Chợ Bình Điền ô nhiễm từng đêm !

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì quá tải lượng nước thải

Ngày 27-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) về tình hình ô nhiễm tại chợ đầu mối Bình Điền. Xử lý nước thải: Tạm! Theo quy hoạch được phê duyệt, chợ đầu mối Bình Điền có một hệ thống xử lý nước thải với công suất 2.500 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư là 27,7 tỉ đồng, tuy nhiên đến nay hệ thống này vẫn còn nằm trên giấy. Sự chậm trễ này được ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc SATRA (cơ quan chủ quản của chợ Bình Điền), lý giải: “Công trình đã được Sở Tài nguyên-Môi trường phê duyệt thì có sự thay đổi về tiêu chuẩn chất lượng nước thải từ loại B TCVN 6772-1995 sang mức 1 TCVN 6772-2000, rồi lại chuyển sang quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT. Mỗi lần thay đổi như thế, chúng tôi phải sửa lại toàn bộ thiết kế nên kéo dài thời gian thực hiện”. Hiện SATRA vẫn đang chờ ý kiến thẩm định về nguồn trả nợ vay của dự án từ phía ngân hàng, trình cho Sở Tài nguyên – Môi trường để hoàn tất báo cáo thẩm định, trình duyệt điều chỉnh dự án. “SATRA không thiếu tiền, cản trở lớn nhất của chúng tôi là thủ tục hành chính. Một thủ tục hành chính được phê duyệt dài gấp đôi thời gian thi công dự án”- ông Bắc than. Tháng 10- 2008, Cảnh sát Môi trường TPHCM đã bắt quả tang vụ xả nước bẩn ra sông Chợ Đệm tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Tr.Thanh Hiện nay, toàn bộ nước thải của chợ Bình Điền đều tập trung vào một trạm xử lý tạm có công suất 400 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tổng lượng nước thải của chợ hiện đã lên đến con số 1.500 - 2.000 m3/ngày đêm, lại tập trung xả dồn dập vào ban đêm nên trạm xử lý tạm này bị quá tải. Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, ông Hồ Phước Hải, trần tình: Quả thật lãnh đạo công ty và đơn vị tư vấn thiết kế cũng không ngờ được rằng lượng nước thải lại lớn đến như vậy. Để khắc phục, SATRA đã được UBND TP cho phép nâng cấp và mở rộng trạm xử lý này lên công suất 1.000 m3/ngày đêm. Trong khi chờ nâng cấp, để giảm tải cho trạm tạm, SATRA đầu tư bể thu gom nước thải 1.000 m3 để tập trung nước “ít dơ hơn”, xử lý cục bộ rồi thải ra sông. Thế nhưng bể thu này cũng chưa hoàn thành. Các chỉ số ô nhiễm đều vượt ngưỡng Đại biểu HĐND TPHCM Lê Thượng Mãn cung cấp cho đoàn làm việc một số chỉ tiêu từ nguồn nước thải ở chợ Bình Điền: nồng độ COD là 3.000 mg/lít (vượt giới hạn cho phép 37 lần), BOD là 1.750 mg/lít (vượt 35 lần), coliform là 240 mg/lít, trong khi quy định coliform phải bằng 0. “Tôi cho rằng SATRA chưa quan tâm lắm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Một chợ đầu mối lớn của TP, mang tầm khu vực phía Nam, lẽ ra SATRA phải tính được lượng chất thải và đầu tư ngay lúc đầu chứ không chỉ làm tạm bợ để quá tải như hôm nay. Với những số liệu trên, làm một bài toán đơn giản với mức 300 đồng/kg COD hay BOD thải ra môi trường thì chi phí bảo vệ môi trường mà SATRA phải đóng là 4,715 tỉ đồng. Nếu thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp xả thải vượt chuẩn cho phép ba lần sẽ bị cảnh cáo đóng cửa, chưa kể nước thải chợ đầu mối Bình Điền vượt chuẩn đến mấy chục lần”- ông Mãn phát biểu. Còn đại biểu Lê Văn Trung đề nghị SATRA phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trong chợ để phục vụ nhu cầu kinh doanh cho tiểu thương. Đây là chợ có 50% vốn ngân sách, phải lấy lợi ích người tiêu dùng, tiểu thương làm trọng chứ không chỉ nhắm vào lợi ích doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, yêu cầu SATRA phải chính thức đánh giá lại công tác bảo vệ môi trường cũng như các giải pháp khắc phục của chợ Bình Điền nói riêng và các doanh nghiệp, dự án thuộc SATRA nói chung. Nước thải lênh láng ra đường ! Theo lãnh đạo SATRA, một khó khăn trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải là tiêu chuẩn về độ mặn, để xử lý độ mặn trong nước thải cần 6 ha để phơi muối với chi phí xử lý 150 triệu đồng/ngày. Vả lại, nước sông Chợ Đệm đã mặn sẵn, nếu xử lý rồi lại đổ ra sông thì có ý nghĩa gì đâu. Do đó quy định này rất vô lý! Tuy nhiên, đại diện Sở Tài nguyên-Môi trường phản biện: Nếu độ mặn cao quá thì vi sinh không thể sống nổi, từ đó dẫn đến chất lượng nguồn nước xả ra cũng không bảo đảm. Vậy, không thể nói chỉ cần xử lý các yếu tố khác mà bỏ qua độ mặn. Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên-Môi trường, qua nhiều lần kiểm tra chợ đầu mối Bình Điền thấy nước thải tràn ra đường lênh láng. Đó là vào ban ngày, còn ban đêm thì không biết nhiều đến cỡ nào!?

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20091027111056874p0c1077/cho-binh-dien-o-nhiem-tung-dem-.htm