Chính sách dân tộc của Việt Nam

Ở Việt Nam chính sách dân tộc được đánh giá như là một vấn đề xã hội mang tính đặc thù, thể hiện rõ quan điểm giai cấp, của Đảng và các cơ quan cầm quyền. Văn kiện Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng đã khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”.

Đời sống vùng đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện. Ảnh: H.Long Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Phần lớn các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, giao lưu quốc tế. Nhận thức được điều đó nên từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi việc hoạch định và thực hiện đúng chính sách dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Chính vì vậy trên cơ sở kế thừa những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và xuất phát từ thực tế đặc điểm, tình hình dân tộc ở nước ta Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chính sách dân tộc đúng đắn qua từng thời kỳ cách mạng nhằm củng cố tình đoàn kết dân tộc, thống nhất lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc. Thời kỳ từ 1930 – 1945: Thời kỳ Đảng Cộng sản được thành lập đến khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Thời kỳ này nước ta phải sống trong cảnh một cổ hai tròng, chịu số phận của một dân tộc thuộc địa nửa phong kiến. Vấn đề dân tộc -quốc gia là mục tiêu hàng đầu có ý nghĩa tác động chi phối đến vấn đề tộc người và vấn đề giai cấp. Tư tưởng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong chính sách dân tộc. Tháng 3-1935 trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ I, đưa ra nghị quyết nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản thừa nhận cho các dân tộc được quyền tự do hoàn toàn. Đảng chống chế độ thuộc địa, chống hết các hình thức trực tiếp đem dân tộc này vào đàn áp bóc lột dân tộc khác”. Trong hội nghị này, Đảng ta cũng đã khẳng định: “Sự liên hợp huynh đệ phải lấy nguyên tắc chân thật, tự do và bình đẳng cách mạng mà làm căn bản”. Nhờ những chính sách dân tộc đúng đắn đó đã động viên được khối đại đoàn kết toàn dân tộc tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Cách mạng Tháng 8 thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tạo ra một bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên mới: độc lập, dân chủ và tiến bộ. Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 chỉ rõ: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo”. Thời kỳ 1945-1954: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là thời kỳ đánh dấu bằng việc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Cả nước lại một lần nữa bước vào trường kỳ kháng chiến. Tháng 2-1951, Đảng ta tiến hành đại hội lần thứ II. Tại đại hội này, Đảng ta đã khẳng định: Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc, kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đánh đổ âm mưu gây thù hằn, chia rẽ dân tộc của đế quốc và lũ việt gian. Đồng thời cải thiện đời sống cho các dân tộc thiểu số, giúp đỡ họ tiến bộ về mọi mặt. đảm bảo để họ tham gia chính quyền và dùng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục ở các địa phương thiểu số. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra nghị quyết về “Chính sách dân tộc thiểu số của Đảng”. Đại đoàn kết dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc anh em làm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình thực hiện các chính sách dân tộc dù miền xuôi hay miền ngược, dù là dân tộc thiểu số hay đa số đều một lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng của đất nước. Thời kỳ 1955-1975: Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ở thời kỳ này chính sách dân tộc ở hai miền có sự khác nhau do hoàn cảnh thay đổi. Miền Bắc, vấn đề dân tộc và công tác dân tộc đặt ra lúc này gắn liền với cuộc cải cách dân tộc, cuộc cải cách dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam tiến hành cuộc vận động đoàn kết sức người sức của cùng nhau đánh thắng kẻ thù xâm lược và thống nhất đất nước. Thời kỳ 1976 đến nay: Đây là thời kỳ nước ta hoàn toàn được giải phóng, cả nước bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước. Từ sau năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. công tác dân tộc một lần nữa được khẳng định bổ sung cụ thể hóa trong nghị quyết Đại hội IV của Đảng (1976): Thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn bởi lẽ nó thể hiện sự nhất quán trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn lấy sự bình đẳng dân tộc làm kim chỉ nam cho mọi hành động, tạo những điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ, kinh tế và văn hóa giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người, đưa miền Núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp đồng bằng. Năm 1986, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Quan điểm về vấn đề dân tộc và công tác dân tộc trong thời kỳ này được tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi… Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội được coi trọng trong công tác dân tộc là một trong những yếu tố tiên quyết có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, là cơ sở để thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển. Có phát triển kinh tế - xã hội chúng ta mới có điều kiện để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân, mới tạo được động lực để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo đảm chính sách dân tộc như: định canh định cư, phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói giảm nghèo… Nhờ những chính sách dân tộc đúng đắn, vùng đồng bào dân tộc đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: - Về giáo dục: 100% xã đặc biệt khó khăn có trường học, nhà mẫu giáo và các lớp bán trú dân nuôi. Các bản xa trung tâm đều có lớp cắm bản, tình trạng học ca 3 được xóa bỏ, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90-95%, 71% xã đặc biệt khó khăn hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và 80% xã đặc biệt khó khăn hoàn thành phổ cập Trung học cơ sở. Đến năm học 2008-2009, đã có 285 trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn 49 tỉnh thu hút 84.000 học sinh theo học. - Về giao thông: Việc phát triển giao thông nông thôn, đặc biệt khu vực đồng bào dân tộc miền núi có ý nghĩa quan trọng. Nó là cầu nối giúp ngắn khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược. Là điều kiện quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở nông thôn. Bởi vậy, việc nâng cấp và xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch đã và đang được triển khai ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các hệ thống đường đến tỉnh lị và huyện đã được nâng cấp và trải nhựa. 97,42% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Một số tỉnh có hệ thống đường sắt, đường thủy thuận lợi cho giao lưu kinh tế như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang… - Điện lưới quốc gia: Đã được phủ khắp cả nước, đem ánh sánh văn minh dành cho bà con thôn bản. Đến nay, có 98% số huyện, 64% số xã có điện lưới quốc gia và trên 50% số hộ dân dùng điện. Gần 90% xã có điện thoại, 100% xã có tổ chức cơ sở đảng, gần 90% thôn bản có chi bộ, tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị ở các cấp ngày càng đông. - Về y tế: Công tác y tế được triển khai rộng rãi, hiện nay 100% huyện đã có trung tâm y tế và bác sĩ, 90% số xã miền núi vùng sâu, vùng xa có trạm y tế xã trong đó có hơn 80% số trạm đã được xây dựng củng cố. Đến nay, có gần 7.000 bác sĩ trong đó có nhiều bác sĩ có trình độ chuyên khoa. Trong lịch sử cũng như hiện nay, vấn đề dân tộc là một vấn đề mang tính thời sự diễn biến hết sức phức tạp. Vì thế nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta là cần đẩy nhanh hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người. Mặt khác cần chăm lo đến sức khỏe, đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc, phấn đấu làm theo lời dậy của Bác Hồ: “Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc. Phải ra sức làm nhiều cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiên kịp vùng thấp”. Kim Anh

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/xa-hoi/chinh-sach-dan-toc-cua-viet-nam/39401.039.html