Chính quyền cần tạo điều kiện cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động

Ở An Giang, Ban Thanh tra nhân dân (TTND) các xã, phường, thị trấn từng lúc, từng nơi đã thể hiện tốt vai trò giám sát, vận động đông đảo người dân tham gia, qua đó phát hiện nhiều sai phạm, đồng thời kiến nghị làm rõ những tiêu cực, tạo được lòng tin trong nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang gặp nhiều trở ngại, khiến hiệu quả đạt được chưa cao. Bà Nguyễn Thị Kim Cương, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh An Giang đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này:

Trung tâm TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang

Theo đánh giá, thời gian qua, Ban TTND các xã, phường, thị trấn tỉnh An Giang đã hoạt động tốt, bà có thể cho biết hiệu quả của hoạt động này đã mang lại những lợi ích gì cho cộng đồng?

Bà Nguyễn Thị Kim Cương

- Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã có 156 Ban thanh tra nhân dân tại tất cả các xã, phường, thị trấn, đa số các trưởng ban được cơ cấu là Phó chủ tịch UBMTTQ cùng cấp.

Từ khi có Luật Thanh tra năm 2004 Ban TTND ngày càng được củng cố về mặt tổ chức, số lượng thành viên, hầu hết trưởng phó ban đều được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Từ năm 2008 đến nay, Ban thanh tra nhân dân đảm nhận thêm nhiệm vụ Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết quả đánh giá 5 năm (từ năm 2005 đến 2010) Ban TTND các xã, phường, thị trấn, của An Giang đã tổ chức giám sát được trên 6.900 vụ việc. Rất nhiều vụ việc được kiến nghị xử lý kịp thời, cụ thể Ban TTND phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên qua phản ánh của các hộ tiểu thương về việc UBND phường Mỹ Bình, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm tra, điều hành Ban quản lý chợ để xảy ra việc sắp xếp lô sạp không công bằng. Qua xác minh và kiến nghị của Ban TTND đã được cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, đồng thời thu và sắp xếp nhiều lô sạp hợp tình, hợp lý cho các tiểu thương. Giám sát của Ban TTND phường Mỹ Phước (Long Xuyên) cũng kiến nghị xử lý 6 cán bộ có liên quan đến sai phạm trong việc phân công phụ trách chiếm dụng công quỹ và tiền của nhân dân, qua đó đã xử lý khai trừ Đảng, cách chức, thôi việc các đối tượng này và thu hồi lại số tiền chiếm dụng được gần 150 triệu đồng.

Ngoài ra về công tác giám sát công trình xây dựng ở địa phương, Ban TTND (Ban giám sát đầu tư của cộng đồng) chính là lực lượng nòng cốt trong việc giám sát thi công các công trình phúc lợi từ nguồn kinh phí của nhân dân đóng góp. Qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong thi công các công trình, kịp thời phản ánh với đơn vị chịu trách nhiệm thi công hoặc cơ quan chức năng để chấn chỉnh khắc phục sửa chữa những thiếu sót, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, cũng như tránh lãng phí, thất thoát vật tư xây dựng. Điển hình như Ban TTND xã Long An, huyện Tân Châu phát hiện việc thi công đường giao thông nông thôn kém chất lượng và đã kiến nghị sửa chữa.

Có thể nói từng lúc, từng nơi, Ban TTND có những hoạt động giám sát rất tốt, vận động được đông đảo người dân tham gia giám sát và phát hiện nhiều sai phạm qua đó kiến nghị, được cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý, hạn chế những tiêu cực trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Nhiệm vụ của Ban TTND là phát hiện những sai phạm từ cơ sở, đây là vấn đề không đơn giản vì nó động chạm đến quyền lợi và trách nhiệm của một số người. Vậy Ban TTND có gặp trở ngại gì trong quá trình thực hiện?

- Một trở ngại rất lớn đối với hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng là Ban TTND rất khó thu thập các thông tin liên quan đến xây dựng các công trình thậm chí là các công trình phúc lợi nhỏ.

Hơn nữa, cũng phải nhìn nhận, qua quá trình hoạt động Ban TTND còn khá nhiều hạn chế, chưa thể hiện hết được vai trò và trách nhiệm. Thời gian qua, Ban TTND đặc biệt là người đứng đầu của Ban chưa chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong công tác giám sát, chủ yếu trông chờ vào sự chỉ đạo phân công, giao nhiệm vụ của cấp ủy, UBMTTQ. Các thành viên Ban TTND hoạt động còn e ngại, nể nang ngại va chạm, nên không thể hiện hết được vai trò.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ giám sát Ban TTND chưa vận động được đông đảo người dân cùng tham gia. Nhiều nội dung trong pháp lệnh thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn, Ban TTND thậm chí cả MTTQ cũng không giám sát được. Một nguyên nhân khiến Ban TTND hoạt động chưa hiệu quả mà tôi thấy còn tồn tại không chỉ riêng ở các địa phương của tỉnh An Giang đó là sau khi kiểm tra phát hiện sai phạm, Ban TTND, Ban Thường trực UBMTTQ cùng cấp "quên ” mất việc phải làm văn bản kiến nghị lên cấp trên, thường chỉ nói miệng, hay có ý kiến trong cuộc họp rồi thôi, vì vậy rất khó cho cấp trên xử lý. Nhiều lúc, nhiều nơi cấp ủy chưa chỉ đạo sát sao, công tác phối hợp giữa Ban Thường trực UBMTTQ cấp xã với chính quyền chưa chặt chẽ, chính quyền cùng cấp chưa tạo điều kiện để Ban TTND hoạt động.

Trong khi đó, nhiệm kỳ của Ban TTND quá ngắn (2 năm) các thành viên chưa làm quen với công việc, chưa được tập huấn đã thay đổi, đây cũng là nguyên nhân khiến hoạt động của Ban TTND chưa đạt được hiệu quả.

Vậy theo bà, làm thể nào để Ban TTND hoạt động hiệu quả?

-Năm 2012, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và huyện, thành phố đã có kế hoạch chọn một số Ban TTND các xã, phường, thị trấn làm đơn vị điểm để tập trung củng cố đội ngũ, nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời cuối năm sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, tuyên dương các điển hình và nhân rộng các điển hình cho các địa phương khác trong tỉnh làm theo, từng bước tạo phong trào để Ban TTND hoạt động đúng với chức năng và nhiệm vụ của mình.

Chúng tôi sẽ kiến nghị, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện để Ban TTND hoạt động, công khai tài chính, các công trình, dự án trên địa bàn để Ban TTND dễ dàng tiếp cận thực hiện nhiệm vụ giám sát. Theo tôi, nhiệm kỳ của Ban TTND cần thay đổi từ 5 năm trở lên.

Xin cám ơn bà!

Quốc Trung

(thực hiện)

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=50150&menu=1371&style=1