Chơi cây thủy sinh

PNCN - Có tận mắt chứng kiến những hồ thủy sinh nghệ thuật, mới thấu hiểu được công phu của người chơi. Tác phẩm ấy có thể là những khu rừng nguyên sinh chìm sâu trong lòng nước, những vườn hoa theo phong cách cổ điển châu Âu hay một thảm thực vật giữa thiên nhiên…

Các con đường ở TP.HCM như Thành Thái, Bắc Hải, Nguyễn Thông, Cộng Hòa, Phan Xích Long… là những địa chỉ quen thuộc của dân chơi thủy sinh. Cây thủy sinh phổ biến có khoảng hơn 20 loại, như: dương xỉ, trầu bà, rong đuôi chồn, ngô công thảo, cỏ xương, thủy cúc, trân châu lá tròn, rêu cá đẻ, vảy ốc đỏ, hồng liễu, hẹ nước… Những giống cây này thường được bán theo chậu, mỗi chậu khoảng sáu cây, giá từ 14.000đ - 25.000đ/chậu. Trầu bà, dương xỉ có giá cao hơn, từ 50.000đ - 100.000đ/chậu. Đặc biệt có những loại bán theo lá, như dương xỉ nhập từ Brazil có giá 4.000đ - 8.000đ/lá. Hầu hết các cửa hàng đều có dịch vụ trọn gói, từ trang bị hồ, máy lọc nước, các loại cây đến tạo dáng hồ thủy sinh, chăm sóc tại nhà cho khách hàng bận rộn. Giá mỗi hồ dao động từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, tùy theo kích thước, các thiết bị và cây trong hồ. Chăm sóc và bảo dưỡng Khác với thủy canh, cây thủy sinh đòi hỏi người chơi tỉ mỉ và kiên trì hơn. Do đó, bạn nên bắt đầu bằng những cây dễ sống như: rong cúc, cỏ thìa, cỏ xương, hẹ nước, ngưu mao chiên… Nuôi thêm các loại cá như: tỳ bà lùn, bảy màu, hắc bạc, molly vây buồm, lia thia mang đỏ, bống cát… vừa để đa dạng hệ sinh thái vừa giúp vệ sinh hồ, triệt tiêu các loại tảo có hại và thêm nguồn dinh dưỡng cho cây. Những ai ít kinh phí, eo hẹp về thời gian có thể trồng rong đuôi đỏ, đuôi chồn, ráy, tiêu thảo… Đây là những loại cây ưa chuộng của giới văn phòng vì chỉ cần một chậu thủy tinh nhỏ, hai-ba loại cây, vài con cá, bạn đã có thể tạo cho không gian làm việc của mình một sinh khí mới. Thỉnh thoảng bạn nên bón cho cây thêm ít phân nước, song không nên lạm dụng vì sẽ dễ sinh ra các loại rêu, tảo gây hại. Tuy nhiên, do thiếu những điều kiện cần thiết (bộ sục khí, lọc nước, đèn) nên cây chỉ có thể sống khoảng hai tháng. Sau đó, bạn lại phải thay cây mới. Lưu ý, nên thay nước cho hồ thủy sinh từ 10 - 15 ngày/lần. Mỗi lần chỉ một phần ba lượng nước trong hồ. Bạn cần thường xuyên cắt tỉa những phần lá bị hư hay những cây phát triển quá nhanh. Không nên để hồ thủy sinh nơi quá nhiều ánh sáng mặt trời, thắp đèn liên tục hay tùy tiện đặt những con ốc, con sò xinh xinh nhặt được từ biển vì có thể hại đến môi trường thủy sinh. An Hà

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/muasam/2011/Pages/choi-cay-thuy-sinh.aspx