Chiêm ngưỡng ngôi chùa có một không hai ở Hải Phòng

Với lối kiến trúc độc đáo, hiện đại theo văn hóa truyền thống Phương Đông, Chùa Cao Linh có vẻ đẹp, hoành tráng khác biệt hẳn so với với những ngồi chùa trên địa bàn TP Hải Phòng.

Chùa Cao Linh với diện tích 49.000m2, tọa lạc ở phía tây cửa ngõ của TP Hải Phòng, giữa một vùng đất cao ráo, rộng lớn, thuộc địa bàn trang Hà Liên, nay là thôn Bắc Hà xã Bắc Sơn (An Dương, Hải Phòng), cách trung tâm Thành phố khoảng 12km, nằm cạnh quốc lộ 10 nối liền giữa các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, phía sau là quốc lộ 5 nối liền giữa Hải Phòng – Hải Dương và Thủ Đô Hà Nội .

Chùa Cao Linh được dòng họ Lê Văn trong làng Hà Liên xây dựng vào năm nào không rõ, nhưng chỉ biết trong bia đá của chùa có ghi lại niên hiệu trùng tu vào đời Hậu Lê, khoảng chừng hơn 300 năm trước.

Chùa Cao Linh (xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP Hải Phòng)

Trải qua ba thế hệ trụ trì, chiến tranh loạn lạc, sau khi Hòa Thượng Thích Thanh Sự viên tịch năm 1980, chùa không có tăng ni kế tiếp trụ trì hoằng dương Phật Pháp, càng xuống cấp nghiêm trọng.

Mãi đến năm 2001, nhờ hồng ân Chư Phật, nhờ đức lành của Chư Tôn Đức lãnh đạo Giáo Hội, sự quan tâm đồng ý nhất trí của chính quyền địa phương chùa được cúng cho Thượng Tọa Thích Thanh Giác - Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP Hải Phòng, trụ trì chùa Phổ Chiếu – Thành phố Hải Phòng về kiêm nhiệm trụ trì.

Thượng Tọa đã cùng chính quyền, Phật tử, nhân dân địa phương, vạch ra kế hoạch trùng tu lại ngôi Bảo Điện, chuyển từ hướng Tây sang hướng Nam theo vị trí như hiện nay.

Cuối năm 2006, Đại đức Thích Giác Nghiên là đệ tử của Thượng Tọa Thích Thanh Giác sau khi hoàn tất học nghiệp về nước. Được sự đồng ý nhất trí của các cấp chính quyền, Thành Hội Phật Giáo Hải Phòng đã bổ nhiệm Đại Đức Thích Giác Nghiên về trụ trì hoằng dương Phật Pháp tại nơi đây cho đến ngày nay.

Được thiết kế, xây dựng lối kiến trúc văn hóa Phương Đông, cổng Chùa Cao Linh có độ cao hơn 14m, với 5 cổng tượng trưng cho 5 căn lành của đệ tử Phật nói về Đức tin, Tinh tấn, Chánh niệm, Thiền định và Trí tuệ.

Kế tiếp bước chân của chư Tổ và của Thầy, Đại đức Thích Giác Nghiên đã cùng với chính quyền nhân dân địa phương và thập phương tiếp tục xây dựng Đại Hùng Bảo Điện, Cổng Ngũ Quan, Vườn Tháp, La Hán Đường, Vãng Sinh Đường, Thiền Đường, Niệm Phật Đường và các công trình khác mà Hòa Thượng Tôn Sư giao phó.

Với đường nét xây dựng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa Phật Giáo, Chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của những người con Phật trong khắp nội ngoại thành phố, là điểm tham quan du lịch của các du khách trong và ngoài nước và cũng là điểm nhấn nổi bật trong toàn cảnh khu danh thắng du lịch nổi tiếng Núi Voi.

Chia sẻ với PV VTC News, Đại đức Thích Giác Nghiên - Trụ trì chùa Cao Linh cho biết, ngoài việc thực hiện công việc phật sự, hàng năm nhà chùa thường xuyên tổ chức kêu gọi các phật tử, các nhà hảo tâm tham gia công đức vào các hoạt động thiện nguyện, trợ cấp thường xuyên, giúp đỡ, ủng hộ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người già neo đơn, trẻ mồ côi, tật nguyền, đồng bão gặp thiên tai, bão lũ, với số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm. Đây là một trong những ngôi chùa có hoạt động thiện nguyện lớn nhất TP Hải Phòng.

Dưới đây là những hình ảnh độc đáo tại Chùa Cao Linh:

Chân cổng đặt 6 linh vật chấn giữ, bảo vệ chùa.

Từ cổng vào là bức bình phong, phía trước thờ tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, nhằm nhắc nhở khách thập phương đến chùa phải mở lòng từ bi, bác ái.

Phía sau bức bình phong chính đề 6 điều tông chỉ (viết bằng văn tự cổ) của Chùa Cao Linh, là phương hướng, đường lối tu tập, hoằng pháp của Chùa Cao Linh. Trong đó điều thứ nhất nhắc nhở, Chùa được xây dựng lên là của phật tử mười phương chứ không phải của riêng ai.

Hai bên là hai bức bình phong nhỏ. Một bên đề bài kệ của ngài Huê Lăng nói về trí tuệ, bát nhã; một bên đề bài kệ của ngài Thần Tú, nói về những phương tiện phổ độ chúng sinh.

Ngôi Đại hùng Bảo điện được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc đặc thù truyền thống của Phật giáo Việt Nam, hình chữ Đinh, gồm 3 gian tiền đường và 1 gian hậu cung, mái đao, đầu rồng và hoa sen cách điệu làm trang trí chính.

Bên trong Chánh điện thiết kế trang trí theo lối câu đối, cửa vòng truyền thống của Việt Nam. Hậu cung Chánh điện thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; hai bên thờ Sư Lợi Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát.

Khách thập phương cung kính, chiêm bái, lễ Phật trong Chánh điện

Hai bên sân chùa trước cửa chánh điện dựng 2 hàng tượng Đức Phật A Di Đà, được đúc bằng bê tông, cốt thép, mỗi bên 7 pho tượng, là biểu tượng cho 7 yếu tố giác ngộ của Phật Giáo (Thất Bồ Đề Phật).

Hai dãy nhà chờ, nơi nghỉ chân của khách thập phương trước khi vào chiêm bái lễ Phật, thiết kế xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc Cung đình Huế với hoa văn rồng cách điệu.

Phía tường bao chùa là hàng tháp đá, tượng Phật, được sắp đặt trang nghiêm, nơi một số gia đình phật tử tiêu biểu gửi gắm tâm linh nơi cửa Phật

Qua mỗi không gian trong khuôn viên chùa lại có một cổng nghênh đón khách thập phương đến vãn cảng, chiêm bái, lễ Phật.

Thư viện, nơi chư tăng học tập và tra cứu. Chủ yếu là kinh Phật, với 3 thứ tiếng Việt, Trung, Anh.

Phật tử thỉnh chuông lễ Phật

Video: Biểu diễn nhạc nước trên hồ Tam Bạc, Hải Phòng

Bị vu khống là trùm ma túy, sư trụ trì khẩn thiết cầu cứu

Chuyện ông sư đại náo cửa chùa ở Hải Dương: Sư biến mất, chủ nợ tá hỏa

Ông sư tẩm xăng 'hóa vàng' quần áo chú tiểu và dọa... đổ máu!

Chân dung ông sư 'đại bịp' trong chùa ở Hải Dương

Minh Khang

Nguồn VTC: http://vtc.vn/chiem-nguong-ngoi-chua-co-mot-khong-hai-o-hai-phong.2.591924.htm