Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020

(NDHMoney) Mới đây, thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kí quyết định phê duyệt " Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020".

Mở đầu, chiến lược đã nêu rõ tình hình giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Bản chiến lược đã đề cập đến những thành tựu mà giáo dục Việt Nam đã đạt được trong suốt 10 năm qua. Những thành tựu tiêu biểu có thể kể đến như tỉ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, mạng lưới giáo dục phát triển rộng khắp trong toàn quốc đã mở rộng cơ hội học tập cho mọi người, bước đầu xây dựng xã hội học tập, chất lượng giáo dục được nâng cao, nguồn ngân sách và cơ sở vật chất dành cho giáo dục được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bản chiến lược cũng đề cập đến nguyên nhân của những bất cập, yếu kém. Ba nguyên nhân chính được nêu ra trong bản chiến lược là : Quan điểm " Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", " đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển" chưa thực sự được thấm nhuần và thể hiện trên thực tế; tư duy giáo dục chậm đổi mới; và những tác động khách quan làm tăng thêm những yếu kém bất cập của giáo dục.

Phần hai của bản chiến lược đã nêu ra bối cảnh, thời cơ và thách thức đối với nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh đó, bản chiến lược tiếp tục khẳng định Việt Nam thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân.

Mục tiêu của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới như sau: Mục tiêu cụ thể được đặt ra là hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015.

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, sẽ điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, phấn đấu đến 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400.

Giáo dục thường xuyên cũng được phát triển tạo cơ hội cho mọi người có thể học tập suốt đời, bước đầu hình thành xã hội học tập.

Để đạt được các mục tiêu chiến lược cần thực hiện tốt 8 giải pháp:

1. Đổi mới quản lí giáo dục
2. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục
3. Đổi mới nội dung phương pháp học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục
4. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục
5. Tăng cường gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội
6. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội
7. Phát triển khoa học giáo dục
8. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.

Nguồn NDH: http://ndhmoney.vn/web/guest/tai-chinh-ca-nhan/nghe-nghiep-giao-duc/giao-duc/view/-/journal_content/chien-luoc-phat-trien-giao-duc-2011-2020