Chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào (Tiếp theo và hết)

Kỳ cuối: Cơn ác mộng của ngụy quân

QĐND - Để chuẩn bị điều kiện đánh đòn tiêu diệt quyết định của chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Tiêu diệt lực lượng của Sư đoàn bộ binh 1 ở nam đường 9 là nơi địch sơ hở, đồng thời giữ vững Sê Pôn, Na Bo, chia cắt, bao vây và diệt địch ở các điểm cao 550, 532, giữ vững Sa Đi - Mường Noọng. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh chiến dịch điều Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 lên phía tây nhằm tăng cường giữ Sê Pôn, điều Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 cơ động về phía tây dự bị cho Sư đoàn 2 và dự bị cho hướng Bản Đông, sử dụng Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) để tiến công tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh địch, sử dụng Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 2) tiến công tiêu diệt Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến. Đồng thời, sử dụng 3 trung đoàn: Trung đoàn 2 của Sư đoàn 324, Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 và Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 để cắt đường 9 đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông, đồng thời đánh địch từ Lao Bảo đến Khe Sanh; Sư đoàn 2 cùng với lực lượng phối thuộc, tăng cường bao vây, tiêu diệt Sư đoàn bộ binh số 1 ngụy; sử dụng Sư đoàn 308 để chuẩn bị tiêu diệt địch ở Bản Đông. Pháo binh chiến dịch được sử dụng tập trung để đánh Bản Đông, Lao Bảo, Khe Sanh. Sau khi điều chỉnh và cơ động lực lượng, ta đã hình thành thế bao vây, chia cắt cô lập địch trên từng khu vực, trong khi ta vẫn giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, sẵn sàng chuẩn bị chuyển sang thực hành tiến công lớn tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch. Ngày 12-3-1971 ta mở đợt 3 chiến dịch thực hiện đòn tiêu diệt lực lượng địch ở Bản Đông. Trung đoàn 102 thực hiện cắt đường 9, trong trận đánh ở điểm cao 311 trung đoàn đã đánh lui 20 đợt phản kích của Lữ dù số 2 diệt 450 tên địch, bắn cháy 65 xe tăng, xe thiết giáp, bắn rơi 3 máy bay. Tại khu vực điểm cao 351, các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 và Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 kiên trì giữ vững trận địa chốt. Như vậy, các điểm chốt chặn của ta tại các điểm cao 311, 334, 351 đã chặn đứng mọi hoạt động tiếp ứng của địch trên đường 9. Sáng ngày 16-3-1971, Sư đoàn 2 - Sư đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Chơn - được tăng cường Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh chiến dịch đánh địch, mục tiêu tiêu diệt là Trung đoàn 1 bộ binh thuộc Sư đoàn 1 ngụy khi chúng bỏ điểm cao 723 chạy về hướng Đông Bắc và lọt vào khu vực ta cài sẵn. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 141 từ các sườn núi cao đánh dốc xuống kẹp chặt toàn bộ quân địch. Cùng lúc, Tiểu đoàn 40 của Trung đoàn Ba Gia vận động đánh cắt ngang sườn đội hình của quân ngụy đang tháo chạy. Các chiến sĩ ta từ 3 hướng dũng mãnh xung phong vào đội hình đang rối loạn của địch. Trung đội trưởng Lê Văn Phê của Tiểu đoàn 40 dẫn đầu 9 chiến sĩ dùng AK, lưỡi lê, lựu đạn đánh gần diệt 40 tên địch, riêng Phê diệt 26 tên; đến trưa ngày 16 tháng 3, toàn bộ Tiểu đoàn 1 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lực lượng còn lại của Trung đoàn 1 bộ binh ngụy co cụm, phân tuyến để máy bay B52 ném bom vào đội hình quân ta. Sau hai ngày tiến công, Sư đoàn 2 đã tiêu diệt và bắt sống 1.750 địch, diệt gọn Trung đoàn 1 của Sư 1 ngụy; bắn rơi 50 máy bay các loại, thu hàng trăm súng, pháo, cối hạng nặng. Ngày 19-3-1971, sau 7 ngày vận chuyển gạo, đạn phục vụ chiến dịch, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên tiểu đoàn Trần Xuân Gứng được lệnh cơ động diệt địch ở động Na, Kế Sách, Ba Lào. Đường xa, địa hình phức tạp, bộ đội thấm mệt nhưng với quyết tâm không để địch chạy thoát, toàn tiểu đoàn hành quân thâu đêm để kịp vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công. Chờ xe tăng và thiết giáp địch lọt vào đội hình phục kích của tiểu đoàn trên đường số 9, Nguyễn Huy Hiệu dẫn mũi chủ yếu của tiểu đoàn đánh thẳng vào giữa đoàn xe. Sau 1 giờ chiến đấu, tiểu đoàn diệt gọn 28 xe tăng, thiết giáp, vận tải và tiêu diệt gần 100 tên Mỹ - ngụy. Trên hướng Bản Đông, các Trung đoàn bộ binh 66, 64, 36 có xe tăng, pháo binh, cao xạ phối hợp bao vây, chia cắt cụm cứ điểm Bản Đông. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, ngày 18-3-1971 địch bắt đầu rút khỏi Bản Đông trong hoảng hốt, lo sợ, ta lập tức công kích vào toàn bộ khu vực Bản Đông. Sáng ngày 20 tháng 3 ta làm chủ hoàn toàn Bản Đông, diệt 1.762 tên, bắt sống 107 tên, thu và phá hủy 113 xe, 24 khẩu pháo, bắn rơi 52 máy bay. Ở phía đông, ngày 23-3-1971, phối hợp với lực lượng đường 9 Nam Lào, Bộ đội Đặc công B5 đã tập kích địch ở Tà Cơn, tiêu diệt 100 tên giặc lái và nhân viên kỹ thuật, phá hủy 42 máy bay lên thẳng, 6 xe tăng. Một bộ phận lực lượng của ta phát triển đánh vào khu vực Hướng Hóa, Khe Sanh làm cho địch náo loạn, co cụm không dám phản kích. Trong những ngày từ 19 đến 23-3-1971, Bộ tư lệnh chiến dịch chuyển dịch đội hình về phía đông, kết hợp truy kích địch với tác chiến ngăn chặn, lần lượt tiêu diệt địch co cụm ở các khu vực Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây. 16 giờ chiều ngày 22 tháng 3, trong tình thế bị uy hiếp từ nhiều phía, đặc biệt là các điểm chốt dọc đường số 9 do Trung đoàn 24 và Trung đoàn 102 đảm nhiệm đánh địch ngày đêm và giữ vững trận địa không cho quân địch vượt qua; hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải quân sự bị cháy, hỏng dọc các điểm chốt cũng góp phần cản trở, ùn tắc làm cho quân địch không thể cơ động trên đường 9 để về Lao Bảo, Khe Sanh, địch buộc phải vứt bỏ lại toàn bộ xe tăng, pháo cơ giới còn đang nổ máy để vượt qua phía Nam sông Sê-pôn, sông Sê-băng Hiên chạy bộ vào rừng. Do tổ chức hiệp đồng vây chặn phía Nam không chặt, nên có một bộ phận lực lượng quân địch có cả sĩ quan chạy thoát. Ta tổ chức một số đơn vị vượt sông bắt sống được hàng trăm tàn binh. Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra đường 9 - Nam Lào của Mỹ - ngụy biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn. Nhà lý luận quân sự Bri-ên Giên-Kin coi đây là “một thảm họa lớn nhất đã tiêu diệt số lớn sĩ quan trẻ của quân đội Sài Gòn”, rõ ràng là một cơn ác mộng của quân đội ngụy và chính quyền Sài Gòn. Sau 52 ngày diễn biến chiến dịch, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, ta đã thu được kết quả chiến dịch hết sức to lớn: Loại khỏi vòng chiến đấu 19.960 tên, bắt làm tù binh 1.142 tên; tiêu diệt 3 lữ đoàn, trung đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn; đánh thiệt hại nặng sư đoàn dù, sư đoàn bộ binh 1, đánh thiệt hại sư đoàn thủy quân lục chiến; bắn rơi và phá hỏng 556 máy bay (trong đó 505 máy bay lên thẳng, phá hủy và đánh chìm 43 tàu, sà lan, phá hủy 1.138 xe cơ giới (trong đó có 528 xe tăng và bọc thép). Ta thu được một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh (máy bay, xe tăng, pháo, cối, xe vận tải, các loại đạn...). Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào 1971 đã giáng cho Mỹ - ngụy một đòn thất bại nặng nề về cả quân sự lẫn chính trị, cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc chỉ đạo xây dựng huấn luyện và tác chiến cho lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với thắng lợi to lớn toàn diện, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Vinh quang thuộc về những người con đã xả thân vì Tổ quốc và chính sự hy sinh của những người con ưu tú ấy đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Kỳ 1: Tọa sơn nghênh mãnh quỷ Kỳ 2: Còn người còn chốt, bị thương không rời trận địa Thiếu tướng Lê Mã Lương

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/57/57/138691/Default.aspx