Châu Phi bất lực trước nạn tảo hôn

Ở tuổi 15, thay vì đến trường làng, Lucia Felix đang ngơ ngác chuẩn bị làm mẹ sau một cuộc hôn nhân sắp đặt. Cô chỉ là một trong hàng triệu cô dâu trẻ em tại châu Phi, những cô gái phải kết hôn trước khi đủ 18 tuổi và thậm chí nhiều em kết hôn khi chưa đủ 15 tuổi.

Lucia cho biết một người đàn ông trẻ đến làng của cô tìm vợ và cô được lựa chọn. Hiện Lucia đang mang thai tháng thứ 8, tuy nhiên cô cảm thấy lo sợ vì mình còn trẻ và không thể tự chăm sóc cho đứa con đầu lòng. “Tôi muốn trở lại trường học, để sau này làm cô giáo”.

Liên minh châu Phi (AU) cho biết tại lục địa này mỗi năm có khoảng 14 triệu em gái tảo hôn, phần lớn trong số họ do cha mẹ ép buộc, thường chống lại luật lệ vốn hiếm khi được thực thi. Trong khi đó, theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) được công bố cuối năm 2015, tại châu Phi ước tính có khoảng 125 triệu bé gái là cô dâu. Con số này dự tính sẽ tăng lên 310 triệu vào năm 2050, đẩy các bé gái vào cảnh “tuổi thơ bị đánh mất và tương lai tan vỡ”. Báo cáo cũng yêu cầu chính phủ các nước phải hành động tích cực hơn nữa nhằm chấm dứt tình trạng tảo hôn tại đây.

Một cô dâu nhí 14 tuổi cùng con nhỏ tại Kanduku, Malawi.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, UNICEF cho rằng các bé gái kết hôn sớm để trả nợ cho gia đình, để tránh cho các em khỏi tội lỗi theo quan niệm lạc hậu của người dân hoặc đơn giản do đó là một truyền thống. Tuy nhiên, trên thực tế, các cô dâu trẻ em đối mặt với nguy cơ lớn bị bạo hành, nghèo đói và lây nhiễm HIV.

Tại Mozambique, độ tuổi kết hôn hợp pháp là 18 hoặc 16 với sự đồng ý của cha mẹ nhưng gần một nửa các cô gái tại quốc gia này lập gia đình trong các nghi lễ truyền thống trước khi đủ 18 tuổi. Theo cuộc điều tra dân số lần cuối được tiến hành năm 2011, có khoảng 14% vụ kết hôn diễn ra trước khi các em gái đủ 15 tuổi. Pascoa Ferrao, giám đốc sở hành động xã hội tại khu vực phía nam thành phố Inhambane cho biết: “Khái niệm về trẻ em tại khu vực này thường khác biệt, ngay khi có dấu hiệu của tuổi dậy thì, những đứa trẻ đã được coi là người lớn”.

Albertina Ricardo bà mẹ trẻ 17 tuổi tại Inhambane, Mozambique cùng con nhỏ.

Năm 2014, hãng tin AP từng đưa tin về trường hợp chồng của một bé gái giấu tên bị buộc tội cưỡng hiếp, bạo hành chính vợ mình và buôn người bị kết án 22 năm tù giam, tuy nhiên anh này khăng khăng rằng mình chỉ làm theo tục lệ truyền thống. Ngay tại ở Nam Phi, quốc gia có hiến pháp dân chủ và luật lệ bảo vệ các cô dâu trẻ em thì hủ tục “bắt dâu” (ukuthwala) vẫn thường vượt trên các điều luật hiện đại.

Tục Ukuthawala thường cho phép một người đàn ông trẻ bắt một cô gái đến tuổi lấy chồng về làng của mình để thuyết phục gia đình cô gái cho phép kết hôn nhưng hiện nay đã bị biến tấu thành việc bắt cóc, cưỡng hiếp và ép buộc các cô gái vào một đường dây, nơi các cô gái phải phục vụ giống như nô lệ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Ehiopia, nơi nạn bắt cóc và cưỡng hôn các cô gái thường diễn ra tại các vùng nông thôn.

Theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, nạn tảo hôn cũng được khuyến khích trong cộng đồng 1,2 triệu người theo Cơ đốc giáo và các tôn giáo truyền thống khác ở Zimbabwe. Một nhân vật chức sắc trong Nhà thờ cho biết: “Nếu một người đàn ông đứng trong nhà thờ và nói rằng trong giấc mơ, Chúa khuyên anh ta nên kết hôn với một cô gái nào đó thì đó là lời răn của Chúa và phải tuân theo”. Giới chức nhà thờ cũng thường bắt kiểm tra trinh tiết các cô gái khi đủ 12 tuổi.

Cho đến tận tháng 11 năm ngoái, AU mới lần đầu tiên nhóm họp tại Zambia để bàn thảo về việc chấm dứt tình trạng tảo hôn tại châu Phi, một bước đi nhỏ trong nỗ lực bảo vệ các cô gái tội nghiệp như Lucia.

Việt Dũng (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/nhin-ra-the-gioi/chau-phi-bat-luc-truoc-nan-tao-hon-20160204204518362.htm