Chính sách hưởng trợ cấp con bệnh binh khi đi học

“Tôi muốn được Góc tư vấn pháp luật của Hộp thư truyền hình tư vấn về việc hưởng trợ cấp con bệnh binh khi học đại học liên thông?” (Phạm Hùng Dũng).

Ảnh minh họa Bạn Phạm Hùng Dũng, sinh năm 1984 gửi thư về Hộp thư truyền hình: “Trước đây tôi học tại trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp tại Nam Định và đã tốt nghiệp. Sau 1 năm đi làm tôi mới thi, học tiếp liên thông Đại học hệ chính quy và hiện tại đang học liên thông tại trường Đại học kinh tế kỹ thuật công nghiệp. Tôi là con người hưởng chính sách bệnh binh bị mất sức lao động 61%. Vậy sau khi học 1 năm, tôi có được hưởng chế độ trợ cấp của Bộ Lao động thương binh và xã hội đối với con thương, bệnh binh không? Hiện tại tỉnh của tôi không giải quyết với lý do là tôi học liên thông không liên tục trong khi các bạn khác trong lớp vẫn được nhận. Vậy việc tôi học liên thông sau khi gián đoạn 1 năm như vậy thì có được hưởng trợ cấp hay không?”. Về việc này luật sư Trịnh Cẩm Bình tư vấn như sau: Theo quy định tại Khoản 1, 2 Mục I Thông tư số 16/TTLT/ BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 20/11/2006 hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ thì con của thương binh, bệnh binh theo học hệ chính quy tập trung có khóa học từ một năm trở lên tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng... học liên tục lên trình độ đào tạo cao hơn gồm trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học sẽ được hưởng chế độ ưu đãi gồm miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, tại Thông tư số 29/2010/TTLT-BGD-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí... đối với cơ sở giáo dục từ 2010-2011 đến 2014-2015 thì con thương binh, bệnh binh được miễn học phí mà không quy định cụ thể việc học liên thông cần liên tục hay không. Vì vậy, bạn Dũng thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi gồm miễn, giảm học phí dành cho con thương binh, bệnh binh. Vậy cần phải làm thủ tục gì để được nhận trợ cấp? Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGD-BTC-BLĐTBXH nêu trên là những văn bản QFPL được ban hành sau Thông tư liên tịch số 16/TTLT/BLĐTBXH-BGDĐT-BTC nên sẽ có giá trị thi hành cao hơn. Theo quy định này, sinh viên thuộc diện được miễn học phí cần làm hồ sơ gửi đến Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện để được cấp bù học phí. Hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp tiền miễn học phí có xác nhận của nhà trường và giấy xác nhận đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Như vậy, bạn Dũng có thể liên hệ với nhà trường, đề nghị xác nhận đơn đề nghị được miễn học phí và nộp hồ sơ tới Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện để đề nghị được cấp bù học phí theo quy định trên. Trong trường hợp bạn Dũng làm hồ sơ rồi mà địa phương vẫn từ chối vì bạn Dũng học liên thông không liên tục, bạn Dũng có thể làm đơn khiếu nại gửi Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi bạn cư trú để yêu cầu giải quyết. Trường hợp, Phòng Lao động thương binh xã hội vẫn từ chối giải quyết thì bạn có thể làm đơn khiếu nại tiếp theo lên Sở lao động thương binh xã hội tỉnh. Chương trình Hộp thư truyền hình được phát sóng vào lúc 15h30 Chủ nhật trên kênh VTV1. Mời các bạn đón xem! Các tin bài liên quan: Pháp luật có cho phép đổi tên họ không? Di dời mồ mả để thực hiện dự án kinh tế xã hội Phân chia tài sản khi ly hôn Thắc mắc nộp thuế khi chuyển nhượng BĐS Tác giả : Trường Thanh Ý kiến bạn đọc (0)

Nguồn VTV: http://vtv.vn/article/get/chinh-sach-huong-tro-cap-con-benh-binh-khi-di-hoc--f06b2cf499.html