Chợ đầu mối phía Nam - Nơi trung chuyển hàng nông sản cho Hà Nội

Ngày 31/8 tới, sau khi được Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cải tạo nâng cấp giai đoạn I, chợ đầu mối phía Nam sẽ chính thức được khai trương hoạt động trở lại. Việc chợ được nâng cấp cải tạo góp phần giải quyết việc thiếu địa điểm trung chuyển hàng nông sản cho Hà Nội.

Chợ đầu mối phía Nam hoàn thành cải tạo sẽ sẽ góp phần giải tỏa các điểm sang mạn hàng hóa tự phát. CôngThương - Cải tạo nâng cấp thành chợ đầu mối văn minh hiện đại Chợ đầu mối phía Nam đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2002, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng không đồng bộ so với yêu cầu của chợ đầu mối có phương thức kinh doanh chủ yếu là xe sang mạn. Tổng diện tích của chợ chỉ có 21.000m2, nhưng diện tích dành cho các kiot buôn bán chỉ có 5.900m2 với 120 kiot, chiếm 28% tổng diện tích chợ; diện tích bãi đỗ xe chỉ có 2.500m2 chiếm 12%; diện tích sân, đường nội bộ chiếm đến 5.500m2 (26,2%). Từ tháng 8/2002, để giảm ùn tắc giao thông tại ngã tư chợ Mơ, UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo chợ bố trí kinh doanh cho hơn 600 hộ kinh doanh rau đêm với diện tích gần 3.000m2, gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích bãi đỗ xe sang mạn hàng hóa vận chuyển về chợ. Để đảm bảo diện tích cho chợ đầu mối, năm 2008, UBNDTP đã quyết định giao diện tích điểm đỗ xe công cộng Đền Lừ (bến Kim Ngưu I) có diện tích 21.700m2 để hợp khối với chợ đầu mối phía Nam. Ngay sau khi tiếp nhận chợ (năm 2007) và bến Kim Ngưu I (2008), Hapro đã nhanh chóng đầu tư cải tạo tổng, mở rộng diện tích bãi đỗ xe sang mạn hàng hóa. Đến nay, Hapro đã cải tạo hoàn chỉnh bãi đỗ xe sang mạn diện tích 11.000m2, đáp ứng được 400 xe ô tô vận chuyển hàng hóa các loại, trong đó có 250 xe có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên ra vào chợ trung chuyển hàng hóa. Cùng với việc tổ chức lại đường giao thông nội bộ thông thoáng; Hapro đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống dịch vụ công cộng như xây mới hệ thống nhà tắm, cải tạo sửa chữa nâng cấp khu nhà vệ sinh công cộng… đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn người kinh doanh buôn bán tại chợ. Để khuyến khích các hộ đăng ký kinh doanh tại chợ đầu mối, ông Nguyễn Hữu Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)- cho biết, Hapro cố gắng tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, từ đó kích thích, thu hút các hộ kinh doanh về hoạt động tại chợ, như: đa dạng hóa các dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, trông giữ hàng hóa, điện nước, vệ sinh. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện giảm trừ 1 tháng tiền thuê mặt bằng đối với các hộ kinh doanh tại một số kiot mới xây dựng thuộc các khu E, G, H; xây dựng cơ chế giá cho thuê mặt bằng và các dịch vụ phụ trợ với mức giá hợp lý, giảm 50% kinh phí thuê diện tích kinh doanh hàng tháng tại khu D cho các hộ kinh doanh thuộc diện gia đình chính sách; ưu đãi về mức phí đối với các xe ra vào bốc dỡ hàng hóa; cung cấp dịch vụ điện nước nhanh chóng cho các hộ kinh doanh… Nơi trung chuyển hàng nông sản cho Hà Nội- giảm tải giao thông nội đô Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc kinh doanh bán buôn trung chuyển nông thổ sản, hoa quả tập trung vào các chợ đầu mối: Long Biên (quận Ba Đình), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy)… Hàng hóa hoa quả nông sản theo mùa vụ về Hà Nội từ 3 nguồn chính: các tỉnh Nam Bộ, hàng nhập khẩu từ Thái lan qua cửa khẩu ChaLo ( tỉnh quảng Bình) và từ Trung Quốc, chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Hiện mỗi ngày có khoảng 600 xe ô tô các loại vận chuyển hàng nông sản, hoa quả cung cấp cho Hà Nội, trong khi chợ đầu mối phía Nam mặc dù đã được nâng cấp giai đoạn I cũng chỉ có thể đáp ứng được 400 xe ô tô các loại. Chính vì vậy mà hiện nay trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động một số điểm sang mạn hàng hóa nông sản tự phát như bãi Phà Đen, dốc Vĩnh Tuy và dọc theo cơ đê đường Hồng Hà… Việc thiếu địa điểm trung chuyển hàng nông sản, hoa quả đã khiến chợ Long Biên diện tích chỉ có 2,7ha nằm ở trung tâm thành phố đã được quy hoạch là chợ dân sinh nhưng đang phải gánh trách nhiệm là chợ đầu mối nông sản, hoa quả cho Hà Nội, gây ra rất nhiều bất cập về văn minh, trật tự, an toàn giao thông đô thị… Ông Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng nông sản hóa quả tại Hà Nội, việc nâng cấp mở rộng chợ đầu mối phía Nam giai đoạn II là hết sức cần thiết. Ông Thắng bật mí, trong giai đoạn II, chợ sẽ được mở rộng thêm 3 ha, đưa tổng diện tích chợ đầu mối lên 7ha. Bên cạnh việc cải tạo nâng cấp mặt bằng diện tích kinh doanh vốn có, đơn vị còn xây mới 150-170 kiot với tổng diện tích 5.000m2, xây thêm 30.000m2 bãi đỗ xe sang mạn…. Dự kiến việc đầu tư nâng cấp sẽ hoàn thành trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (10-10-2010). Bà Nguyễn Thị Như Mai (Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội) khẳng định, hoàn thành việc nâng cấp chợ đầu mối phía Nam sẽ góp phần giải tỏa các điểm sang mạn hàng hóa tự phát. Lúc đó chợ Long Biên sẽ thành chợ dân sinh bán lẻ nông sản thực phẩm, không phải gánh trách nhiệm là chợ đầu mối như hiện nay, góp phần giảm tải giao thông của Hà Nội, tạo diện mạo văn minh hiện đại cho Thủ đô. Kim Liên Chợ đầu mối phía Nam hoàn thành cải tạo sẽ sẽ góp phần giải tỏa các điểm sang mạn hàng hóa tự phát.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/chuyen-dong-cong-thuong/cho-dau-moi-phia-nam-noi-trung-chuyen-hang-nong-san-cho-ha-noi/32/0/20373.star