Chiến hạm tàng hình, chống tàu ngầm 'siêu khủng' liên tiếp đến Đà Nẵng

Năm 2015 là một năm đáng nhớ đối với Đà Nẵng khi chỉ trong 7 tháng, Cảng Tiên Sa đã liên tiếp đón 12 chiến hạm thuộc dạng "khủng" của các cường quốc quân sự.

Bộ đôi chiến hạm Mỹ "xông đất"

"Xông đất" Đà Nẵng trong năm 2015 phải nói đến bộ đôi chiến hạm gồm tàu khu trục USS FITZGERALD (DDG62) và tàu tác chiến thế hệ mới USS FORT WORTH (LCS3) thuộc Liên đội tàu Khu trục 7, Lực lượng Hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đến thăm Đà Nẵng từ ngày 6 - 10/4/2015.

Bộ đôi chiến hạm gồm tàu khu trục USS FITZGERALD (DDG62) và tàu tác chiến thế hệ mới USS FORT WORTH (LCS3) của Hải quân Mỹ đến Việt Nam
trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2015). Cũng như thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa lực lượng Hải quân 2 nước.

Trong thời gian lưu lại Đà Nẵng, Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có các hoạt động hợp tác, huấn luyện kéo dài trong 5 ngày

Khu trục USS Fitzgerald (DDG-62) có lượng giãn nước toàn tải 8.900 tấn, dài 154m, rộng 20m, mớn nước 9,4m. Tàu trang bị 4 động cơ tuốc bin khí cho phép đạt tốc độ 56km/h, tầm hoạt động hơn 8.000km.

USS Fitzgerald được trang bị radar mạng pha điện tử AN/SPY-1 có khả năng phát hiện theo dõi 200 mục tiêu cùng lúc, phát hiện mục tiêu tên lửa đạn đạo ở cự ly tối đa 310k

Ngoài khả năng phòng không/chống tên lửa “khủng”, USS Fitzgerald có thể tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa hành trình chính xác cao BGM-109 Tomahawk với tầm bắn 1.000-2.000km.

Tàu USS Fitzgerald được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm nhiệt chuyên đánh chặn tên lửa diệt hạm. Tàu còn được trang bị ngư lôi hạng nhẹ chuyên chống tàu ngầm tốc độ cao.

Ngoài các loại vũ khí trên, Fitzgerald còn trang bị hệ thống pháo phòng không 25mm, 20mm và pháo hạm 127mm. Ở đuôi tàu trang bị một boong đáp và nhà chứa cho một trực thăng săn ngầm SH-60 Sea Hawk.

USS Fort Worth (LCS-3) là chiếc thứ 2 thuộc lớp tàu chiến đấu ven biển (Littoral Combat Ship – LCS) Freedom được thiết kế để đáp ứng khẩn cấp các nhiệm vụ hoạt động ở vùng nước nông chống lại mối đe dọa “phi đối xứng”, tàu ngầm chạy động cơ diesel và các vụ khủng bố dùng tàu (thuyền) cao tốc.

Sàn đáp trực thăng phía sau của tàu được thiết kế lớn hơn 1,5 lần so với các sàn đáp tiêu chuẩn trên tàu chiến, cung cấp khả năng hoạt động cho 2 trực thăng đa năng MH-60 Seahawk hoặc trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.

"Cặp bài trùng" chiến hạm Nhật Bản
Kế tiếp sau đội tàu Hải quân Hoa Kỳ là đội tàu huấn luyện JS KIRISAME (DD104) và JS ASAYUKI (DD132) thuộc Lực lượng Tự vệ bờ biển Nhật Bản do Đại tá Sugimoto Masaharu, Chỉ huy trưởng Biên đội tàu hộ vệ số 12 làm trưởng đoàn, cùng 500 sĩ quan và thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, thăm hữu nghị TP Đà Nẵng vào ngày 16/4.

Sáng 31/7, đội tàu Hải quân Nga gồm chiến hạm chống tàu ngầm "Đô đốc Pantelev" mang số hiệu 548, tàu kéo "SB-522", tàu chở dầu "Penchega", cùng 482 sỹ quan, thủy thủ Hải quân Nga đã cập cảng Tiên Sa, chính thức chuyến thăm TP Đà Nẵng từ ngày 31/7-2/8/2015.

Khu trục hạm Đô đốc Panteleyev thuộc lớp Udaloy I Project 1155 được đóng từ những năm 1990. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 6.200 tấn, tối đa 7.900 tấn; dài 163m; rộng 19,3m; mớn nước 6,2m. Và được vận hành với biên đội tàu gồm 300 sỹ quan, thủy thủ.

Ngoài vũ khí săn ngầm cực mạnh, để tự phòng vệ chống mối đe dọa từ trên không, tàu Đô đốc Panteleyev còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn 3K95 Kinzhal (tầm bắn 12.000m, độ cao diệt mục tiêu 10-6.000m); hệ thống pháo – tên lửa kết hợp Kashtan (tầm bắn 500-8.000m); hệ thống pháo phòng không cao tốc AK-630... nhằm gia tăng sức mạnh phòng không cho tàu.

Chiếc thứ ba trong biên đội là tàu chở dầu Pechenga lớp Dubna, tàu được đưa vào sử dụng từ năm 1978. Tàu có lượng giãn nước đầy tải 11.140 tấn; chiều dài 130,1 m; chiều rộng 20 m; mớn nước 7,2 m.

"Siêu sao" của Hải quân Mỹ
Trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Thái Bình Dương lần thứ 6, sáng 17/8, đội tàu Hải quân Mỹ gồm 2 "siêu sao" là tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH19) và tàu hộ tống tốc độ cao USNS Millinocket (JHSV-3), cùng 16.000 sỹ quan thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Chậm hơn dự kiến 1 ngày do vướng siêu bão Dujuan. Sáng 2/10, chiến hạm tàng hình INS Sahyadri của Hải quân Ấn Độ, do Đại tá Kunal Raj Kumar chỉ huy cùng 300 sĩ quan và thủy thủ đã cập cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị TP Đà Nẵng.

Sức mạnh của các tàu lớp Shivalik nắm giữ nhiều kỷ lục của Hải quân Ấn Độ khi chiến hạm là loại tàu đầu tiên sở hữu cả động cơ diesel và động cơ đẩy khí độc lập. Chúng cũng là lớp tàu đầu tiên có khả năng tàng hình và tấn công mặt đất.

Kết cấu thân tàu, hệ thống tản nhiệt và chống dội âm giúp tăng khả năng tàng hình của INS Sahyadri và các tàu cùng lớp. Tốc độ truyền dữ liệu nội bộ của các tàu chiến lên đến 10 Gb/giây. Tàu được trang bị máy bay trực thăng, thiết bị radar tân tiến và hệ thống tên lửa đánh chặn cũng như cô lập mục tiêu cực mạnh.

"Siêu hạm bếp núc" đến từ Úc
Sáng 30/10, tàu tiếp tế Hải quân Úc mang tên HMAS Sirius cùng 62 người trong thủy thủ đoàn đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), chính thăm hữu nghị Đà Nẵng trong 5 ngày.

Trong thời gian ở Đà Nẵng, thủy thủ đoàn trên tàu HMAS Sirius sẽ có các hoạt động diễn tập trên biển với Hải quân Vùng 3.

Tuần dương xứ sở "quý tộc Pháp"

Sáng 4/11, tuần dương hạm của Hải quân Pháp mang tên Vendemiaire đã cập cảng Tiên Sa, chính thức thăm hữu nghị TP Đà Nẵng trong 5 ngày.

Tàu nặng 2.950 tấn; dài 93,5m; rộng 14m; mớn nước 4,4m. Tàu được trang bị pháo hạm hạng nặng, hệ thống tên lửa hành trình, máy bay trực thăng và hệ thống thiết bị điện tử, quân sự tối tân.

Nguồn VTC: http://vtc.vn/chien-ham-tang-hinh-chong-tau-ngam-sieu-khung-lien-tiep-den-da-nang.2.591914.htm