Chế độ được hưởng khi nghỉ hưu sớm

TTO - * Chị tôi sinh năm 1957, làm việc tại một doanh nghiệp Nhà nước làm kinh tế Đảng và đã tham gia bảo hiểm xã hội đến nay đã được 30 năm. Hiện do mất sức lao động 70% (đã có giám định y khoa), chị tôi muốn xin nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trước tuổi và hưởng lương hưu hàng tháng.

- Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định điều kiện để được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau: người lao động theo quy định của Luật BHXH đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định của Luật BHXH khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Nam đủ 50 tuổi trở lên, nữ đủ 45 tuổi trở lên; + Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành. Như vậy, nếu chị của bạn bị suy giảm khả năng lao động 70% và đã có giám định y khoa thì đủ điều kiện để được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động với mức thấp hơn so với điều kiện thông thường theo quy định. Do chị của bạn thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nên cách tính lương hưu như sau: Theo Điều 52 và Điều 58 Luật BHXH, mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của năm năm cuối trước khi nghỉ hưu tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Do chị của bạn nghỉ hưu trước tuổi quy định nên mức hưởng hàng tháng được quy định trên đây sẽ trừ đi, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm đi 1%. Mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung. Mặt khác, chị của bạn là lao động nữ và đã có 30 năm đóng BHXH nên theo quy định tại Điều 54 Luật BHXH thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ; cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH. Ngoài ra khi nghỉ việc, chị của bạn còn được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động đã được sửa đổi, bổ sung, theo đó cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương (nếu có). Tuy nhiên, tại Khoản 6 Điều 139 Luật BHXH quy định thời gian chị của bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động. - Khoản 1 Điều 151 Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung (BLLĐ) và Khoản 3 Điều 15 Luật BHXH đều quy định người lao động tham gia BHXH được nhận các khoản trợ cấp về BHXH đầy đủ, thuận tiện, kịp thời và đúng thời hạn. Do đó, nếu trong thời gian làm việc tại doanh nghiệp mà bạn đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thai sản và phòng nhân sự của công ty bạn đã làm hồ sơ gửi cơ quan BHXH thì bạn vẫn nhận được khoản trợ cấp này sau khi nghỉ việc (nếu có).

Nguồn Tuổi Trẻ: http://www3.tuoitre.com.vn/Vieclam/Index.aspx?ArticleID=372348&ChannelID=269