Chi trả bảo hiểm y tế theo quy định mới

Viết theo yêu cầu bạn đọc

Từ ngày 1-10-2009, việc chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân đã được thực hiện theo quy định mới với nhiều điều chỉnh có lợi cho người dân hơn. Bộ Y tế đã thành lập 22 tổ kiểm tra công tác thực hiện Luật BHYT tại các bệnh viện. Trong đó chọn 10 bệnh viện làm điển hình trong thực hiện Luật BHYT. Tuy nhiên, bước đầu triển khai đã gặp không ít vướng mắc... Thực hiện Luật BHYT như thế nào đang là mối quan tâm của nhiều bạn đọc Báo Quân đội nhân dân. Luật BHYT mới sẽ giúp cho người nghèo, trẻ em và nhiều đối tượng chính sách có thêm cơ hội khám, chữa bệnh. Nhiều điểm mới có lợi cho người dân Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, điểm mới của BHYT là việc người bệnh được thanh toán chi phí dùng kỹ thuật cao, chi phí lớn không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu (tương đương với 26 triệu đồng theo thời điểm hiện nay). Trong khi đó theo quy định cũ nếu dùng kỹ thuật cao chỉ được thanh toán không quá 20 triệu đồng. Đối với người nghèo, mắc bệnh mãn tính, phải điều trị kéo dài thì họ sẽ có nguồn quỹ khác hỗ trợ thêm, như quỹ khám, chữa bệnh người nghèo, quỹ vòng tay nhân ái, quỹ tương trợ… Luật BHYT cũng quy định các quyền lợi dành cho một số đối tượng, trường hợp cụ thể được thụ hưởng như: Khi sử dụng các loại thuốc chống ung thư và chống thải ghép ngoài danh mục, Quỹ BHYT sẽ chi trả 50% chi phí cho các đối tượng đã tham gia BHYT liên tục đủ 36 tháng trở lên, đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi và lực lượng quốc phòng, công an, Ban Cơ yếu Chính phủ khi nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang tham gia BHYT đúng quy định, không đúng quy định. Với đối tượng bị tai nạn giao thông, Quỹ BHYT sẽ chỉ thanh toán cho các trường hợp bị tai nạn nhưng không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Những trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị tai nạn phải tự thanh toán… Cũng theo bà Hương, để thực hiện được theo quy định mới sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị. Việc cấp thẻ BHYT mới không thể hoàn thành trước 1-10-2009 vì hầu như các tỉnh chưa có danh sách trẻ dưới 6 tuổi để chuyển qua cho bảo hiểm xã hội cấp thẻ. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương cần khẩn trương cấp thẻ cho các đối tượng này. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã có quy định, với trường hợp chưa được cấp thẻ tạm thời vẫn tiếp tục trình thẻ khám, chữa bệnh miễn phí hoặc giấy khai sinh, giấy chứng sinh. Đối với trẻ sơ sinh, thủ trưởng cơ sở y tế, cha (hoặc mẹ), người giám hộ ký chịu trách nhiệm vào hồ sơ bệnh án. Bộ Y tế cũng yêu cầu các khoa nhi, phòng khám nhi cần chuẩn bị các điều kiện làm thủ tục khám, chữa bệnh cho các đối tượng này để bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Từ ngày 1-10, bảo hiểm xã hội chính thức cấp thẻ BHYT cho trẻ em và thẻ này không cần ảnh, thời hạn sử dụng thẻ sẽ hết hạn khi trẻ hết 6 tuổi. Khi trẻ đến hết 6 tuổi nhưng nếu đang điều trị tại bệnh viện thì vẫn được BHYT chi trả cho đến khi xuất viện. Luật BHYT quy định sẽ chi trả chi phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; khám sàng lọc chẩn đoán sớm một số bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, đái tháo đường… Tuy nhiên, những quy định này phải đến năm 2010 mới triển khai vì hiện Bộ Y tế mới đang xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện… Vẫn còn những khó khăn Khó khăn lớn khi thực hiện các quy định mới về BHYT là các cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành y tế còn quá yếu kém dẫn tới sự quá tải, nhất là đối với hệ thống y tế cơ sở. Với quy định mới người bệnh cùng chi trả theo các mức 5% và 20% sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Người bệnh sẽ tiếp tục điệp khúc xếp hàng, chờ đợi hàng giờ, có khi vài ngày để được khám bệnh và để được trả tiền. Nếu hệ thống y tế cơ sở được đầu tư tốt sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm tải cho tuyến trên, việc làm các thủ tục cùng chi trả không tốn kém thời gian bằng việc chờ đợi đến lượt khám, chữa bệnh hay thanh toán của người bệnh do quá tải. Đó là việc cần phải giải quyết đầu tiên để tạo điều kiện thuận lợi và đồng thời bảo đảm quyền lợi, giảm phiền hà cho người dân. Bác sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, hạn chế lớn hiện nay là quy định trẻ em dưới 6 tuổi được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh nhưng vẫn có trần, nếu vượt trần phải tự thanh toán. Ngoài ra, sự mất cân bằng giữa trẻ dưới 6 tuổi và trẻ trên 6 tuổi, vì nhiều trẻ sinh ra từ tháng 1 đến tháng 9 trong năm thứ 6 (hơn 6 tuổi) hoặc vì lý do nào đó chưa được học ở trường sẽ không được hưởng một chính sách nào về khám, chữa bệnh khi bị bệnh hiểm nghèo thì phải tự bỏ tiền chữa bệnh. Một hạn chế nữa là mặc dù không phải cùng chi trả song hiện nay vẫn có sự khác biệt về khung giá và danh mục dịch vụ, thuốc được chi trả theo chế độ BHYT vẫn bị giới hạn bởi quy định thu một phần viện phí nên bệnh viện vẫn phải thu tiền. Theo ông Trần Quang Khánh, Phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, khi thực hiện quy định về cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh, người dân sẽ có những phản ứng nhất định, chưa thể đồng tình ngay. Đối tượng cận nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cùng chi trả mà đối tượng này ở các tỉnh miền núi chiếm khá đông. Các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ phải đối mặt để giải quyết những vấn đề này, sẽ phải thêm người để thu tiền, cải cách các thủ tục để hợp lý hơn. Cũng có ý kiến cho rằng, về giá thuốc đấu thầu ở một số bệnh viện cao hơn giá trên thị trường, giá thuốc chênh lệch giữa các bệnh viện cùng tuyến trên cùng địa bàn. Phương thức thanh toán theo chi phí của từng dịch vụ y tế mà người bệnh được cung cấp mà chi phí này lại phụ thuộc hoàn toàn vào các dịch vụ y tế của bệnh viện do chỉ định của thầy thuốc khiến cho có thêm nhiều loại thuốc và dịch vụ kỹ thuật không cần thiết, đặc biệt là dịch vụ xã hội hóa đã được thầy thuốc chỉ định… mà bảo hiểm sẽ phải chi trả mà khó có khả năng thẩm định… Từng bước tháo gỡ Ngay sau khi triển khai thực hiện BHYT theo quy định mới, ngoài việc xây dựng phần mềm thanh toán viện phí mới, các bệnh viện đều tăng thêm giờ khám bệnh, tổ chức người hướng dẫn bệnh nhân đến những nơi làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Các bệnh viện đã tổ chức tăng thêm người tiếp nhận, hướng dẫn đăng ký sổ BHYT theo hệ thống bảng điện tử hiện đại khiến cho việc giải quyết thủ tục nhanh chóng và thuận tiện. Công tác tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức trong thời gian qua cũng đã đem lại nhiều kiến thức, hiểu biết cho người bệnh về Luật BHYT mới và quyền lợi của mình. Về vấn đề xác định người vi phạm luật trong tai nạn giao thông khi được đưa vào điều trị, bà Tống Thị Song Hương cho biết, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội thành lập bộ phận giám định ở bệnh viện để xác định người vào viện có hay không vi phạm luật giao thông. Đối với những xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán bệnh di truyền, nhiều loại thuốc chưa có trong danh mục của BHYT, các bệnh viện có thể đề xuất những danh mục thuốc, xét nghiệm... chưa được thanh toán để Bộ Y tế xem xét sửa đổi phù hợp và sớm ban hành để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, các bệnh viện đã chuẩn bị rất tốt cho việc triển khai Luật BHYT, đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính như trả kết quả xét nghiệm trong ngày, thêm giờ khám bệnh, có cán bộ hướng dẫn khám BHYT... sẽ góp phần vào thành công của Luật BHYT khi đưa vào thực tế. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, dù có những vướng mắc khi thực hiện Luật BHYT mới, nhưng tuyệt đối không thể để vấn đề cùng chi trả làm chậm trễ việc điều trị cho bệnh nhân, Luật BHYT mới là một chính sách tốt và sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp để đem lại quyền lợi cho người dân. Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/21/21/94234/Default.aspx