Chiều tím hồ Tây

“Ai lên Hồ Tây mà chỉ ngắm cảnh hồ, không sà vào quán nhậu ốc hấp lá gừng, bánh tôm và món cá hồ trước khi vào nồi còn giãy đành đạch, coi như không biết Hồ Tây”. Nghe gã nói, có người hỏi: “Cứ gì phải ăn ngắm cảnh cũng đã. Tôm cá ở đâu chả có”. Gã gân cổ: “Phải ngồi ăn với cô bạn gái, uống rượu thuốc thả sức, rồi nghêu ngao hát”. Nghe gã hâm nói thế, mọi người không bực mình nữa. Có người hỏi nhẹ nhàng: “Rồi sao nữa?”. Gã không trả lời.

Phải ba tuần rượu nữa, khi con chép om dưa đặt trên bếp ga sôi sùng sục bưng ra, gã chủ xị gắp cho mỗi người một miếng còn mình không ăn. Cá ngon, cả hội chén chú chén anh. Gã vẫn ngồi uống rồi được mấy câu thơ: “Em ơi về đi/ Thôi đừng khóc nữa/ Mai em vào đời/ Tóc anh bạc rồi/ Chia tay ngậm ngùi”. Ra thế, lại còn thơ phú. Cả hội lặng im, chơi với nhau từ thuở lớp 10, ai cũng hiểu nhau. Một người nói: “Kể tiếp đi, bây giờ cô ấy ở đâu?”.

Gã đứng dậy nói với chủ quán câu gì đó. Lát sau có chú nhà hàng mang ra cây ghita. Gã chủ xị dạo đàn và gân cổ hát: “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài…”. Bài nhạc tiền chiến do cô ca sĩ hải ngoại Lệ Thu hát ai cũng thích nghe. Nhưng nghe một gã đàn ông si tình nghêu ngao mọi người như cảm được hồn của bài ca. Gã hát tiếp: “Từ đấy đàn vắng thanh âm, chùng dây vĩ cầm… Người đi phương nao, tóc bay dài, gió viễn khơi” thì cả mâm đều rớm lệ. Riêng gã mắt ráo hoảnh, rót một tuần nữa cho mọi người.

Cả hội đã qua cơn bi lụy, lại hồi sức và uống tiếp. Một tay, bạo dạn hỏi: Tết này cô ấy có về không? Gã trả lời: “Xa nửa vòng quả đất, lại con bế con bồng về thế nào được”. “Nó lấy Tây à?”. “Hỏi dớ dẩn, sang Tây không lấy Tây thì ai nuôi”. Gã vờ như không nghe câu chuyện. Cầm đàn hát tiếp: “Rằng ngày xưa, có gã từ quan/ lên non tìm động hoa vàng/ ngủ say…”.

Cả hội nhẹ cả người. “Tết này tao tròn 60, rằm tháng Giêng nhân sổ. Sắp tới chúng mày cùng lần lượt về hưu cả. Chẳng cần từ quan, tổ chức cứ đến ngày đến tháng nó làm. Sau đó tháng tháng ra phường nhận lương hưu, đi họp tổ dân phố, treo cờ các ngày lễ và nghe đài phường nói như đấm vào tai cho đến ngày hóa thân hoàn vũ. Làm vương làm tướng gì rồi sau khi ra lò cũng chỉ bằng cân đường như nhau thôi”. “Mình ở nhà mình, hóa thân ở dưới Văn Điển lại thành ra ở thuê, mỗi năm mấy trăm”.

Chia tay ra về ai cũng mong có nhiều chiều tím để ta lại ngồi quán cá Hồ Tây, để cảm thông và tha thứ cho cuộc đời.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chieu-tim-ho-tay-516602.bld