Chờ mong “Ni cô Đàm Vân” sống lại

Tác giả Học Phi (ở giữa) cùng với giám đốc Nhà hát chèo VN Hà Quốc Minh (trái), đạo diễn Ngọc Minh (phải) đang thống nhất về cách dàn dựng vở.

Đây là công trình nghệ thuật do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức.

Kịch bản Ni cô Đàm Vân của tác giả Học Phi - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996 - đã từng được hơn một chục đơn vị dựng vào những năm 70 của thế kỷ 20 là một trong những vở tiêu biểu về đề tài hiện đại trên sân khấu chèo.

Ni cô Đàm Vân khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cộng sản không chỉ ở góc độ hoạt động cách mạng mà còn diễn tả được đời sống nội tâm, tình cảm của họ trong các mối quan hệ.

Tác giả chuyển thể Trần Đình Ngôn – người chuyển thể kịch bản Ni cô Đàm Vân cho biết, ông chuyển thể vở kịch từ năm 1976 khi đó mới 34 tuổi, nhà văn Học Phi 64 tuổi. Hai người đã làm việc vô cùng nghiêm túc và công phu. Khi vở được dựng trên sân khấu của Đoàn chèo Hải Phòng, nghệ sĩ Học Phi đã về nhiều ngày theo dõi và đóng góp tỉ mỉ từng chi tiết, đặc biệt với vốn sống của người chiến sĩ cộng sản. Cụ là một người rất nghiêm khắc và đòi hỏi vở phải đạt được sự chân thực trong lịch sử và cả trong các tình tiết, nhân vật.

Tác giả Trần Đình Ngôn cho rằng thành công của Ni cô Đàm Vân chính là ở sự kết hợp khéo léo giữa các yếu tố tự sự của chèo truyền thống, tổ chức xung đột kịch và đậm chất trữ tình. Cách đây vài năm, Đoàn chèo Thái Bình và Đoàn chèo Bắc Giang đã phục dựng lại vở và đã biểu diễn rất ăn khách. Thể hiện hình ảnh người chiến sĩ cách mạng một cách uyển chuyển, khéo léo đó là lý do khiến kịch bản khi diễn lại trong giai đoạn hôm nay vẫn rất hấp dẫn.

Thành phần sáng tạo vở đều là những người mới, lần đầu tiên tham gia dàn dựng và diễn xuất vở này, đó là: Đạo diễn Ngọc Minh, nhạc sĩ Hạnh Nhân, họa sĩ Doãn Bằng và các nghệ sĩ : Hương Dịu, Tuấn Tài... Vai chính xuyên suốt toàn bộ vở, Ni cô Đàm Vân được giao cho nữ diên viên trẻ Hà Thảo.

Tại lễ khai trương dựng vở, Nhà văn Chu Lai - người con thứ 9 của nhà văn Học Phi cho biết, cụ yếu đã ba, bốn năm nay, nhưng mỗi lần đến thăm bố, ông đều kinh ngạc thấy cụ vẫn ngồi trên xe lăn và viết. Cụ vừa hoàn thành một cuốn tiểu thuyết và lao động không ngừng ấy như sợi dây nối cụ với cuộc đời.

Nhà văn Chu Lai cũng kỳ vọng, vở chèo được dựng lại sẽ là yếu tố cân bằng về tâm linh đem lại niềm vui sống thêm cho nhà viết kịch Học Phi.

Nhà viết kịch Học Phi hiện đang bị bệnh thoái hóa cột sống phải đi bằng xe lăn cho biết, ông rất vui khi nhận được tin vở của mình sẽ được dàn dựng. Đạo diễn Ngọc Minh, người sẽ dàn dựng vở và NSƯT Hà Quốc Minh, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã tới tận nhà nghệ sĩ Học Phi xin phép dàn dựng và thống nhất cách thức dàn dựng cho vở.

Trả lời phỏng vấn, nhà văn Học Phi cho biết: “Tôi rất thích cách làm của Nhà hát Chèo Việt Nam khi tới xin phép và thống nhất cách dàn dựng. Trước có một số vở của tôi được dàn dựng, nhưng dựng xong tôi mới được thông báo, kết quả là có vở diễn đã dựng lại trái với ý đồ của tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Tôi hoàn toàn tin tưởng và giao kịch bản cho đạo diễn Ngọc Minh dàn dựng. Tôi sẽ tới xem khi vở được chạy đường dây vào cuối tháng 8.2012 này”.

Nhà văn Học Phi có 10 người con thì 8 người đã rời bỏ cha mình về cõi vĩnh hằng…

100 năm tuổi là một mốc quan trọng và vô cùng ý nghĩa với một đời người. Mặc dù bệnh tật nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. NSUT Hà Quốc Minh, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam quyết tâm sẽ làm tốt vở diễn để làm món quà tôn vinh, tri ân những công lao đóng góp cho nền sân khấu nước nhà của cụ Học Phi, đồng thời tin rằng, vở diễn khi công diễn sẽ tạo sức hấp dẫn đối với người xem”.

Đông đảo đồng nghiệp đều mong muốn nhà viết kịch Học Phi sẽ khỏe mạnh đề tiếp tục truyền tiếp những kinh nghiệm quý báu của ông cho các thế hệ nghệ sĩ kế tiếp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/dong-chay/ch-mong-ni-co-am-van-s-ng-l-i-1.361381