Chế độ phụ cấp đối với cán bộ được cử đi học

Bà Trần Thị Thuyết (tranthithuyet108@...) hỏi: Trường hợp công chức, viên chức là Trưởng khoa bệnh viện, hệ số phụ cấp 0,4 được cử đi học nước ngoài, cơ quan đã bổ nhiệm 1 cán bộ khác giữ chức vụ Quyền Trưởng khoa, hệ số chức vụ 0,4 thì Trưởng khoa đó có được hưởng phụ cấp trong thời gian đi học không?

Bà Thuyết cũng muốn biết, trường hợp công chức, viên chức đi học trong nước ốm đau, thai sản có thời hạn từ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm trở lên có còn được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ này không?

Cả 2 trường hợp trên không có quyết định thôi giữ chức vụ mà đơn vị vẫn bổ nhiệm người khác giữ chức vụ thay thế và được hưởng phụ cấp có đúng không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Thuyết như sau:

Chế độ trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học nước ngoài áp dụng quy định tại khoản 4, Điều 8 Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang như sau: “Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị và các đối tượng hưởng lương thuộc lực lượng vũ trang được cử đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài từ 30 ngày liên tục trở lên hưởng sinh hoạt phí do Nhà nước đài thọ hoặc hưởng lương, hưởng sinh hoạt phí do nước ngoài, tổ chức quốc tế đài thọ thì trong thời gian ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)”.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập ở trong nước nhưng vẫn thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị cử đi học, thì trong thời gian được cử đi học được hưởng 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Nếu cơ quan, đơn vị đó ra quyết định thôi giữ chức vụ lãnh đạo đối với người được cử đi học, thì họ không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Trong thời gian được cử đi học trong nước mà ốm đau, thai sản thì cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do Cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả. Theo quy định tại khoản 1, Điều 23 và khoản 1, Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội số 76/2006/QH11 thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau là một năm; mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Cũng tại điểm a, khoản 1, Điều 31 và khoản 1, Điều 35 Luật này thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con là bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường; mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đi học tập, nâng cao trình độ, tập trung có thời hạn, vì vậy người đó không thể thường xuyên có mặt tại cơ quan đơn vị. Để thực hiện chính sách cán bộ, có thể cơ quan, đơn vị không ra quyết định thôi giữ chức vụ đối với người được cử đi học.

Tuy nhiên, do yêu cầu của công tác quản lý đòi hỏi phải có người đứng đầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về chuyên môn nghiệp vụ, nhân lực, thì cơ quan, đơn vị đó có quyền bổ nhiệm người thay thế, có thể với chức vụ cấp phó, hoặc quyền cấp trưởng. Người được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo được hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định.

Trường hợp bà Trần Thị Thuyết phản ánh, do yêu cầu của công tác, Giám đốc bệnh viện bổ nhiệm người khác giữ chức vụ quyền trưởng khoa thay thế người được cử đi học tập tập trung là có cơ sở và đúng thẩm quyền. Quyền trưởng khoa, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của trưởng khoa được hưởng phụ cấp chức vụ trưởng khoa là đúng.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/che-do-phu-cap-doi-voi-can-bo-duoc-cu-di-hoc/201110/101250.vgp