Chính sách dân tộc vùng Tây Nguyên: KT-XH phát triển, đời sống nâng cao

Tại Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày được cải thiện, diện mạo chung của cả vùng ngày một khởi sắc.

Đổi thay nhờ chính sách đúng

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương thông qua các chương trình, chính sách... công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn đã được đẩy mạnh với nhiều giải pháp, nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, như: Phát triển cao su tiểu điền, tăng cường khuyến nông - lâm, đưa giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất tại các buôn, làng. Thực hiện giao đất, giao rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn.

Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Bảo Lâm ((Lâm Đồng)) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Từ đó đã góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng buớc được cải thiện; trình độ dân trí của đồng bào từng bước được nâng lên, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đưa năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su...), tạo thu nhập cho gia đình và cộng đồng ngày càng cao (bình quân thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm dần; ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng.

Anh Y Thi Mlô, buôn Choăh, xã Dliê Yang, huyện Ea H’Leo tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhờ có Đảng, Chính phủ mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở các buôn làng không những không còn đói cơm, nhạt muối mà đã được ăn no, ăn ngon, mặc ấm, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng, ốm đau bệnh tật đều được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc”… Gia đình anh Y Thi Mlô trước đây rất nghèo, sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng gia đình anh đã nỗ lực lao động, học tập những gương sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Hiện ở Đắk Lắk 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 95% số thôn, buôn và trên 97% hộ được dùng điện sinh hoạt, 100% số xã có trạm y tế, 100% thôn, buôn có đảng viên, có tổ chức cơ sở đảng…

Nhờ vậy, gia đình anh đã từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. Gia đình anh đã chuyển trên 4 ha đất nương rẫy gieo trồng cây lúa cạn, ngô kém hiệu quả kinh tế sang trồng cà phê kết hợp với việc làm chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm; bình quân mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu được từ 200 triệu đồng trở lên. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Y Thi Mlô còn tự nguyện giúp đỡ hàng chục hộ quanh vùng về vốn, giống sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm để đồng bào có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Trong 5 năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần cải thiện đời sống của đồng bào, mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Bình quân mỗi năm Đắk Lắk giảm 3% số hộ nghèo (trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4 - 5%). Cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư có hướng chuyển dịch tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được nâng cao...

Ưu tiên phát triển nguồn lực

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên là vùng có tốc độ tăng dân số và biến động về cơ cấu dân cư nhanh nhất so với các khu vực khác trong cả nước. Sự gia tăng dân số cơ học một phần do luồng dân di cư từ các vùng miền đến sinh sống (cả di cư tự do và theo kế hoạch của Nhà nước), từ sau năm 1976 đến nay có hơn 188.000 hộ, trong đó có 166.000 hộ đã ổn định đời sống (cả tự túc và kết hợp chính sách của Nhà nước). Hiện nay còn hơn 23.000 hộ (chủ yếu dân di cư tự do) còn sinh sống phân tán cần tiếp tục đưa vào quy hoạch ổn định dân cư của Nhà nước.

Như vậy, Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa với nhiều nét văn hóa đặc trưng, mang sắc thái của nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Các DTTS ở Tây Nguyên có bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo, là nơi lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội văn hóa và một kho tàng văn học dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những di sản nổi tiếng là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một số dân tộc như Ê đê, Ja rai đã có bộ chữ viết và là bộ chữ DTTS ra đời sớm nhất ở nước ta.

Nhìn chung, sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện hơn, đại bộ phận đồng bào DTTS luôn tin tưởng, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng, tâm trạng của đồng bào được ổn định. Hoạt động của các thế lực thù địch đều được ta phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng DTTS và vùng nông thôn cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, do điểm xuất phát thấp và điều kiện tự nhiên, địa hình miền núi hiểm trở, đất đai rộng lớn nhưng bị chia cắt phân tán, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết biến đổi thất thường gây rủi ro bất lợi cho sản xuất nông nghiệp; phần lớn đồng bào DTTS sinh sống tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trình độ sản xuất, khả năng nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật lạc hậu, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm.

Mặt khác, do phong tục tập quán, thói quen trong đời sống sản xuất, đại bộ phận đồng bào DTTS mang nặng tâm lý thụ động, thỏa mãn với cuộc sống hiện tại, do đó nhiều chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai nhưng chỉ mang tính hỗ trợ ban đầu, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ về vốn, thị trường, tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ xã hội khác nên nhìn chung sản xuất, đời sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn nữa, việc tổ chức sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giải quyết việc làm còn nhiều hạn chế; việc bảo đảm không gian sinh sống cho các buôn, làng của đồng bào DTTS để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc còn bất cập. Các thế lực thù địch, phản động luôn âm mưu thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ; chúng tăng cường sử dụng các trang mạng xã hội kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong trí thức, học sinh, sinh viên người DTTS...

Do đó, trong thời gian tới cần xây dựng chính sách cho Tây Nguyên theo hướng tổng thể, có nhiều nội dung, giải quyết nhiều mục tiêu với nguồn lực đủ mạnh cho từng vùng để triển khai thực hiện. Giảm bớt các đầu mối quản lý, tránh tình trạng có nhiều cơ chế, chính sách chồng chéo như hiện nay. Nhất là, ưu tiên giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng người DTTS quản lý để phát triển trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng hợp lý, hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất (kỹ thuật, vốn) các sản phẩm nông nghiệp và kết nối thị trường tiêu thụ; hỗ trợ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hồ chứa, công trình thủy lợi; hỗ trợ khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất...

Viết Tôn

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/chinh-sach-dan-toc-vung-tay-nguyen-ktxh-phat-trien-doi-song-nang-cao-20160128172958480.htm