Chợ online

TP - Công việc bận rộn, nhiều người từ bỏ thói quen mua sắm truyền thống để đi chợ điện tử. Chỉ một click chuột, thượng đế gom đầy giỏ từ quần áo, túi xách, mỹ phẩm đến đồ gia dụng thậm chí cả bữa đêm. Nhiều người trẻ đã tận dụng xu hướng này để mua sắm lẫn kinh doanh.

Quỳnh Thơ thường mặc đẹp, chụp ảnh để hút khách online.

Dò dẫm tìm đường đi

Tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn năm 2008, chị Nguyễn Quỳnh Thơ quê ở Nghệ An vào thử việc tại một cơ quan với thu nhập 6 triệu đồng/ tháng. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, không trang trải đủ cho cuộc sống, năm 2009 chị Thơ quyết định ra ngoài kinh doanh thời trang online với số vốn ban đầu vẻn vẹn 5 triệu đồng. “Cơ sở vật chất” khi đó chỉ là 4 cái sào vắt ngang treo váy áo trong căn phòng trọ. Để tiếp cận khách hàng, chị chịu khó làm mẫu từng bộ váy lên người và chụp ảnh đăng quảng cáo để bán ở các trang mạng xã hội như enbac, facebook... Sau 5 năm kinh doanh, có trong tay một số vốn liếng không hề nhỏ, Quỳnh Thơ vẫn quyết định đầu tư bán hàng online vì lượng khách ổn định lên tới gần nghìn lượt giao dịch /tháng, với lợi nhuận lên tới gần 100 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bán hàng online để được khách hàng tin tưởng và lựa chọn lại là một quá trình gây dựng thương hiệu, niềm tin không hề dễ dàng. Chị Thơ trải lòng: “Do chưa có kinh nghiệm nên “đánh” lô hàng đầu tiên cũng qua chợ điện tử, chị đã bị lừa một vố đau. Các sản phẩm thu về như một mớ giẻ lộn, khác xa với hình ảnh long lanh trên website”.

Theo chị Thơ, mặt hàng thời trang có hàng chục nghìn đối thủ cạnh tranh nên lựa chọn được hướng đi cho riêng mình mới thành công. Chị Thơ nhớ lại, hồi đầu, khi kinh doanh thời trang online tại Hà Nội, chị không bán tràn lan các mặt hàng mà chọn đối tượng là những cô gái trẻ, thích đi bar, tiệc tùng để bán những bộ váy áo ôm sát cơ thể quyến rũ, nổi bật. Những khách hàng này cũng thường thuộc diện có tiền nên sẵn sàng vung tay cho 3-5 sản phẩm cùng lúc. Chị thường lặn lội sang Quảng Châu (Trung Quốc) lựa những mẫu hàng mới nhất. Chỉ sau một năm kinh doanh, mỗi tháng Quỳnh Thơ thu về khoảng 20 triệu đồng, mức thu nhập mơ ước của nhiều bạn cùng lứa chị khi đó.

Năm 2013, Thơ quyết định mở rộng hướng kinh doanh bằng việc mở một xưởng may cho riêng mình với 6 thợ may theo mẫu khách hàng đặt nhằm nâng chất lượng sản phẩm và vẫn chỉ bán online. Lăn lộn với thương trường, Thơ phát hiện ra thế giới váy bầu của phụ nữ quá nghèo nàn về mẫu mã. Chị chuyển hướng kinh doanh, quyết tìm những thiết kế trẻ trung, hiện đại, không đụng hàng. Khi đó, tiếng lành đồn xa, lượng khách tìm đến shop online của Thơ ngày một nhiều. Hiện, trung bình mỗi ngày chị có khoảng 30 đơn hàng mua thực; tư vấn, trả lời cho hàng trăm khách hàng tìm hiểu thông tin. Ngày nào, bà chủ nhỏ của shop cũng phải thức đến 1-2 giờ mới hoàn thành nhiệm vụ của một ngày.

Nghe “thượng Đế” chửi giữa đêm

Chị Quỳnh Thơ kể, có những khách không ước lượng được sản phẩm do mẫu ma - nơ - canh cao 1,7m với ba vòng chuẩn khoác lên người sẽ có sự khác biệt so với mình nên quay ra chửi bới. “Không hiếm lần 12 giờ đêm vẫn bị khách gọi điện chửi một tràng và đổ tội lừa đảo. Lúc đó, mình không lờ đi mà kiên nhẫn giải thích và đổi hàng nếu khách mong muốn. Có khách khó tính đổi đến lần thứ 3 mới hài lòng” - chị Thơ tâm sự.

Chuyện kinh doanh qua mạng cũng gặp không ít rủi ro. Nguyễn Thị Bích Hằng ở Khu tập thể ĐH Tổng hợp, Thanh Xuân (Hà Nội) kinh doanh mỹ phẩm chia sẻ: “Việc bị bùng đơn hàng là chuyện thường”. Nhiều khách đặt hàng nhưng khi nhân viên giao hàng đến nơi lại tắt máy hoặc tìm mọi lý do để từ chối nhận hàng. Cũng theo Hằng, bán hàng qua mạng nghĩa là khách hàng ở mọi nơi, kể cả nước ngoài. Vì thế, chủ hàng phải áp dụng hình thức bán hàng COD (nghĩa là giao hàng rồi mới trả tiền, bưu điện sẽ thu hộ đến cuối tháng mới quyết toán). Vì vậy, gặp những đơn hàng ảo, chủ shop vừa phải chịu tiền vận chuyển 2 lần vừa phải chịu hàng tồn. Khi nhận lại hàng có khi sản phẩm đã hư hỏng.

Bán hàng online tuy gặp nhiều sự cố nhưng đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ do chủ hàng không phải mất chi phí đầu tư cho cửa hàng. Với riêng việc bán mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng từ các thị trường như Pháp, Mỹ…chị Hằng thu nhập không dưới 50 triệu đồng/tháng.

Bí quyết, theo chị Hằng, để thành công, mỗi người cần phải có một khả năng của riêng mình. Muốn kinh doanh cái gì cũng phải hiểu biết rõ về sản phẩm đó và cách sử dụng cũng như các vấn đề có thể xảy ra. Ví như với mỹ phẩm cần test thử để đảm bảo không dị ứng, phải thành thật tư vấn với khách. Nếu không, khi khách không hài lòng, họ sẵn sàng lên các diễn đàn, hội mua sắm để tố cáo, dìm shop… “Cộng đồng mạng là thế giới phẳng có tốc độ lan truyền khủng nên chỉ vì một thông tin xấu, chủ kinh doanh sẽ bị thiệt đầu tiên”, Hằng nói.

Mua sắm xuyên biên giới

Theo một chuyên gia kinh tế, giới trẻ Việt tiếp cận phương thức đi chợ trực tuyến chưa lâu nhưng đã chuyển mình nhanh chóng, hàng triệu người hiện đã có thói quen lướt website, tìm hiểu các thông số sản phẩm, so sánh giá qua các trang mạng điện tử để mua nhiều sản phẩm ở nước ngoài.

Đóng gói hàng hóa để gửi đến tận nhà cho khách. Ảnh: Nguyễn Hà

Theo những tín đồ sành mua, hàng hóa ở thị trường các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản…khiến họ yên tâm về chất lượng. Chỉ cần có thẻ thanh toán quốc tế, khách có thể mua bất kỳ sản phẩm nào, phương thức vận chuyển hàng hóa về Việt Nam hiện cũng khá dễ dàng. Một phương thức đang được các bạn trẻ khá ưa chuộng hiện nay là mua hàng trên các website châu Âu qua một đại diện trung gian. Người đại diện đứng ra gom hàng, chịu trách nhiệm đặt hàng, gửi tận tay người tiêu dùng khi 100% giá trị tiền hàng được chuyển trước vào tài khoản.

Nguyễn Trần Tâm Giao, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, chỉ cần chịu khó “săn” sẽ mua được những sản phẩm có chất lượng mà giá cả lại mềm nhờ những đợt sale lên tới 80% của các hãng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng ở Mỹ, Pháp.

Từ ngày có em bé, Tâm Giao càng kỹ tính trong việc tìm mua quần áo, bỉm sữa, thuốc…cho con. “Sữa, bỉm ở các nước tiên tiến rất rẻ nhưng để cưỡi máy bay về đến Việt Nam sản phẩm đội giá lên gấp nhiều lần mà vẫn phải chịu”, chị Tâm Giao nói.

Ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cho rằng, mua sắm online là xu hướng tất yếu. Điều này xuất phát từ thực tế con người ngày càng bận rộn, không có nhiều thời gian mua sắm kiểu dạo chơi truyền thống. Hơn nữa, các loại thẻ thanh toán tiện ích trở thành công cụ hỗ trợ cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp thuận lợi hơn trong giao dịch. Cũng theo ông Hùng, người tiêu dùng sẽ biết lựa chọn sản phẩm dựa trên uy tín của chủ doanh nghiệp vì thế những người kinh doanh chụp giật sẽ bị bỏ rơi.

Theo khảo sát mới nhất về mua sắm trực tuyến của Master Card, tỷ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến năm 2015 tăng 68,4% lên hơn 80%, đạt mức gia tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phụ nữ từ 35-44 tuổi được cho là đối tượng mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Việt Nam cũng đã có ngày hội mua sắm trực tuyến thu hút hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia với hàng triệu lượt giao dịch diễn ra trong ngày.

Đóng gói hàng hóa để gửi đến tận nhà cho khách. Ảnh: Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/cho-online-968517.tpo