Châu Âu và Trung Á lo sợ về khủng hoảng năng lượng trong tương lai

VIT - Theo website của Liên Hợp Quốc, báo cáo của Ngân hàng thế giới WB cho biết, mặc dù Nga và Trung Á hiện nay đang đảm nhiệm vai trò cung ứng năng lượng chủ yếu cho Đông Âu và Tây Âu, nhưng vẫn lo ngại về viễn cảnh cung ứng năng lượng không thể tái sinh của khu vực Đông Âu và Trung Á.

Tuy có một nền tảng năng lượng đầy tiềm năng, nhưng khu vực này vẫn đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng, trong 20 năm tới phải cần có được một khoản tiền đầu tư lên tới 3000 tỷ USD. Hôm qua, WB đã công bố một báo cáo mang tên “Tắt đèn? Viễn cảnh năng lượng của Đông Âu và khu vực Liên Xô cũ”. Theo báo cáo, đến năm 2030, nhu cầu năng lượng không thể tái sinh của châu Âu và Trung Á dự đoán sẽ tăng 50%, còn nhu cầu điện dự báo sẽ tăng 90%. Đồng thời, mức độ đầu tư vào năng lượng lại đang tụt hậu, đặc biệt là trong phương diện bảo vệ và cải tạo nâng cấp nguồn năng lượng. Hiện trạng này sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng. Báo cáo còn cho rằng, muốn duy trì hoặc nâng cao sản lượng năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho châu Âu, sẽ phải cần một khoản đầu tư rất lớn. Theo thống kê, từ năm 2010 – 2030, nhu cầu vốn để khai thác năng lượng không thể tái sinh của Đông Âu và Trung Á ước tính sẽ phải cần 1300 tỷ USD, mới có thể bảo đảm được việc cung ứng dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng điện lực của khu vực này cũng phải được nâng cấp. Từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước tới nay, năng lực phát điện dường như không tăng, các nhà máy phát điện cũ kỹ. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho ngành điện trong 20 – 25 năm tới cần khoảng 1500 tỷ USD, nhu cầu đầu tư vào nguồn năng lượng nhiệt điện cũng cần khoảng 500 tỷ USD. Theo ngân hàng thế giới, thách thức mà các nước Đông Âu và Trung Á sau này sẽ phải đối mặt đó là phải tăng lượng cung ứng năng lượng với chi phí thấp nhất, đồng thời thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tỷ lệ phát thải các-bon và tỷ lệ GDP của khu vực này đều đứng đầu trên thế giới. Năm 2005, Nga là nước phát thải carbon dioxide lớn thứ ba trên thế giới. Các nước thành viên Liên minh châu Âu tại khu vực này đã bắt đầu áp dụng các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu suất, phát triển công nghệ năng lượng có thể tái sinh. Các quốc gia khác cũng sẽ phải đứng trước nhiều sức ép tương tự thậm chí còn lớn hơn. Ngân hàng Thế giới còn cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các nước Đông Âu và Trung Á để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ, giúp họ xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, tìm kiếm vốn từ nhiều kênh khác nhau, bao gồm vốn tài chính để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các nước vẫn cần phải lập tức hành động.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/kinhte/nangluong/la74372/default.htm