Châu Âu lên kế hoạch chuyển giao toàn bộ băng tần 700 MHz cho di động

Những nỗ lực chứng minh những lợi ích to lớn khi cấp phát băng tần 700 MHz cho lĩnh vực di động của các nhà cung cấp di động, các nhà cung cấp thiết bị viễn thông dường như đã bắt đầu gặt hái thành quả. Hội đồng châu Âu (EC) vừa đưa ra dự thảo trong đó định hướng sẽ chuyển toàn bộ băng tần này cho lĩnh vực di động.

Băng tần 700 MHz (cụ thể là từ 694-790 MHz) trước đây được sử dụng trong lĩnh vực truyền hình, để phát các kênh truyền hình analog. Chính vì vậy khi các quốc gia thực hiện lộ trình số hóa, lượng phổ tần này được giải phóng…. 700 MHz được coi là băng tần “vàng” bởi vừa cho tốc độ truyền dẫn cao vừa cho vùng phủ sóng rộng. Cả lĩnh vực truyền hình và di động đều rất mong muốn được sở hữu lượng băng tần này và trong bốn năm qua hai bên đều rất tích cực vận động hành lang để dành quyền sử dụng băng tần này.

Băng tần 700 Mhz cho độ rộng vùng phủ sóng lớn hơn nhiều so với các băng tần đang được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực di động như 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz

Động thái này của châu Âu diễn ra nhằm cụ thể hóa quyết định của ITU cách đây gần 3 tháng, chính thức ấn định băng tần này cho lĩnh vực di động của khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA). Với việc dành băng tần này cho các nhà mạng di động, chất lượng truy cập internet di động sẽ được cải thiện đáng kể, cả ở khu vực vùng sâu vùng xa đồng thời mở đường cho 5G.

Để nắm bắt được cơ hội này, cũng như đảm bảo hình thành một thị trường viễn thông thống nhất trong khu vực, các thành viên của EU phải đảm bảo nhanh chóng hoàn thành việc số hóa truyền hình để giải phóng hoàn toàn băng tần 700 MHz trong vòng tối đa là 4 năm nữa (muộn nhất là 30/6/2020). Bởi vì đây cũng là thời điểm dự báo 5G sẽ chính thức được thương mại hóa.

Tại khu vực châu Á-TBD, hiện tại đã có 18 trong số hơn 40 quốc gia (Australia, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Fiji, India, Indonesia, Nhật, Malaysia, Maldives, Nepal, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan và Tonga) cam kết sẽ phân bổ băng tần 700 MHz cho băng rộng di động. Tuy nhiên cho tới nay mới chỉ có 7 trong số 18 quốc gia này đã thực hiện cấp phát băng tần cho nhà mạng, hầu hết là ở những nước có lĩnh vực viễn thông phát triển. Số còn lại mới chỉ thống nhất về chủ trương.

Ngay từ đầu năm 2015, Bộ TT&TT đã cho biết chủ trương, lộ trình số hóa truyền hình đang được triển khai đúng tiến độ. Theo đó, đến 1/7/2015 sẽ ngắt sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, đến 1/1/2016 ngắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng. Vì vậy, trong năm 2016 có thể chuyển băng tần 700 MHz cho các mạng di động sử dụng. Tất nhiên, hình thức cấp quyền sử dụng sẽ thông qua đấu thầu và sẽ mất một khoảng thời gian nữa các nhà mạng mới có thể chính thức triển khai hệ thống trên băng tần này. Nếu đúng theo lộ trình này, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong việc chuyển băng tần 700 MHz cho các nhà mạng.

Như vậy, hiện 4G tại Việt Nam đang khá được “ưu ái” về tài nguyên tần số. Ngoài băng tần 2.600 MHz theo giấy phép thì Bộ cũng đã cho phép các doanh nghiệp có thể triển khai trên băng tần 1.800 MHz. Việc cấp thêm băng tần 700 MHz cho các nhà mạng sẽ là tiền đề vững chắc về tài nguyên tần số cho các nhà mạng triển khai 4G thành công.

Hoàng Vũ

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201602/chau-au-len-ke-hoach-chuyen-giao-toan-bo-bang-tan-700-mhz-cho-di-dong-521599/