Chợ tiền vùng biên giới ngày giáp Tết

GD&TĐ - Những ngày giáp Tết, việc đổi tiền tại cử khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) có lẽ đã mang lại thu nhập khá cho những người làm nghề.

Những ngày giáp Tết, hoạt động đổi tiền tại khu vực cửa khẩu càng sôi động hơn.

Họ gần như tận dụng hết thời gian trong ngày để thực hiện việc đổi tiền tại khu vực của khẩu, len lỏi vào các nhà hàng, khách sạn, quán ăn…đóng trên khu vực địa bàn để cung cấp dịch vụ đổi tiền đồng Việt Nam sang các loại tiền Kíp (Lào) và Baht (Thái Lan), đôla (Mỹ), Nhân dân tệ (Trung Quốc) thậm chí cả đôla Úc, đôla Singapore và đồng Euro.

Nhộn nhịp cảnh buôn bán tiền

Khung cảnh khu vực thị trấn vùng biên Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) - nơi có cửa khẩu quốc tế Lao Bảo của Việt Nam và cửa khẩu Den Savanh của nước bạn Lào những ngày cận Tết nhộn nhịp và sôi động hẳn lên với các hoạt động giao thương.

Trong cái lạnh giá vùng biên giới, những người làm công việc đổi tiền đã có mặt từ sáng sớm tại khu vực cửa khẩu để bắt đầu một ngày mưu sinh “hái ra tiền” những cũng không kém phần vất vả.

Trong các hàng quán xập xệ, hoạt động đổi tiền được diễn ra một cách sôi động. Chỉ một chiếc bàn nhỏ những có đến 10 – 15 người bao quanh.

Kẻ đứng, người ngồi cùng chụm đầu xuống những chồng tiền đủ loại. Không chỉ đổi tiền tại các vị trí cố định, những người làm nghề còn tỏa đi các khu vực cửa khẩu, đeo bám các xe tải, xe khách và người dân qua lại để mời chào, cung cấp dịch vụ đổi tiền.

Không chỉ vậy, nhiều người làm công việc này vào tận các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, quán nhậu…để thực hiện việc đổi tiền cho những ai có nhu cầu hay thú vui lì xì Tết bằng tiền ngoại tệ.

Ông Lê Văn Tuyên (năm nay 56 tuổi) - một cư dân bản địa cho biết, từ khi Chính phủ cho phép thành lập khu thương mại đặc biệt Lao Bảo thì lượng người và hàng hóa đổ về đây ngày một nhiều hơn. Cũng kể từ đó, chợ tiền xuất hiện và phát triển ở miền đất biên giới này.

Những người làm nghề đổi tiền không chỉ hoạt động tại khu vực cửa khẩu, mà còn len lỏi khắp các khu vực trên địa bàn để mời chào người có nhu cầu.

Hoạt động đổi tiền kể ra sôi động nhất là vào thời điểm cận Tết và sau Tết, khi dòng người lao động Việt Nam từ Lào, Campuchia, Thái Lan đổ về quê ăn Tết. Kéo theo đó, nhu cầu đổi tiền cũng tăng lên.

Cùng với đó là có không ít người từ các nơi trong nước đến các trung tâm thương mại, cửa hàng để sắm Tết cũng có thú vui đổi tiền Việt lấy các loại tiền khác nhau để lì xì Tết như một món quà may mắn đầu năm.

Theo ông Lê Văn Toán – một người có thâm niên làm nghề bóc vác, chở hàng thuê tại khu vực cửa khẩu, ở khu vực cửa khẩu, người dân địa phương gọi những người làm dịch vụ đổi tiền là những người đi xơng tiền. Đa phần họ là những chị em phụ nữ tuổi đời từ 20-50 tuổi. Họ đến với công việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, điểm chung giữa họ là mong muốn tìm kiếm được một công việc để mưa sinh. Mỗi ngày, lượng người qua lại khu vực cửa khẩu càng đông, nhu cầu đổi tiền càng lớn nên số lượng người làm công việc đổi tiền ngày càng nhiều lên.

Đến nay, ở khu vực này đã có hơn một trăm chị em tập trung lại quanh khu vực cửa khẩu để chờ khách buôn bán, quá cảnh, khách du lịch qua Lào, Thái Lan để mời chào đổi tiền.

Những ngày cận Tết, họ còn làm dịch vụ bán các loại tiền Kíp, Baht, đôla, Nhân dân tệ còn mới, có mệnh giá thấp cho khách du lịch làm quà lưu niệm, quà lì xì.

Khu vực diễn ra các hoạt động đổi tiền tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị).

Nhọc nhằn mưu sinh

Chị Trương Minh Nguyệt nhà ở thị trấn Lao Bảo là một trong số những người có thâm niên làm dịch vụ đổi tiền tại cửa khẩu biên giới Việt - Lào chia sẻ: Làm công việc đổi tiền ở đây vất vả lắm, từ sáng sớm đã phải có mặt ở khu vực cửa khẩu, rồi cứ theo lệ bất thành văn nhóm nào ở vị trí nào thì ngồi chờ khách ở vị trí đó.

Nhưng có lẽ vất vả, khó nhọc hơn vẫn là những chị em mới vào nghề, không có vị trí ngồi cố định, ít mối lại nên phải chạy khắp các nơi để mời chào khách. Không chạy thì không bắt được khách đổi tiền, mua tiền. Nhiều khi đứng giải thích để khách hiểu giá trị các loại tiền Lào, Thái chênh lệch với tiền Việt bao nhiêu...mà vẫn không đổi được đồng nào.

Thấy tôi đưa máy ảnh chụp lại những hoạt động đổi tiền, chị Thanh – một người làm công việc này tỏ ra không mấy hài lòng nên đi đến phản ứng bằng việc giải thích rành mạch công việc đổi tiền của mình.

Chị bảo: Nhiều người bảo làm việc gì liên quan đến tiền bạc thì hay nảy sinh mâu thuẫn, giành giật, kình địch nhau. Nhưng công việc đổi tiền ở đây lại khác.

Những người làm nghề này đều cùng chung nhau “cái khổ”, có lẽ vì vậy mà chị em làm ăn ở đây khá đoàn kết, thống nhất với nhau. Tuy làm ăn theo mô hình cá thể, nhưng tuyệt nhiên ở chợ tiền này không hề có việc tranh khách hàng của nhau. Ngày đắt khách kiếm được khoảng 200.000 - 300.000 nghìn đồng. Ngày Tết có thể cao hơn.

Có những người vốn lớn, tìm được những mối đổi tiền nhiều, thu nhập có khá hơn. Nhưng cũng có không ít người phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí phải vay nóng mới đủ vốn để hành nghề kiếm cơm qua ngày.

Được biết hầu hết những người phụ nữ làm nghề đổi tiền ở vùng cửa khẩu trước kia đều là dân làm nông nghiệp, gia cảnh đa phần nhọc nhằn, túng bấn. Họ miệt mài kiếm sống và khao khát con em được học hành đến nơi, đến chốn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cho-tien-vung-bien-gioi-ngay-giap-tet-1636190-c.html