng màu gỉ sắt, đích thị màu gỉ sắt. “Nó là chim, lấy đâu ra buồn mà buồn” - thằng lớn làu nhàu nhưng vẫn đặt con chim non lên cái chạc nhỏ. Âm thanh náo nức vỡ òa ra từ đôi chim bố mẹ khi thấy con mình được tự do, đang lập chập nửa chạy, nửa bay dọc theo cành cây. Hai đứa trẻ xịu mặt, thân mật khoác vai nhau bỏ đi. Một thằng bé con trong tôi cũng lặng lẽ tách khỏi tôi và hớt hải theo chúng, dù chẳng biết tới đâu.

Bờ sông không đổi thay, vẫn là cỏ cây lúp xúp thi thoảng nhô cao một bụi tre, một cây ngái già cỗi chực ngã xuống. Cái bãi soi bên kia cũng vẫn thế, lô xô ngô, rau và đan xen vài ba mảng hoa hồng hoặc cúc vàng. Không thấy chiếc bè vó của gia đình ông Bời lẹo đâu. Thật khó hình dung có một ngày con sông thiếu bóng chiếc bè vó kềnh càng đó, vậy mà bây giờ nó đã vắng bóng. Từ đầu nguồn, một người đàn bà quần xắn cao tận bẹn với chiếc nón rách hơi lệch sang bên, vác chiếc riu đi xuôi về phía tôi, cái giỏ đeo bên hông chị ta xệ xuống báo hiệu rằng có thứ đựng trong đó.

Gần như tôi chẳng tin vào mình. Người đàn bà đẩy riu bí ẩn thuở nào giờ hiển hiện vẹn nguyên trước mắt tôi. Xa lạ, luôn bịt kín mặt để tránh nắng, người đàn bà đó chẳng bao giờ bắt chuyện với bất kỳ ai của khu sơ tán, từ người lớn tới trẻ con, từ đàn ông tới đàn bà. Không rõ nhà người đàn bà ấy ở đâu, chỉ biết thi thoảng bà ta xuất hiện, với chiếc riu, lầm lũi cày xới đoạn sông này, sau đó bỏ đi lặng lẽ như khi đến. Hồi trước, ngồi câu cá dưới bụi trúc, đoạn gần nhà ông Bách phệ, mỗi khi thấy người đàn bà riu ở phía trên, dù xa nhưng bọn trẻ chúng tôi vẫn sờ sợ cái dáng vẻ câm lặng của bà ta.

Tôi hy vọng người riu tôm sẽ đến gần mình hơn nữa nhưng chị ta đã quành xuống mép nước, cách đấy một đoạn và riu ngược lên. Tôi rảo bước theo người đàn bà, khi ở song song ngang nhau thì chị ta ngước nhìn thẳng vào tôi. Vẫn đôi mắt thuở xưa, đen chói lói ở khoảng trống của khăn bịt mặt với chiếc nón rách rưới.

Một đôi mắt gần như chẳng có lòng trắng nhưng không gây hoảng sợ. Với đôi mắt ấy, theo lôgic thông thường thì khuôn mặt phải sáng, trẻ, hẳn nhiên nước da là phải trắng. Người đàn bà riu tôm tiếp tục đẩy riu, nước rẽ ra, không sôi sục dữ dội mà chỉ là hai gợn ngọt sớt hai bên mép chiếc riu và một chút bùn khuấy lên đủ để gây ra sự hỗn độn cần thiết. “Được nhiều không?” - sự tịch mịch kích cho câu hỏi của tôi to lên quá mức cần thiết. Người đàn bà đáp: “Ít lắm”.

Chỉ thế, không thêm bất cứ thanh âm nào, ngay cả độ rè biểu cảm cũng chẳng có. Người đàn bà để lại phía sau một vệt đục, và ở vệt đục ấy, bóng chị ta đổ xuống làm thành một vùng lõm thẳm sâu nhưng sống động lạ thường. Tôi hình dung cái bóng trên vùng nước đục của người đàn bà giống như một con cá chuối khổng lồ đang bám sát phía sau và nhăm nhe đớp gọn chị ta. Nghe tôi von ven hỏi làm nghề này lâu chưa, người đàn bà đáp: “Lâu rồi”.

Câu trả lời cụt lủn như trước, một cách miễn cưỡng, thậm chí là lo ngại. Sau đó chị ta đẩy nhanh hơn, như muốn tránh xa sự tò mò của kẻ xa lạ. Khi tôi chào tạm biệt, người đàn bà riu tôm không đáp lại, có thể chị ta không nghe thấy. Nhưng tôi cũng chẳng tự ái mà tặc lưỡi nghĩ chính mình đã là lời đáp lại mình.

Trở lại chốn cũ, chốn cũ không đổi thay, thế nhưng lòng dạ nôn nao, hơi thở chậm lại.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/chon-cu-659736.html